Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu:

Khuyến học không chỉ phát học bổng mà còn phải thúc đẩy sự ham học

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Trước đây, người ta cứ nghĩ rằng khuyến học thì chỉ đi phát học bổng cho học sinh, nhưng hiện nay khuyến học còn phải thúc đẩy sự ham học, hiếu học của cả người lớn và trẻ em.

Ngày 30/6, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2021 của Ban Bí thư và sơ kết công tác khuyến học 6 tháng đầu năm 2022.

Khuyến học không chỉ phát học bổng cho học sinh

Bà Nguyễn Thị Quế phượng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nói đến nhiệm vụ của công tác khuyến học thì xây dựng xã hội học tập (XHHT) với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội là vô cùng quan trọng và cần thiết.

"Ai cũng biết cụm từ "xã hội học tập", đi đến đâu người ta cũng có thể nói về XHHT, từ quán nước vỉa hè đến cà phê đầu ngõ, nhưng làm thế nào để xây dựng XHHT thì chưa nghe ai nói tới. XHHT là gì và làm thế nào để trở thành XHHT thì còn là một vấn đề lớn phải bàn, phải có thời gian, người ta nói trọn một cụm từ chỉ mất 3 giây nhưng có những người phải mất cả đời để chứng minh điều đó", bà Phượng nhấn mạnh.

Khuyến học không chỉ phát học bổng mà còn phải thúc đẩy sự ham học - 1

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: Khuyến học không chỉ phát học bổng mà còn phải thúc đẩy sự ham học của cả người lớn và trẻ em (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, trước đây, người ta cứ nghĩ rằng khuyến học thì chỉ có đi phát học bổng cho học sinh, nhưng hiện nay khuyến học còn phải thúc đẩy sự ham học, hiếu học của cả người lớn và trẻ em thông qua các phong trào.

"Trước đây gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học thì bây giờ thành gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Tức là sự phát triển mô hình này đã thể hiện sự đổi mới tư duy và nhận thức sâu sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT", bà Nguyễn Thị Quế Phương khẳng định.

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện kết luận số 49-KL/TW, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã từng bước được nâng lên.

Đặc biệt, có sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh, góp phần thúc đẩy các hoạt động của Hội Khuyến học ngày càng mạnh mẽ và đạt được kết quả khá toàn diện.

Đến nay, Hội Khuyến học các cấp của tỉnh Bạc Liêu đã phát triển rộng khắp đến tận cơ sở, ấp, khóm khi có 1.407 chi, tổ hội, với 402.732 hội viên (đạt 44,12% so với dân số toàn tỉnh). Có 183.549 gia đình học tập được công nhận (đạt 86% so với số hộ toàn tỉnh); có 3.319 dòng họ học tập (đạt 70,99% so với số dòng họ trong tỉnh); 64/64 cộng đồng học tập cấp xã được công nhận và 643/643 đơn vị học tập (đạt tỷ lệ 100%), góp phần thiết thực vào việc xây dựng XHHT ở địa phương.

"Nhờ có các mô hình học tập mà tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hơn so với trước đây, gia đình làm kinh tế khá giả nhiều hơn, con người đàng hoàng hơn, tệ nạn xã hội và tỷ lệ hộ nghèo giảm đi rõ rệt. Trong những gia đình học tập ấy, dòng họ đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Từng gia đình, dòng họ, kể cả trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đều nhận thức được việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, phải học tập để nâng cao kiến thức, công tác được tiến bộ, thoát nghèo và cải thiện đời sống kinh tế gia đình", Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Làm khuyến học không giới hạn thời gian

Theo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội đã vận động quỹ khuyến học hơn 6 tỷ đồng. Hội đã trao 846 suất học bổng cho học sinh, sinh viên, mỗi suất từ 1-2 triệu đồng. Với học sinh khó khăn, suất học bổng từ 3-5 triệu đồng. Hội cũng tặng 754 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh rất cần phương tiện đi học.

Thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em", các cấp Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân tặng máy tính, điện thoại thông minh… với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, Hội tiếp tục phát động mô hình nuôi heo đất tiết kiệm trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ban, ngành, đoàn thể các địa phương. Mỗi tháng, các đơn vị góp vào heo đất một lần, đến cuối năm tổ chức khui ra, số tiền thu được nhập vào quỹ khuyến học để kịp thời hỗ trợ cho các em học sinh gặp khó khăn. Đây được đánh giá là cách làm hay, hiệu quả cần được phổ biến, nhân rộng.

Bên cạnh đó, Hội vận động phong trào học sinh của các trường trên địa bàn tỉnh tiết kiệm chi tiêu để dành khoản tiền ưu tiên cho việc học tập. Kết quả, học sinh các trường đã tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội còn tặng 1.500 suất quà cho hội viện khuyến học là gia đình chính sách, cựu chiến binh, người cao tuổi, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… có hoàn cảnh khó khăn.

Khuyến học không chỉ phát học bổng mà còn phải thúc đẩy sự ham học - 2

Trao học bổng cho học sinh khó khăn học tốt (Ảnh: HKH).

"Qua thực hiện các phong trào khuyến học đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân cùng chung tay với chính quyền địa phương trong công tác khuyến học, khuyến tài, chăm lo giúp đỡ những học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, con cháu nạn nhân chất độc da cam, học sinh vùng sâu, vùng xa được tiếp bước đến trường", lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

Ông Trần Hoàng Duyên, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, cho rằng làm công tác khuyến học là không có giới hạn thời gian, có thể làm bất cứ lúc nào trong năm.

"Ví dụ có trường hợp học sinh khó khăn kinh tế gia đình, nếu chúng ta không kịp thời hỗ trợ thì em này nguy cơ nghỉ học là rất cao. Hoặc vào năm học mới gia đình học sinh phải vay mượn tiền để mua quần áo, sách vở học tập, khi chúng ta đến trao tặng học bổng thì khác nào dư thừa, có khi được cho là mang tính hình thức. Do đó, công tác khuyến học cần phải mang tính nóng hổi, kịp thời", ông Duyên chia sẻ.

Trên tinh thần đó, thời gian tới các cấp Hội Khuyến học của tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về công tác khuyến học, XHHT. Từ nay đến ngày 2/9 vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ quỹ khuyến học từ 1-1,5 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ học bổng, xe đạp vào đầu năm học mới 2022-2023 cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.