Kiên Giang: Hơn 100.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cấp Tiểu học có hơn 86.700/168.500 học sinh; bậc THCS có hơn 29.100/103.100 học sinh chưa có thiết bị... để học trực tuyến.

Nhiều huyện biên giới và hải đảo Kiên Giang đang nỗ lực dạy học cho học sinh khối 9 và 12 trên môi trường internet. Tuy nhiên, nỗi lo mất điện, mạng internet bị rớt là điều không thể tránh khỏi.

Nhiều cái khó khi dạy học mà thầy ở trường, trò ở nhà

Ngày 7/9, học sinh khối lớp 9 và 12 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bước vào ngày học thứ 2 trên môi trường internet. Để thuận lợi cho việc quản lý, giám sát cũng như kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, Sở GD-ĐT Kiên Giang đưa ra 2 hệ thống phần mềm để các trường chọn tổ chức dạy học, hệ thống E-Learning và hệ thống K12 Online.

Ngoài 2 hệ thống trên, giáo viên có thể sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ như các ứng dụng hỗ trợ dạy học trực tuyến, tuy nhiên, thầy và trò nhiều điểm trường ở vùng sâu, hải đảo vẫn còn nhiều nỗi lo mất điện, rớt mạng...

Kiên Giang: Hơn 100.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến - 1

Năm học 2021-2022, trường Tiểu học và THCS Thổ Châu có một lớp 9 với 16 học sinh.

Như tại Trường THCS An Sơn, (xã An Sơn, huyện đảo Kiên Hải), năm học 2021-2022, trường có một lớp 9 với 45 em, một lớp 12 với 28 em, trong đó còn khoảng 10 em chưa có các thiết bị thông minh để học trực tuyến.

Cô Lương Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường THCS An Sơn, chia sẻ: Sử dụng ứng dụng google meet tạm ổn nhưng nếu sử dụng zoom hay hệ thống K12 Online thì mạng yếu, chập chờn không dạy và học được.

"Khó khăn nhất trên xã đảo là nguồn điện vì không có điện lưới quốc gia, sử dụng từ máy phát điện của xã nên điện bị cúp điện luân phiên (ngày có điện ngày không có).

Trước mắt những em không tham gia học trực tuyến thì trường sẽ giao bài trên nhóm thông qua mạng xã hội và tới đây sẽ cho các em đến trường học trực tiếp, chia lớp nhỏ ra để đảm bảo công tác phòng chống dịch vì địa phương vừa được tỉnh cho thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15".

Kiên Giang: Hơn 100.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến - 2

Sáng 7/9, cô Võ Thị Thu Nga - giáo viên môn Tiếng Anh trường Tiểu học và THCS Thổ Châu dùng phần mềm google meet để dạy học sinh.

Cô Hà Thị Oanh - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Thổ Châu, TP Phú Quốc cho biết: Đây là xã đảo cách đất liền gần 200km. Năm nay trường có một lớp 9, vỏn vẹn 16 học sinh.

"Trong buổi đầu có 13 em học sinh vào học online. Các giáo viên hướng dẫn cách thức học và một số quy định của trường để các học sinh nắm", cô Oanh cho biết.

Hàng nghìn học sinh không có thiết bị học

Theo thầy Nguyễn Văn Chương Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang) cho biết: Trường có khoảng 100 em học sinh khối 12 và hơn 200 học sinh lớp 9. Trong số này chỉ có 70-80% học sinh lớp 12 và 40% học sinh lớp 9 có điều kiện học trực tuyến.

Trong khi đó, tại vùng biên giới Giang Thành, ông Lý Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ, huyện biên giới Giang Thành cho biết, trong ngày học đầu tiên có của khối 9, số học sinh vào học chỉ hơn 50%.

Nguyên nhân là do một số em không có thiết bị thông minh, một số em thì đường truyền không đảm bảo nên không tham gia vào học được.

Kiên Giang: Hơn 100.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến - 3

Giáo viên vùng sâu, hải đảo ở Kiên Giang dạy học nhưng thấp thỏm thiết bị bị rớt mạng và mất điện (chưa có điện lưới quốc gia).

Thầy Minh cho biết: "Tạm thời em nào chưa vào học được thì thầy cô giáo sẽ gửi bài trực tiếp qua zalo vì hầu hết các em học sinh đều có zalo".

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cấp Tiểu học có hơn 86.700/168.500 học sinh chưa có thiết bị; bậc THCS có hơn 29.100/103.100 học sinh chưa có thiết bị; bậc trung học phổ thông có hơn 2.400/41.400 học sinh chưa có thiết bị.

Hiện tại, bậc Tiểu học ở Kiên Giang chưa áp dụng dạy học trên môi trường internet.

Ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cho biết: "Đối với học sinh khối 9 và 12, Sở đã yêu cầu các đơn vị trường học hướng dẫn học liên hệ học sinh gần nhà để cùng học tập. Giáo viên chủ nhiệm tổng hợp tài liệu từ giáo viên bộ môn, phối hợp với chính quyền địa phương gửi tài liệu đến nhà cho các em học sinh; Bố trí dạy bù kiến thức trọng tâm khi các em trở lại trường".

Kiên Giang: Hơn 100.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến - 4

Trường THPT Thoại Ngọc Hầu, huyện Giang Thành có đầy đủ thiết bị dạy trực tuyến cho các em học sinh

Ông Bảo còn cho biết thêm, căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang, các huyện, thành phố, như: huyện Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Kiên Hải, Tân Hiệp, TP Phú Quốc thực hiện Chỉ thị 15 nên từ ngày 13/9, tất cả học sinh ở các huyện, thành phố này được đến trường học tập.

Tuy nhiên, không tổ chức chào cờ, đến giờ ra chơi học sinh không tập trung ở sân trường. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch và đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp học.

Các đơn vị huyện, thành phố còn lại đang thực hiện Chỉ thị 16 vẫn tiếp tục dạy học sinh khối 9 và 12 trên môi trường internet.