Kỳ thi IELTS: Liệu có xảy ra tiêu cực vì một số người muốn đi "đường tắt"?
(Dân trí) - "Không riêng IELTS, bất cứ kỳ thi nào và do ai tổ chức cũng có khả năng xảy ra tiêu cực vì luôn có một số người tìm cách đi "đường tắt" để đạt mục tiêu".
Ý kiến nêu trên là của TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, chính vì thực tế như vậy, cơ quan chủ quản cần có những biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo mọi kỳ thi diễn ra an toàn, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi thí sinh.
Trả lời báo chí liên quan đến việc một số đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài, trong đó có chứng chỉ IELTS, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: Thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ.
Liệu có khả năng xảy ra tiêu cực trong kỳ thi IELTS?
Trao đổi với PV Dân trí, cô T., là giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội cho biết, những học sinh cô dạy lâu năm, các em giỏi thật sự, gia đình có đầu tư từ bé thì điểm thi IELTS cao là khá tin cậy và cô không ngạc nhiên.
"Cách đây một thời gian, có người quen hỏi tôi rằng, nhiều người đồn đại một số nơi có việc mua điểm IELTS với giá thời điểm đó là 30 triệu đồng thì có thật không?
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên, nhưng sau khi chứng kiến con trai đầu tham gia thi hai lần và qua thông tin trên nhiều báo chí, tôi nghĩ rằng những nghi vấn về một số kỳ thi chứng chỉ nước ngoài có thể có cơ sở", cô T. chia sẻ.
Cụ thể, đề thi gồm một những bộ câu hỏi, được quay vòng và do các chuyên gia của các đơn vị cấp chứng chỉ ra. Các chuyên gia này cũng phải thi chứng chỉ hai năm một lần.
Khi ra đề thi, tất nhiên các chuyên gia tuân thủ theo nguyên tắc có bẫy đề, có yếu tố gây nhiễu nhưng chỉ một số câu và format bài thi luôn như vậy. Trong khi đó, những bộ câu hỏi này được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần, với điều kiện bảo mật tuyệt đối.
Điều đáng ngại ở đây là một số bộ phận tổ chức thi có khả năng nào đó tạo ra kẽ hở để học sinh ôn thi tại cơ sở của họ khi thi sẽ được điểm cao hay không?
"Đơn vị cấp bằng có lẽ không lường hết được những điều này, thậm chí tôi biết về mặt kỷ luật giáo viên của một số nơi rất nghiêm khắc, phạt sa thải nếu phát hiện giáo viên dạy thêm ở bên ngoài bằng bất kỳ hình thức nào.
Vì thế tôi cho rằng, vấn đề ở đây liên quan đến khâu coi giám sát các kỳ thi", cô T. cho hay.
Chính vì vậy theo giáo viên này, ở kỳ thi TOEFL của Mỹ đã rút kinh nghiệm, họ chỉ tổ chức thi trực tuyến, bài làm gửi về Mỹ, chấm tại Mỹ. Việc thi nói cũng thực hiện online.
Trong khi đó, bài thi IELTS hiện đang được lưu vào máy tính nên càng dễ xảy ra tiêu cực.
Đạt điểm tuyệt đối 9.0 IELTS khó như "hái sao"
Trở lại với câu hỏi nhiều năm trở lại đây, mức điểm thi IELTS của nhiều thí sinh ở trong nước cao ngỡ ngàng.
Điều này đặt ra băn khoăn, do trình độ của chúng ta ngày càng tốt lên, việc luyện thi giúp thí sinh "trúng tủ" nhiều hơn hay có tiêu cực đâu đó?
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, nói như vậy không hẳn đúng bởi thực tế hiện nay, học sinh có điều kiện học tập và sử dụng tiếng Anh tốt hơn nên năng lực của các cháu khá hơn nhiều so với trước đây.
Số lượng người đăng kí dự thi cũng nhiều hơn nên số thí sinh được điểm cao nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu.
"Chúng ta nên xét đến tỷ lệ % thí sinh đạt điểm cao chứ không chỉ là số thí sinh đạt điểm cao", TS Dũng cho hay.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Travis Richard Stewart, nguyên là lãnh đạo của một tập đoàn giáo dục cho hay, để đạt được IELTS 9.0 là một hành trình khó nhưng không phải không đạt được.
Cũng theo ông Travis, thông thường những ai đạt 9.0 chủ yếu chỉ đạt được điểm tối đa 1/4 hoặc 2/4 kỹ năng (trong số các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết).
Cực kỳ hiếm có thí sinh nào đạt được 9.0 với số điểm tối đa ở cả 4/4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Để đạt được 9.0 là mức điểm cực kỳ khó, ngay cả với người bản xứ. Ở Việt Nam, số lượng người đạt thành tích này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Đạt được 9.0 IELTS, ngoài học tập, cá nhân ấy phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như: Có thường xuyên sử dụng tiếng Anh hay không, thời điểm tiếp xúc tiếng Anh như thế nào, môi trường tiếng Anh xung quanh, có thường xuyên du lịch văn hóa tới các quốc gia sử dụng tiếng Anh hay không? Có luyện tập các kỹ năng liên quan đến học thuật một cách bài bản hay không"…, ông Travis cho hay.
Chứng chỉ tiếng Anh IELTS là chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận toàn cầu, có giá trị cao trong ứng tuyển vào các trường đại học và ứng tuyển nhân sự, tìm kiếm việc làm.
Với chứng chỉ IELTS, người thi được kiểm định 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), điểm tuyệt đối của mỗi kỹ năng là 9.0.