Hơn 30 điểm đại học, nữ sinh dân tộc Thổ nguy cơ không đến được giảng đường

Hoàng Lam

(Dân trí) - Bố mẹ không đồng ý cho Hiền đi học mà hướng cho em đi xuất khẩu lao động. Cô nữ sinh dân tộc Thổ dám "cãi lời" bố mẹ, tự vay nợ để được đến giảng đường.

Nhận được thông báo nhập học vào khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội - ngành có điểm xét tuyển cao ngất ngưởng với 29,95 điểm, trong lòng Trương Thị Hiền (SN 2004, trú xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) buồn nhiều hơn vui. Cánh cửa giảng đường đại học đã mở toang nhưng để chạm được vào ước mơ vẫn là chặng đường quá gian nan của cô nữ sinh dân tộc Thổ này.

Hơn 30 điểm đại học, nữ sinh dân tộc Thổ nguy cơ không đến được giảng đường - 1

Trương Thị Hiền - nữ sinh dân tộc Thổ vừa đậu vào khoa Quan hệ công chúng, Trường ĐH KH-XH&NV Hà Nội với số điểm xét tuyển 30,25 (cả điểm ưu tiên) - Ảnh: NVCC.

Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, mẹ ốm đau liên tục, Hiền đã phải nỗ lực rất nhiều để thi đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An. Đi học xa nhà nhưng bù lại, chế độ nội trú dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số mà Hiền được hưởng giúp bố bớt gánh nặng kinh tế khi còn phải chăm sóc bố mẹ già, vợ yếu và 2 đứa con nhỏ khác đang tuổi ăn, tuổi học.

Có lẽ cũng bởi ăn học miễn phí nên sự học của Hiền không phải đứt gánh giữa chừng, dẫu lắm lúc đường đến trường chông chênh khi không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ.

Bạn đọc mong muốn giúp đỡ xin gửi về em Trương Thị Hiền, số tài khoản  0967087255 - Ngân hàng VPbank 

Học đối với Hiền không chỉ là ước mơ mà đây cũng là con đường duy nhất để em vượt nghịch cảnh. Em liên tục giành danh hiệu học sinh giỏi năm lớp 11, 12.

Nói về cô học trò nhỏ, cô Hồ Thị Hợi - chủ nhiệm lớp 12C2, Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 cho biết: "Hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng em chưa một lần than thở hay tỏ ra yếu mềm, chán nản, kể cả khi bố mẹ không muốn em xuống trường tiếp tục học. Hiền rất có nghị lực và độc lập trong mọi suy nghĩ, hành động. Không chỉ học tốt các môn, đặc biệt là khối xã hội, Hiền còn là hạt nhân trong phong trào, hoạt động đoàn thể. Nếu không thể đến giảng đường đại học thì thật buồn và tiếc cho em".

Hơn 30 điểm đại học, nữ sinh dân tộc Thổ nguy cơ không đến được giảng đường - 2

Hiền được đánh giá có học lực tốt, độc lập và có nhiều năng khiếu hoạt động phong trào (Ảnh: NVCC).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, với điểm xét tuyển khối C00 30,25 (bao gồm 9,25 điểm ngữ văn, 9,5 điểm lịch sử, 8,75 điểm địa lý và 2,75 điểm ưu tiên), Hiền đăng ký xét tuyển vào Khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. "Em chọn ngành này vì thấy phù hợp với sở thích và tính cách của bản thân. Hơn nữa, ngành này được dự báo có cơ hội việc làm rộng mở hơn khi ra trường", Hiền chia sẻ.

Thế nhưng, trái ngược với mong mỏi, ao ước của Hiền là nỗi lo cho người bố mang trên vai gánh nặng gia đình và người mẹ ốm đau quanh năm. Mỗi lần mẹ nhập viện là bố phải vay mượn khắp nơi để lo viện phí, chi phí đi lại, chăm sóc. Nếu Hiền đậu đại học, ông sợ rằng mình không thể cáng đáng nổi vì còn 2 con đang học lớp 8 và lớp 11. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông bàn với Hiền đi xuất khẩu lao động, vừa đỡ đần được bố mẹ chăm lo cho các em, vừa có số vốn lo cho tương lai sau này.

Hơn 30 điểm đại học, nữ sinh dân tộc Thổ nguy cơ không đến được giảng đường - 3

Gia đình rất hoàn cảnh nhưng chưa một lần Hiền tỏ ra yếu mềm, chán nản mà trái lại ở em là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, học giỏi (Ảnh: NVCC).

Nhưng Hiền không nghĩ như vậy, và hơn hết, em khao khát được tiếp tục đi học, được chạm tới ước mơ của mình. Đầu tháng 8, khi vừa biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, với số điểm đạt được, Hiền khá chắc chắn một suất vào đại học TOP đầu, em xin bố mẹ ra Bắc Ninh làm công nhân. Chưa đủ một tháng để nhận lương, Hiền phải khăn gói về quê vì mẹ trở bệnh.

Tờ giấy báo nhập học về đến nhà, bố vẫn chỉ một lời: "Học làm chi, đi làm mà kiếm tiền". "Xin bố cho con đi học, con tự lo việc học của mình", cô bé 18 tuổi rắn rỏi nói. Bố không phản đối, cũng chẳng đồng tình, chỉ thở dài.

Hơn 30 điểm đại học, nữ sinh dân tộc Thổ nguy cơ không đến được giảng đường - 4

Trương Thị Hiền (thứ 2 từ trái qua) và các bạn cùng lớp (Ảnh: NVCC).

Hiền gọi điện tâm sự với cô giáo chủ nhiệm, cô cũng không bất ngờ trước định kiến về sự học của bố mẹ Hiền, chỉ động viên em cố gắng tới cùng để thực hiện ước mơ và tương lai của mình. "Nếu cần, cô cho vay, bao giờ học xong đi làm có tiền trả cô cũng được", cô Hợi nói với học trò của mình. Hiền cảm ơn cô, nhưng đồng lương hai vợ chồng giáo viên, lo cho con ăn học vốn cũng chẳng dư dả gì...

Vài ngày nữa Hiền sẽ ra Hà Nội nhập học. Hỏi em đã lo được bao nhiêu tiền, cô bé buồn rầu: "Trước mắt em vay các cậu, các dì... tạm đủ để đóng các khoản đầu năm. Ra đó ổn định chỗ ăn ở, em sẽ đi làm thêm để tự trang trải cho mình".

18 tuổi, cánh cửa mới đã mở ra với nhiều bạn trẻ, còn với Hiền, con đường đến với giảng đường đại học còn lắm gập ghềnh, gian truân.