Làm gì để giúp đỡ người trẻ có ý định tự tử, tự gây tổn thương?

Mai Châm

(Dân trí) - "Không chỉ cần đánh giá khả năng trẻ em có thể tự tử hay không mà cần có những đánh giá các yếu tố nguy cơ và đánh giá các yếu tố bảo vệ để đối phó toàn diện".

Sáng ngày 4/5, tọa đàm "Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp Tự sát ở trẻ em và Thanh thiếu niên" do trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức với hình thức trực tuyến, có sự tham gia của những chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý thanh thiếu niên như PGS.TS Trần Thành Nam, TS. Lê Nguyên Phương, ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy, TS. Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Đức Tài, ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng...

Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho thanh thiếu niên 10-24 tuổi

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã công bố những con số thống kê đáng quan ngại về tình trạng tự tử và có ý định tự tử ở thanh thiếu niên, như: Cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử; Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây từ vong cho thanh thiếu niên 10-24 tuổi (năm 2014); Tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên 15-24 tuổi đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua; Phương tiện phổ biến nhất được trẻ em dưới 15 tuổi sử dụng để tự tử là nhảy từ các tòa nhà cao tầng và chạy vào dòng xe cộ...

Làm gì để giúp đỡ người trẻ có ý định tự tử, tự gây tổn thương? - 1

Một số sự thật về tự tử do PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra. (Ảnh chụp màn hình)

Từ thực tế nêu trên, PGS.TS Trần Thành Nam khuyên rằng, để ngăn chặn tự tử khẩn cấp, những người thân có thể giúp đỡ bằng cách: Ở cạnh người muốn tự tử, đừng để họ một mình; Cố gắng thuyết phục hoặc đưa họ đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc bệnh viện; Loại bỏ các loại dao, kéo, dây thừng... hoặc dụng cụ có thể tự tử bao gồm cả thuốc.

Về lâu dài, các thanh thiếu niên có vấn đề về tâm lý và hành vi tự gây tổn thương cần được giúp đỡ bằng loạt biện pháp phối hợp: Huấn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc có thể dẫn đến việc thực hiện hành vi tự gây tổn thương; Huấn luyện kỹ năng chấp nhận bản thân để cởi mở với những trải nghiệm khó chịu; Hướng dẫn kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề cuộc sống một cách hiệu quả; Cung cấp một môi trường an toàn và nuôi dưỡng khả năng phục hồi (ở nhà, ở trường); Loại bỏ định kiến của cha mẹ, thầy cô, bạn bè về người có hành vi tự gây tổn thương.

Cùng chủ đề giúp đỡ người trẻ có ý định tự sát, ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy cho rằng có những yếu tố sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi tự sát, rất cần gia đình, xã hội quan tâm, đó là: Có thành viên thân thiết trong nhà; Cảm giác trách nhiệm với gia đình; Hài lòng với cuộc sống; Có khả năng kiểm định thực tế; Có các kỹ năng chống đỡ tích cực; Có các kỹ năng giải quyết vấn đề tích cực; Hỗ trợ xã hội tích cực; Liên minh điều trị tích cực.

Làm gì để giúp đỡ người trẻ có ý định tự tử, tự gây tổn thương? - 2

ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy đưa ra các biện pháp phòng ngừa tự tử. (Ảnh chụp màn hình)

Đáng nói, bác sĩ Thụy Vy đưa ra ba bước để phòng ngừa hành vi tự tử. Qua đó, người thân có thể giúp người có ý định tự tử thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Tuy vậy, bác sĩ này lưu ý rằng chính người thân cũng có thể chịu ảnh hưởng tâm lý tiêu cực, căng thẳng từ người có ý định tự sát.

Giải pháp với vấn đề tự tử ở thanh thiếu niên

TS. Lê Nguyên Phương cho rằng để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ tự tử cần có những biện pháp toàn diện, đánh giá toàn diện.

"Không chỉ cần đánh giá khả năng trẻ em có thể tự tử hay không mà cần có những đánh giá các yếu tố nguy cơ (về môi trường, gia đình, xã hội) và đánh giá các yếu tố bảo vệ (những yếu tố tích cực như: có bạn bè, thích tập thể thao, nghệ thuật...). Nhận diện được yếu tố nguy cơ để giảm thiểu nếu nằm trong khả năng của chúng ta, đồng thời tăng cường các yếu tố bảo vệ để đối phó toàn diện với các khả năng tự sát", Tiến sĩ Phương cho hay.

Làm gì để giúp đỡ người trẻ có ý định tự tử, tự gây tổn thương? - 3

TS. Lê Nguyên Phương nhấn mạnh rằng cần đánh giá toàn diện về yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ trong ngăn chặn tự tử. (Ảnh chụp màn hình)

ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho rằng cần nhìn nhận các yếu tố nguy cơ đối với hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên đến từ chính cá nhân và bên ngoài. Thông tin cụ thể ở bảng dưới đây:

Làm gì để giúp đỡ người trẻ có ý định tự tử, tự gây tổn thương? - 4

Các yếu tố nguy cơ đối với hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên do ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng cung cấp (Ảnh chụp màn hình).

ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng chỉ ra những tác động của các yếu tố nguy cơ này lên cá nhân, gia đình và xã hội và đưa ra khuyến nghị, giải pháp. Trong đó, Thạc sĩ Tùng nhấn mạnh cần nhìn nhận đúng về tầm quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần (SKTT) thông qua nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Thứ hai là cần tăng cường nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng ở tất cả các cấp thông qua đào tạo, đặc biệt là đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội để đối phó với các vấn đề SKTT dưới mức nặng ở các trường học và các trung tâm bảo trợ xã hội.

Thứ ba là rà soát và mở rộng mô hình SKTT cộng đồng, bao gồm đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế cấp cơ sở về hỗ trợ tâm lý - xã hội và SKTT, trong đó có kỹ năng phát hiện và phòng ngừa các trường hợp có khả năng tự tử với sự phối hợp đa ngành.

Thứ tư là tăng cường vai trò nòng cốt của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong hỗ trợ SKTT và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm: Dạy những kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý; Giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học; Đầu tư xây dựng và phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường/công tác xã hội trường học; Cung cấp cho phụ huynh những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, nuôi dạy con.

Thứ năm là thực hiện các nghiên cứu đặc biệt tập trung vào vấn đề tự tử, sơ đồ hóa về mặt định tính và định lượng những đặc điểm và khía cạnh khác nhau của các nguyên nhân và yếu tố thúc đẩy ý nghĩ và hành vi tự tử, cũng như đặc điểm của các nạn nhân.

Thứ sáu là đẩy mạnh vai trò của truyền thông trong định hướng và hỗ trợ.