Làm thế nào để khuyến khích trẻ theo đuổi sở thích mà không gây áp lực?

Đức Chung

(Dân trí) - Khi trẻ có một sở thích nào đó, các bậc cha mẹ thường muốn chúng phải thật xuất sắc, nhưng điều quan trọng là đừng nhầm lẫn giữa sự khuyến khích lành mạnh với việc tạo áp lực thành công cho trẻ.

Làm thế nào để khuyến khích trẻ theo đuổi sở thích mà không gây áp lực? - 1

Một trong những cách khuyến khích trẻ hiệu quả nhất chính là cha mẹ cũng nên theo đuổi sở thích của bản thân (Ảnh: Getty Images).

Dù là học tập, thể thao, hay các bộ môn sáng tạo, việc trẻ thể hiện sự thích thú, và thậm chí là năng khiếu trong một lĩnh vực nào đó đều là tín hiệu tích cực. Nhưng phụ huynh rất dễ rơi vào tình trạng tạo áp lực quá mức, muốn đạt được thành tích nào đó, thay vì chỉ đơn giản là để trẻ tận hưởng niềm vui được theo đuổi sở thích. Thực tế cho thấy, kiểu phụ huynh hay thúc ép con, quá coi trọng thành công, về lâu dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến trẻ.

Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học bang Arizona ở Mỹ đối với học sinh lớp 6 cho thấy áp lực điểm số và các hoạt động ngoại khóa mà bố mẹ đặt lên con cái đã thực sự cản trở quá trình phát triển của trẻ trong tương lai. Cũng theo nghiên cứu này, trớ trêu là con của những phụ huynh hay tạo áp lực về thành tích hơn là các phẩm chất, như tình thương yêu hay sự lễ phép, lại thường có điểm số thấp hơn.

Suniya Luthar, một trong các tác giả của nghiên cứu trên, khẳng định rằng việc thúc ép trẻ tập trung quá nhiều vào thành tích sẽ dẫn đến tâm trạng bất an và lo lắng trở nên nghiêm trọng hơn.

Giáo sư Ellie Lee của Đại học Kent, cũng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa làm cha mẹ, cho biết đôi khi có quan niệm sai lầm rằng cha mẹ cần phải định hướng cho trẻ trở thành một kiểu người nào đó.

Theo đuổi những sở thích của bản thân

Theo giáo sư Lee, một trong những cách khuyến khích trẻ hiệu quả nhất chính là cha mẹ cũng nên theo đuổi sở thích của bản thân.

Thông thường khi có con, mọi người gần như không còn ưu tiên bản thân mình nữa, sẵn sàng từ bỏ sở thích cá nhân.

Giáo sư Lee thừa nhận rằng đúng là sự xuất hiện của con cái sẽ thay đổi cuộc đời của bố mẹ hoàn toàn, nhưng người làm cha mẹ cũng cần theo đuổi sở thích của chính mình.

"Tôi cho rằng việc có thể gây ảnh hưởng nhất đến trẻ, và khiến chúng theo đuổi sở thích chỉ đơn giản là cho chúng thấy người khác cũng theo đuổi sở thích của họ". Việc nhìn cha mẹ mình nỗ lực thực hiện đam mê là động lực chính để trẻ quyết tâm thành thạo một lĩnh vực mình yêu thích.

Lắng nghe và quan sát

Theo nhận định của nhà tâm lý học giáo dục thanh thiếu niên Melernie Meheux tại Học viện Giáo dục thuộc Đại học London, các bậc cha mẹ cần lắng nghe và quan sát trẻ để biết điều gì khiến chúng thực sự có hứng thú: "Hãy luôn đưa ra những phản hồi tích cực, nếu bạn muốn khích lệ trẻ, biết được chúng làm tốt việc gì và không quá khắt khe với trẻ".

Bên cạnh đó, bà khuyên các bậc phụ huynh nên để trẻ em "tự định hướng" thông qua trải nghiệm một loạt các hoạt động khác nhau. Việc này kết hợp với sự động viên, khích lệ sẽ giúp cải thiện cảm xúc và tâm lý nói chung của trẻ.

"Khi cảm thấy thoải mái, vui vẻ, và hài lòng, trẻ sẽ thích học hỏi hơn nữa. Vì vậy, có thể nói lợi ích của việc tham gia vào một thứ trẻ yêu thích sẽ lớn hơn việc thúc ép trẻ làm những thứ chúng không giỏi," bà Meheux cho biết.

Theo www.cnbc.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm