Kỳ 2 mà việc học vẫn gián đoạn, phụ huynh lo con hổng kiến thức

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bước vào nửa cuối của năm học nhiều biến động, phụ huynh lo lắng tìm giải pháp hỗ trợ con học bù kiến thức.

Năm học 2021-2022 là năm học sinh chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ trước đến nay bởi dịch Covid-19: Học trực tuyến trong khoảng thời gian dài; học trong tâm lý bất an khi xung quanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh; liên tục thay đổi hình thức cũng như phương pháp học tập,… Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường học vừa mở cửa đón học sinh đã nhanh chóng chuyển sang dạy học trực tuyến. Đến thời điểm này, việc học tập của các em học sinh chưa hoàn toàn ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như hiệu quả tiếp thu.

Trong khi đó, theo tiến độ chương trình của Bộ GD&ĐT, chỉ còn chưa đầy 3 tháng để hoàn thành chương trình học năm nay khiến nhiều phụ huynh bắt đầu lo ngại. Ban đầu, chị Thanh Hà (phụ huynh có con học lớp 2 và lớp 6 ở Hà Nội) vì ưu tiên vấn đề sức khỏe nên hoàn toàn ủng hộ việc các con học ở nhà. Thêm vào đó, chị tin rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát và khi trở lại trường, con có đủ thời gian để theo kịp chương trình. Nhưng thực tế thời gian dừng đến trường quá lâu, khi quay lại học trực tiếp với cường độ và kỷ luật cao hơn, con xuống tinh thần rõ rệt.

Chưa kịp quen nề nếp mới, nhà trường lại chuyển sang dạy trực tuyến vì số F0 ở trường tăng mạnh. Việc học hành thay đổi liên tục như vậy khiến chị càng lo con rơi rụng kiến thức, buộc phải tìm lớp học thêm để con "đuổi" chương trình.

Khác với chị Hà, anh Dương (phụ huynh của Quang Bình Siêu Trí Tuệ 2019, Phú Thọ) đã sớm rèn cho con ý thức tự giác học tập để con luôn chắc kiến thức cũng như giữ được nếp học trong mọi hoàn cảnh. Anh cho rằng ở độ tuổi còn nhỏ, trẻ rất nhạy với thế giới xung quanh và có một niềm đam mê khám phá rất lớn. Khi thấy được những sở thích của con, phụ huynh lồng ghép vào với việc học, sẽ giúp con tự giác.

Quang Bình cũng như bao bạn nhỏ khác, thích ganh đua, phần thưởng và các nội dung nhiều màu sắc. Bởi thế mà Bình hào hứng với các sân chơi như Violympic, đấu trường toán học VioEdu,…

Ban đầu, trong thời gian giãn cách, sau những giờ học trực tuyến ít được tương tác với bạn bè, Bình tham gia đấu trường toán học như một cách giải tỏa căng thẳng và tự đánh giá kiến thức. Sau đó, hệ thống VioEdu trả kết quả thi đấu kèm chỉ ra các chủ điểm kiến thức mạnh, yếu để học sinh ôn luyện thêm, Bình dựa vào những gợi ý đó để tự học mỗi ngày, cải thiện thứ hạng cho trận đấu kế tiếp. Dần dần, em trở nên yêu thích và tự thiết lập thói quen học tập môn Toán mà không cần bố mẹ nhắc nhở, giám sát.

Kỳ 2 mà việc học vẫn gián đoạn, phụ huynh lo con hổng kiến thức - 1
Quang Bình tự học môn Toán theo lộ trình cá nhân hóa trên VioEdu (Ảnh: NVCC).

Dù học trực tuyến ở nhà, hay quay lại trường lớp, bất cứ khi nào không hiểu bài, Bình có thể xem lại bài giảng, luyện tập thêm trên VioEdu. Khi đã tự tin với kiến thức, Bình tham gia đấu trường, thách đấu để săn phần thưởng yêu thích.

VioEdu sử dụng trí tuệ nhân tạo A.I và dữ liệu lớn để tự động sinh ra các câu hỏi, bài tập dựa vào điểm mạnh, điểm yếu của học sinh. Khi học sinh chưa hiểu bài, hệ thống có hướng dẫn giải chi tiết và bài giảng lý thuyết bằng hoạt hình, giúp việc tự học theo rất dễ dàng.

Theo đánh giá của anh Dương, trong điều kiện dạy và học còn thiếu tính ổn định như hiện nay, đây là kênh bổ sung kiến thức chủ động và hiệu quả cho các bạn nhỏ. Phụ huynh có thể giám sát dễ dàng mà không gây áp lực lên trẻ.

Đến nay, VioEdu đã có gần 10 triệu người sử dụng bao gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên và quản lý nhà trường.