Khi nữ sinh mới lớn "cuồng yêu", bỏ nhà chạy theo bạn trai

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Không ít vụ việc nữ sinh bất ngờ "mất tích", bố mẹ phải lên mạng, nhờ cơ quan công an tìm con. Sau đó, mới phát hiện, con bỏ nhà đi theo... bạn trai.

Cách đây không lâu, sự việc nữ sinh T.M. ở Lâm Đồng bất ngờ mất tích ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) khuấy động dư luận. 

Khi đang ngồi ở sân bay chờ làm thủ tục cùng với em trai, M. đi vệ sinh, bỏ lại em trai rồi... mất tích. Gia đình phải nhờ đến cơ quan công an để tìm con gái. 

Khi nữ sinh mới lớn cuồng yêu, bỏ nhà chạy theo bạn trai - 1

Vụ nữ sinh bỏ lại em trai tại sân bay lên taxi đi với một người đàn ông từng làm xôn xao dư luận.

Sau khi trích xuất camera ở sân bay, xác định được M. đã theo một người đàn ông lên taxi rời sân bay và sau đó gia đình tìm thấy cô ở Khánh Hòa. 

Thông tin từ phía gia đình, từ bé đến lớn, M. luôn là học sinh giỏi, ngoan ngoãn. Trước đó, M. cũng từng đưa bạn trai về nhà, người bạn trai đã bỏ học, đi làm nhưng M. nói dối gia đình là... đang học đại học. Người bạn trai này không phải là người mà M. bỏ đi cùng nói trên. 

Một sự việc khác vừa xảy ra vào tháng 9 vừa qua. Nữ sinh Y.N., 11 tuổi, học lớp 6 ở Ba Vì, Hà Nội tự nhiên mất tích trong đêm. 

Qua trích xuất camera, được biết cháu đã lên xe ô tô của một thanh niên vào 12 giờ đêm. Trưa cùng ngày, cháu được tìm thấy ở bến xe Mỹ Đình, người thân đã đón cháu về. 

Khi nữ sinh mới lớn cuồng yêu, bỏ nhà chạy theo bạn trai - 2

Nữ sinh lớp 8 ở Nghệ An từng được gia đình báo mất tích sau khi bỏ nhà đi theo... bạn trai 

Theo thông tin gia đình nắm được, thanh niên mà cháu bé đi cùng ở Hà Giang, là bạn quen trên mạng của cháu khoảng hai tháng nay. 

Không ít vụ việc, nữ sinh đang ở tuổi đi học, đang ở cùng bố mẹ, đến một ngày, các em mất ngờ mất tích. Cuối cùng, các em được tìm ra là bỏ nhà, bỏ cha mẹ để đi theo... bạn trai. 

Khi người lớn tiếp tay cho "hươu theo cáo"

Nhiều gia đình có con mới lớn rơi vào cảnh khủng hoảng khi con yêu sớm, mà "đối phương" lại là những thành phần "bất hảo" khiến cha mẹ càng thêm bất an, lo sợ. 

Có người mẹ ở TPHCM, khi biết con gái học lớp 8 của mình đem lòng yêu một thanh niên lớn hơn nhiều tuổi mà chị còn không hiểu lại có thể quen nhau. Qua dò hỏi, bà được biết thanh niên này lông bông không có việc làm, từng trộm cắp, đua xe...

Người mẹ miệt thị đối phương, cảnh cáo con gái, ai ngờ cháu nói: "Mẹ chẳng hiểu gì về người ta". Nói con không xong, chị gọi điện chửi bới thanh niên kia, yêu cầu "tránh xa con tao ra".

Khi nữ sinh mới lớn cuồng yêu, bỏ nhà chạy theo bạn trai - 3
Chuyện tình cảm của con trẻ thường làm người lớn hoang mang 

Hai vợ chồng chị làm mọi cách để tách "đôi uyên ương". Họ thay nhau đưa cháu đi học, ngồi trước cổng trường chờ, tịch thu điện thoại, giam lỏng con trong phòng...  Chưa được hai tuần, con gái đã mất tích, bỏ học theo bạn trai.

Anh chị thuyết phục cháu về, mối quan hệ cha mẹ con gái cũng như không khí gia đình vô cùng căng thẳng. 

Nhiều trường hợp nữ sinh luôn được bố mẹ, thầy cô đánh giá ngoan ngoãn, nghe lời, học giỏi. Đùng một cái, các em bất chấp, chạy theo mối quan hệ mà đối phương có thể là thành phần nguy hiểm hoặc trong mắt người lớn là không thể chấp nhận được. 

Như sự việc nữ sinh lớp 10 ở Kiên Giang có thai với thầy giáo 55 tuổi đã có vợ gây bàng hoàng. Đến khi thầy giáo bị bắt, em vẫn một lời tự nguyện, chờ đợi... khiến nhiều người bị ám ảnh. 

Theo các chuyên gia gia tâm lý, có rất nhiều vấn đề sau sự việc "nữ sinh bỏ nhà... theo trai". Từ bé, các em không được vẽ đường cho chạy trong chuyện tình yêu, giới tính nên lớn lên chút rất dễ chạy theo... "cáo". Càng bị cấm đoán thì các em càng vùng vẫy và dễ lạc đường. 

Trẻ không được chia sẻ, trang bị một cách cởi mở, chân thành, khoa học về vấn đề tính cảm, giới tính nên thiếu kiến thức lẫn kỹ năng nhận diện, bảo vệ bản thân trầm trọng.

Cách phản ứng của bố mẹ về mối quan hệ của con, về đối phương có khi không giúp trẻ nhìn ra vấn đề mà còn cho con có thêm động động lực "theo cáo". Nhất là ở tuổi mới lớn, ở thời điểm trẻ dễ xung đột với bố mẹ nhất vì đụng độ giá trị, thể hiện cái tôi...

Trong khi, bố mẹ có thể có cái nhìn phán xét, ác cảm, không đúng về "đối phương" của con. Cách nhìn nhận con người, vấn đề, giá trị giữa bố mẹ và con cái rất "lệch pha". Và không phải lúc nào bố mẹ đã đúng. 

Và đặc biệt, sự việc phản ánh khủng hoảng trong sự gắn kết, quan hệ trong gia đình. Trẻ thiếu thốn tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ từ bố mẹ, lớn lên trong mối quan hệ không lành mạnh, các em càng "cuồng yêu". Khi đó, trẻ dễ sa vào, bấu víu vào mối quan hệ không an toàn, nguy hiểm từ bên ngoài. 

Khi thiếu tình yêu thương ngay trong gia đình, trẻ trở nên yếu đuối, nhẹ dạ, đánh giá thấp giá trị bản thân, mất đi khả năng nhận diện tốt xấu, bảo vệ bản thân.