Đắk Nông:

Không dám nhận học sinh vì thiếu giáo viên đứng lớp

Dương Phong

(Dân trí) - Năm học 2020-2021, theo tính toán, tỉnh Đắk Nông tiếp tục thiếu hàng trăm giáo viên các cấp. Tình trạng không mới, thế nhưng đã 5 năm qua, địa phương này vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Tình trạng thiếu giáo viên đang là thách thức lớn nhất của ngành Giáo dục Đắk Nông khi chỉ còn vài tuần nữa là bước vào năm học mới - năm học đầu tiên thực hiện chương trình dạy học sách giáo khoa mới.

Nóng chuyện tuyển sinh đầu cấp

Những ngày cuối tháng 8/2020, một trường mầm non tại trung tâm thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã hoàn thành công tác tuyển sinh năm học mới. Theo dự kiến, trường này có đủ cơ sở vật chất cho khoảng hơn 150-200 học sinh đầu cấp..

Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, dù có đầy đủ cơ sở vật chất nhưng không đủ giáo viên nên nhà trường chỉ dám nhận hồ sơ của hơn 130 học sinh.

“Chúng tôi vẫn ưu tiên học sinh đúng tuyến. Khi tuyển đủ thì mới nhận học sinh trái tuyến”, lãnh đạo trường này nói.

Không dám nhận học sinh vì thiếu giáo viên đứng lớp - 1

Nhiều trường học chỉ tuyển đủ học sinh so với số lượng giáo viên (ảnh minh họa)

Cũng theo nữ hiệu trưởng, mùa tuyển sinh luôn là thời điểm mà nhà trường “đau đầu” nhất. Nhiều phụ huynh gọi điện nhờ khiến lãnh đạo, cán bộ phụ trách thu hồ sơ không dám nghe điện thoại.

“Từ nửa tháng nay, nhà trường đã tuyển sinh đủ nhưng nhiều phụ huynh vẫn xin cho con vào học. Trong trường hợp này, chúng tôi phải lập danh sách để xin ý kiến của cấp trên”, nữ hiệu trưởng nói và cho biết, năm học mới nhà trường còn thiếu khoảng 5-8 giáo viên.

Tương tự, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long) - nơi có gần 100% là học sinh dân tộc thiểu số hiện đang thiếu 4 giáo viên môn chung (giáo viên dạy Toán - Tiếng Việt).

Không dám nhận học sinh vì thiếu giáo viên đứng lớp - 2

Huyện Đắk G'Long đang nợ khoảng 5 tỷ tiền dạy kê, dạy gác (tăng tiết) của giáo viên (ảnh minh họa)

Theo Hiệu trưởng Thái Mai Tịnh, đây là năm đầu triển khai dạy theo chương trình sách giáo khoa mới, phải triển khai dạy 2 buổi/ngày. Điều này bắt buộc nhà trường phải đảm bảo tối thiểu 5 giáo viên/5 lớp khối 1.

“Cái khó là trường nằm ở vùng sâu vùng xa, phần lớn là học sinh người đồng bào Mông, chưa được đi học trước đó. Việc để 1 giáo viên đứng lớp, dạy cả ngày thì chỉ đảm bảo chương trình chứ không thể đảm bảo chất lượng, chưa nói đến sức khỏe của giáo viên. Đặc biệt, các em rất hạn chế về tiếng Việt và khả năng giao tiếp nên chắc chắn giáo viên sẽ không “cầm cự” được nếu kéo dài tình trạng 1 giáo viên/lớp/ngày”, thầy Tịnh nói.

Nghịch lý huyện thừa - huyện thiếu

Theo bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Gia Nghĩa, trong năm học tới, toàn thành phố còn thiếu khoảng 150 giáo viên các cấp, trong đó nhiều nhất vẫn là giáo viên mầm non. Việc bổ sung giáo viên hàng năm chỉ như “muối bỏ bể” khi ngành Giáo dục vẫn là ngành “đi đầu” trong việc cắt giảm, tinh giản biên chế theo chủ trương hàng năm.

