Bạn đọc viết:

Khóa học kỹ năng không phải là chiếc đũa thần!

(Dân trí) - Một khóa học kỹ năng hè dăm bảy ngày chỉ là chỗ để con trải nghiệm, nặng tính giải trí chứ không phải là chiếc đũa thần, biến một đứa trẻ tồ tệch, lười biếng thành đứa trẻ chăm chỉ, giỏi giang.

Tôi thấy các phụ huynh thành phố thường đua nhau cho con đi học lớp kỹ năng sống, trại hè quân đội với mong muốn con mình sẽ cứng cáp, trưởng thành hơn. Nhưng một khóa học có nhằm nhò gì khi quay trở về với gia đình, các cháu vẫn là những đứa trẻ ung dung hưởng thụ, chỉ biết mỗi việc học và học, từ sáng tới tối và việc nhà thì không phải mó tay, bố mẹ làm hết. Nhà nào có điều kiện khá giả thì đã có người giúp việc, con có khi không cả cần dọn dẹp chăn màn khi ngủ dậy, vì tất cả đã có bố mẹ và ô sin lo.

Chẳng cứ gì ở thành phố, ngay ở nông thôn với những ông bố bà mẹ “sùng bái” con thì việc con chỉ việc học, miễn sao học tốt học giỏi là được. Ra ngoài có chào hỏi mọi người không, có biết giúp đỡ san sẻ công việc với bạn bè, người thân không, có biết chợ búa lo tươm tất một bữa cơm đơn giản nhất không, điều đó không quan trọng. Thế nên khi trào lưu dạy kỹ năng sống nở rộ, phụ huynh lại săn đón một khóa học dành cho con mình với mong muốn con nhanh nhẹn, tháo vát trong cuộc sống và cả biết thoát hiểm nữa. Mong muốn con được dạy về yêu thương, bồi đắp tâm hồn cho các con...

Bố mẹ không muốn mất thời gian hướng dẫn con nhưng lại muốn con cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi xem chừng là điều thật viển vông. Tôi biết một số em khi đi học đại học rồi vẫn không biết luộc rau chừng nào thì chín, rau bí thì cắt nhỏ nấu canh mà không biết rằng rau bí thì phải tước bỏ xơ. Các em có khi “ngồi đồng” trên mạng xã hội cả ngày nhưng bảo quét nhà rửa rau thì than mệt, không muốn làm. Bố mẹ thì vẫn đinh ninh, sau này các con lớn, kiểu gì chúng nó chả biết làm hết mấy việc "bé như móng tay" này. Thế mới có những chuyện cười ra nước mắt, bố mẹ thì còng lưng nấu cơm, con đi làm về ngồi mát xem ti vi và còn chê cơm nát, canh mặn không hợp khẩu vị. Lúc đó bố mẹ có than trời thì cũng xem như đã muộn bởi lối sống ích kỉ hưởng thụ đã "ăn vào máu" của con mình.

Khi tôi để con mình tự đi học một mình, nghỉ hè thì giúp mẹ quét nhà, rửa bát, nhặt rau, gấp quần áo, đi mua ăn sáng cho cả nhà nếu bố mẹ bận, chơi cùng em bé thì không ít người cho rằng tôi quá khắt khe với con. Tôi chỉ áp dụng cách mà chúng tôi học và làm ngày bé để hướng dẫn cho con, hóa ra những việc rất bình thường mà thời trước chúng tôi vẫn làm thì bây giờ khi con cái làm được có khi lại được mọi người coi là "quá giỏi".

Thời buổi này, nhà nhà người người chạy đua cho con học, đưa đón con mọi lúc mọi nơi là điều tất yếu, còn để con tự đi học, tự ăn, tự làm vài việc vặt lại là "bất thường". Tôi không kì vọng, đặt áp lực học hành cho con mà luôn để con học hành thoải mái, thậm chí thay bằng việc cho con đi học thêm thứ này thứ kia thì thời gian đó tôi dạy con làm việc nhà, cùng con đọc sách, cùng con tâm tình kể chuyện. Vì tôi không cần con mình phải là "siêu sao" trong lớp trong trường mà chỉ cần con phát triển toàn diện về cả trí và lực, con cần có sức khỏe tốt, con cần phải biết tự lực những việc của bản thân và biết đỡ đần bố mẹ việc nhà như một thói quen cần duy trì thường xuyên, chứ không phải nịnh con, phải thưởng thì con mới làm. Tôi cứ ngẫm về hồi mình còn nhỏ, bé thì biết vào bếp nấu cơm, lớn thì chăn nuôi, làm đồng ruộng cùng bố mẹ, đó là trách nhiệm giúp đỡ bố mẹ mà anh em chúng tôi đều tự ý thức được, gia đình mình còn khó khăn thì thành viên nào cũng phải lao động tùy theo sức khỏe từng người.

Tôi cho rằng rất nhiều phụ huynh cần phải thay đổi cách dạy con, đừng lúc nào cũng tư duy theo kiểu con học cho giỏi sau này có việc tốt thì thiếu gì tiền, việc nhà đã có ô sin đảm đương. Kỹ năng sống thực ra cũng chỉ là những vấn đề đơn giản như tự chăm lo cho bản thân, biết dọn dẹp nhà cửa, biết nấu ăn, biết giúp đỡ bố mẹ, biết thể dục thể thao giữ gìn sức khỏe... Những việc này, cha mẹ cần dạy con đầu tiên, để con làm thường xuyên mới mong con trưởng thành đúng nghĩa. Một khóa học kỹ năng hè dăm bảy ngày chỉ là chỗ để con trải nghiệm, nặng tính giải trí chứ không phải là chiếc đũa thần, biến một đứa trẻ tồ tệch, lười biếng thành đứa trẻ chăm chỉ, giỏi giang.

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!