Không nên thay đổi ngành trước kỳ thi vì sợ rắc rối?

(Dân trí) -Tại hội nghị thi và tuyển sinh ngày 9/1, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn, cho rằng nếu thay đổi ngành trước khi thi sẽ gây rắc rối. Thời gian giữa ngày làm thủ tục dự thi và ngày thi ngắn, cán bộ tuyển sinh không trở tay kịp rất dễ xảy ra lộn xộn.

Những điểm mới về tuyển sinh ĐH,CĐ 2010 mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra như đối tượng tuyển sinh là có thêm học sinh tốt nghiệp TCCN; quy định về số thí sinh, giám thị trong 1 phòng thi như phòng thi tối đa không quá 40 thí sinh và phải có 2 cán bộ coi thi; phòng thi lớn không quá 60 thí sinh và phải có 3 giám thị coi thi; tăng lệ phí tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công bố công khai học phí, học phí chỉ tỉnh theo tiền đồng Việt Nam... đều được các đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề nộp hồ sơ xét tuyển tại trường, thay đổi ngành trước khi dự thi, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn và không đồng tình.
 
Không nên thay đổi ngành trước kỳ thi vì sợ rắc rối? - 1
Thi tuyển sinh 2009

Thay đổi ngành trước ngày thi: Nên hay không nên?

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy định: thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào mỗi trường ĐH (trường đa ngành, tuyển sinh theo ngành) thì ở mỗi khối thi, thí sinh chỉ cần nộp một hồ sơ duy nhất. Trường đó có trách nhiệm cho phép thí sinh được thay đổi, chọn lại ngành đăng ký dự thi khi đến làm thủ tục dự thi. Việc chuyển đổi chỉ được thực hiện trước khi thí sinh chính thức bước vào kỳ thi và sẽ là căn cứ để trường xét tuyển. Quy định này sẽ góp phần làm hạn chế số lượng hồ sơ ảo do một thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào nhiều ngành khác nhau cùng một khối thi trong một trường ĐH.

Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn, hầu hết không đồng tình và cho rằng nếu thay đổi ngành trước khi thi sẽ gây ra rắc rối. Thời gian giữa ngày làm thủ tục dự thi và ngày thi quá ngắn, cán bộ tuyển sinh không trở tay kịp rất dễ xảy ra lộn xộn.

Giám đốc ĐH Thái Nguyên Từ Quang Hiển, Phó Giám đốc ĐH Cần Thơ Đỗ Văn Xê, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đề nghị: “Không nên thay đổi ngành trước khi làm thủ tục dự thi gây khó khăn cho các trường. Các trường sẽ không xoay xở kịp với các yêu cầu của thí sinh. Nên để cho thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào nhiều ngành khác nhau trong cùng khối thi để các em có quyền lựa chọn”.

Về phía Sở GD-ĐT, bà Tạ Song Hà, Phó Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng: “Không nên hạn chế việc nộp hồ sơ của thí sinh mà nên tạo cơ hội để thí sinh có lực chọn ngành học cho phù hợp với năng lực của mình”.

Ngược lại với các ý kiến trên, GS Bùi Văn Ga, giám đốc ĐH Đà Nẵng lại đồng tình với chủ trương của Bộ, cho biết: “Thay đổi này không chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh mà còn hạn chế được hồ sơ ảo ở các trường có tổ chức nhiều khối thi đỡ tốn kém”.

Để tránh lỗ, nhiều đại biểu đều đề nghị Bộ cho tăng lệ phí tuyển sinh vì để mức 40.000 đ/bộ hồ sơ đăng ký dự thi và 20.000 đ/bộ hồ sơ xét tuyển như các năm vừa qua là quá thấp. Ông Nguyễn Ngọc Hợi, hiệu trưởng ĐH Vinh than rằng: “Nhiều năm rồi lệ phí tuyển sinh không thay đổi, các trường liên tiếp phải bù lỗ, như năm 2009, ĐH Vinh phải bù lỗ 250 triệu đồng trong công tác coi thi và 350 triệu đồng cho công tác chấm thi. Vậy nên cần tăng lệ phí tuyển sinh để giảm gánh nặng cho các nhà trường. Đồng thời thu gộp 2 khoản thu lệ phí để tránh hồ sơ ảo”.

Có xảy ra tiêu cực khi nộp hồ sơ xét tuyển tại trường?

Bộ đưa ra quy định, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2,NV3 qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường. Vấn đề này, Bộ cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu.