Lý giải thêm điều này, lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Gia Nghĩa cho biết, trong hai năm liên tiếp, ngành Giáo dục phải cắt giảm 40 biên chế. Thế nhưng chỉ được bổ sung thêm một vài giáo viên do có người nghỉ hưu hay chuyển đi.

Không dám nhận học sinh vì thiếu giáo viên đứng lớp - 3

TP. Gia Nghĩa còn thiếu khoảng 150 giáo viên các cấp, trong đó nhiều nhất vẫn là giáo viên mầm non

Tại huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông), theo tính toán năm học 2020- 2021, huyện này thiếu khoảng 300 giáo viên từ mầm non đến THCS. Một trong những nguyên nhân khiến địa phương này luôn thiếu giáo viên vì chịu áp lực từ việc di dân tự do, gia tăng dân số cơ học.

Từ nay đến đầu năm học mới, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Đắk G’Long sẽ tuyển dụng thêm… 24 giáo viên. Trong đó, 20 giáo viên tiểu học, 4 giáo viên bậc THCS. Riêng với bậc mầm non, địa phương này phải ưu tiên cho học sinh 5 tuổi đến trường và đảm bảo 1 giáo viên/lớp học (quy định là từ 2- 2,5 giáo viên/lớp tùy vào độ tuổi).

Từ tháng 3/2019, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản số 1049/UBND-KGVH. Trong đó, giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan rà soát lại số lượng biên chế… tham mưu xem xét điều chuyển phù hợp giữa các đơn vị, địa phương, đặc biệt là huyện Đắk G’Long.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay việc điều chuyển này vẫn chưa được thực hiện khiến cho năm học 2018-2019 và 2019-2020 huyện Đắk G’Long vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên.

Không dám nhận học sinh vì thiếu giáo viên đứng lớp - 4

Từ nay đến đầu năm học mới, huyện Đắk G’Long sẽ tuyển dụng thêm 24 giáo viên.

Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đắk G’Long cho biết, tình trạng thiếu giáo viên khiến ngành Giáo dục phải thực hiện dạy kê, dạy gác, thậm chí không dám nhận học sinh vào lớp học.

Vì không có kinh phí nên từ năm 2018 đến nay, giáo viên tham gia dạy kê, dạy gác (tăng tiết) vẫn chưa được chi trả chế độ. Toàn huyện Đắk G’Long vẫn còn “nợ” 5 tỷ đồng chưa chi trả chế độ dạy kê, dạy gác cho giáo viên.

Không dám nhận học sinh vì thiếu giáo viên đứng lớp - 5
Năm học đầu tiên dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới, nhưng tỉnh Đắk Nông vẫn thiếu hàng trăm giáo viên

“Nếu dùng 5 tỷ đồng này để hợp đồng với giáo viên đứng lớp thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thế nhưng do không được thực hiện hợp đồng, lại chưa được phân bổ kinh phí nên việc chi trả tiền dạy ngoài giờ cho giáo viên vẫn chưa hoàn thành”, ông Phương nói.

Trái ngược với huyện Đắk G’Long và TP. Gia Nghĩa, tại huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) hiện đang thừa khoảng hơn 70 giáo viên cấp THCS. Tuy nhiên, cấp mầm non và Tiểu học của địa phương này cũng thiếu giáo viên.

Để khắc phục, nhiều đơn vị trường học phải thực hiện việc sắp xếp, cân đối tiết học giữa các giáo viên, sao cho đảm bảo mỗi thầy cô đứng đủ số tiết tối thiểu để nhận lương.

“Trong năm học tới, địa phương cũng rất đau đầu với tình trạng giáo viên. Chỉ một số môn giáo viên THCS xuống dạy tiểu học được, còn lại thì chưa biết giải quyết sao”, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Cư Jút trăn trở.

Ngày 3/7/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế giáo dục và y tế. Trong đó:

Đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức để kịp thời thay cho giáo viên nghỉ thai sản và nghỉ hưu. Đồng thời để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).

Đối với cấp học mầm non, tiểu học tại các địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phải bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 2 buổi/ngày theo quy định.

Tuy nhiên, dù chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là bước vào năm học mới, thế nhưng ngành Giáo dục tại Đắk Nông vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết này.