Nhiều đại biểu đồng tình với quy định trên, Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động Nguyễn Tiệp cho rằng: “Đây là một thay đổi cần thiết hạn chế được một số thủ tục rườm rà cho thí sinh và nhà trường vì bưu điện không cho gửi kèm tiền trong hồ sơ nên thí sinh phải tách phí riêng, hồ sơ riêng để gửi. Bên cạnh đó, trường lại phải chờ đợi rất lâu khoản thanh toán tiền từ bưu điện”. Còn Phó hiệu trưởng ĐH Hồng Đức, ông Lê Văn Trưởng cho biết: “Để cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại trường đỡ tốn thời gian cho thí sinh, thí sinh cũng yên tâm hơn khi được đến tận trường để nộp hồ sơ”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu như ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội... lại băn khoăn cho biết: “Nếu nộp tại trường sẽ không khách quan, xảy ra tiêu cực vì chỉ có bộ phận quản lý hồ sơ mới biết được số lượng hồ sơ nhận và ngành nào thừa, ngành nào thiếu, thông tin sẽ bị rò rỉ. Khi không còn dấu đỏ của bưu điện làm mốc thì bộ phận tuyển sinh dễ dàng điều chỉnh và thanh tra sẽ khó phát hiện. Do vậy, đề nghị Bộ nên giữ nguyên như cách nộp trước là nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện, thư bảo đảm”.

Sau những ý kiến phát biểu, thứ trưởng Luận cho rằng: “Nên lấy nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh để giải quyết, không nên quy định cứng nhắc chỉ được nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Những thí sinh nhà rất gần trường nhưng phải đi đường vòng để nộp hồ sơ và lệ phí qua đường bưu điện sẽ không tiện cho thí sinh, chưa kể đến việc thất lạc hồ sơ... Còn những tiêu cực có thể phát sinh, Bộ sẽ có quy định cụ thể trong việc tiếp nhận hồ sơ”.

Rút ngắn thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị. Phó giám đốc ĐH Cần Thơ, Đỗ Văn Xê đề nghị: “Bộ rút ngắn thời gian, xét tuyển ĐH, CĐ vì công đoạn từ tổ chức thi, xét tuyển kéo dài gần 2 tháng, sinh viên nhập học trễ so với sinh viên cũ sẽ ảnh hưởng đến việc giảng dạy và đảm bảo chương trình học”.

Còn Giám đốc ĐH Đà Nẵng, ông Bùi Văn Ga đưa ra kiến nghị: “Bộ nên dịch kỳ thi tuyển sinh cao đẳng vào giữa kỳ thi đại học đợt 1 và đợt 2 để tiết kiệm thời gian và chi phí cho thí sinh”.
 
 

Chiều 11/1, công bố chính thức phương án thi và tuyển sinh 2010

Nhiều vấn đề thi tốt nghiệp, ĐH,CĐ mà đại biểu băn khoăn, chưa đồng tình như môn ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc, chấm thi, thi trắc nghiệm các môn tốt nghiệp, lệ phí tuyển sinh... Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Tiếp thu tất cả những ý kiến của các đại biểu, Bộ sẽ họp lại và đưa ra quyết định chính thức”.

Về môn ngoại ngữ, Bộ trưởng Nhân giải thích: “Thực ra chúng ta đang đi trên cùng một con thuyền, ai cũng biết ngoại ngữ là quan trọng. Thí sinh tốt nghiệp phổ thông phải đạt một điểm sàn nhất định. Nhưng hiện nay, nhiều vùng khó khăn điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, dạy ngoại ngữ chưa đạt sàn mà bắt thi đạt sàn thì cũng chưa hợp lý. Qua các góp ý các đại biểu, Bộ sẽ bàn lại theo hướng vẫn bắt buộc nhưng diện được chọn có thể hướng dẫn rộng hơn để không gây thiệt thòi cho các em”.

Về vấn đề tăng lệ phí tuyển sinh, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với Bộ Tài Chính, nếu 2 Bộ không nhất trí được thì Chính phủ sẽ quyết, tinh thần là sẽ cố gắng giảm lượng thí sinh ảo và chia sẻ khó khăn với nhà trường.

Vấn đề mở rộng thi trắc nghiệm cho tất cả các môn thi tốt nghiệp mà nhiều đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Nhân khẳng định: “Không thể thi trắc nghiệm tất cả các môn được vì một số môn như Văn, Lịch sử các em cần phải viết để rèn luyện khả năng diễn đạt. Tuy nhiên, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ sơ kết để thấy được toàn diện hơn những tích cực và hạn chế của hình thức thi trắc nghiệm”.

Bộ trưởng Nhân cũng cho biết: “Bộ mong muốn làm sao kết quả thi tốt nghiệp THPT hàng năm ở các địa phương đúng thực chất, đáng tin cậy để tiến tới một kỳ thi quốc gia”.

Hồng Hạnh