Học trực tuyến: Sinh viên vùng núi quay cuồng vì "mạng liên tục rớt"
(Dân trí) - Việc quay trở lại học trực tuyến vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến nhiều sinh viên, nhất là những sinh viên vùng núi rơi vào thế bị động, luôn quay cuồng vì kết nối mạng (Internet) kém.
Vào được "mạng" thì đã xong điểm danh
Đã quen dần với việc học trực tuyến ngay từ năm nhất, bạn Hoàng Thị Xuyến (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Thật sự mình cảm thấy khá sốc khi nhận được tin sẽ học trực tuyến ngay sau kỳ nghỉ lễ. Do là về nghỉ lễ nên mình không mang theo giáo trình, laptop, nên mình lại phải gấp rút quay trở lại Hà Nội ngay trong đêm để lấy đồ quay về nhà cho kịp buổi học vào sáng hôm sau. Chưa kể, việc thông báo học trực tuyến của trường lại khá muộn làm mình rơi vào thế bị động".
Xuyến chia sẻ thêm, nhà Xuyến ở vùng núi (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) nên đường truyền Internet lại rất kém, đang học thì kết nối mạng không được ổn định khiến giờ học bị gián đoạn. Nhiều khi thầy cô giảng những phần quan trọng thì lại không kịp nghe. Cho nên vào buổi học Xuyến thường xin thầy cô cho phép ghi hình lại bài học hoặc nhờ bạn bè có đường truyền tốt ghi lại để có thể nghe lại bài giảng một cách đầy đủ nhất.
Hơn nữa, bố mẹ làm nông, nhà lại có 3 em nhỏ nên việc học ở nhà đang là một thách thức lớn đối với Xuyến. Khi giờ học bắt đầu lúc 8h00 thì Xuyến phải dậy từ 6h00 để có thể làm công việc nhà, chuẩn bị đồ ăn sáng cho các em, nấu sẵn cơm trưa vì giờ học có thể kết thúc muộn. Nhiều hôm, cứ đang học thì em lại khóc đòi mẹ, rồi đến giờ pha sữa cho em, việc tiếp thu kiến thức của Xuyến vô cùng mất tập trung.
Nguyễn Thế Sơn (sinh viên năm 2, ngành Cơ điện tử, Đại học Kỹ Thuật Công Nghiệp, Đại Học Thái Nguyên) chia sẻ: "Đường truyền ở vùng núi đã kém, cộng thêm thời tiết mưa gió thất thường khiến việc kết nối internet của mình diễn ra thật sự khó khăn. Có những buổi học, mình phải mất đến 30 phút để có thể kết nối vào lớp học được, nhiều khi vào lớp thì đã điểm danh rồi. Đây quả thực là một điều thiệt thòi của mình so với những bạn khác. Mình cũng đăng ký mạng 4G để sử dụng nhưng việc học kéo dài đến vài tiếng đồng hồ thì giải pháp này cũng không còn tính khả thi lại gây tốn kém".
Theo như lời kể của Sơn, việc học trực tuyến ở nhà khiến em khó tập trung. Bởi ở quê em đang là mùa thu hoạch của các nông sản địa phương, bị chi phối bởi những âm thanh bên ngoài của người mua và người bán.
Chưa kể đến, nhà Sơn lại gần chợ nên cứ vào những lúc học thì chợ lại họp ồn ào, tiếng xe tiếng còi làm Sơn không thể thích nghi với việc học trực tuyến này.
Không những gặp vấn đề về đường truyền Internet, nhiều bạn sinh viên còn không có đủ trang thiết bị để có thể tham gia việc học trực tuyến.
Bạn Nguyễn Trọng Vọng (sinh viên năm cuối, trường Cao đẳng FPT Polytechnic) cho hay, cứ vào mỗi buổi học trực tuyến, Vọng thường sang nhà một bạn cạnh nhà để có thể học chung. Quãng đường từ nhà Vọng tới đó cũng đến 5 - 6 km, nhưng vì điều kiện gia đình không khá giả nên giải pháp tối ưu cho em lúc này chỉ có đi học nhờ.
Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh viên năm 2, ngành Cơ điện tử, Đại học Kỹ Thuật Công Nghiệp, Đại Học Thái Nguyên) ý kiến rằng: "Em cảm thấy việc học trực tuyến có phần hơi chán và không hiệu quả so với học trên lớp. Hầu như là thầy cô giảng bài rồi chiếu slide cho chúng em dựa theo ghi chép. Có môn thì thuyết trình như môn Triết thì chúng em chia nhóm rồi từng nhóm thuyết trình cho cô nghe. Có khi câu được câu mất do mạng chập chờn".
Có thể thấy, đối với các sinh viên ở vùng núi thì cơ sở vật chất và đường truyền internet đang là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến việc học trực tuyến của các em.
Nếu chưa tìm ra được giải pháp khắc phục những hậu quả này thì liệu kiến thức các em tiếp thu được sẽ là bao nhiêu? Đây là một bài toán khó không chỉ đối với sinh viên mà còn đối với giảng viên, nhà trường khi giảng dạy trực tuyến.
Biến bị động thành chủ động
Bên cạnh những ý kiến khó tiếp nhận khi quay trở về với việc học trực tuyến của các bạn sinh viên vùng núi thì cũng có nhiều sinh viên lại tỏ ra thích thú với hình thức học này, đặc biệt đối với những bạn còn e ngại, rụt rè thì cách học trực tuyến có thể giúp các bạn bày tỏ ý kiến cá nhân chủ động với giảng viên trong việc học.
Sinh viên Phạm Hà Thu - sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền chia sẻ: "Khi nhận được thông báo học trực tuyến, mình cảm thấy rất vui, vì học trực tuyến không chỉ đảm bảo sức khỏe mùa dịch mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên trong mùa hè oi bức này".
Nhà Thu ở Lĩnh Nam (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) mỗi lần di chuyển đến trường và về nhà thì cũng mất gần 30 km.
"Mùa hè oi bức, việc đến trường của mình gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi sáng, mình phải dậy từ 5h30 để chuẩn bị đến trường, chưa kể "đặc sản" là sự tắc đường của Hà Nội khiến mình càng khó chịu hơn. Nhưng khi chuyển sang học trực tuyến, mình có thể tiết kiệm thời gian ngủ nướng thêm, trước khi giờ vào học 30 phút để có thể chuẩn bị vào học. Vì là học trực tuyến được kết hợp với công nghệ giảng bài sống động, được mạnh dạn trao đổi với giảng viên, nên mình đánh giá rất cao việc học trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp".
Sinh viên Lê Minh Quân (sinh viên năm 3, trường Đại học Điện lực) nói: "Mình rất thích học trực tuyến. Trong quá trình học, mình thấy dễ nắm bắt bài hơn trên lớp vì trên lớp thầy giảng, sinh viên ở dưới nói chuyện khiến mình không tập trung được".
Một điều thuận lợi khi học trực tuyến là chúng ta có thể đưa ra ý kiến của mình trong phần thảo luận. Trên lớp thì có thể ngại đứng lên phát biểu vì mọi người nhìn mình, còn học trực tuyến thì mình đưa ra ý kiến sẽ thoải mái hơn, tự tin hơn. Nếu có sai cũng không ai biết mình là ai. Mình có thể thoải mái trao đổi những vấn đề trong bài học".
Thiết nghĩ, việc học trực tuyến sẽ đem lại lợi ích cho sinh viên nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng đây lại là một giải pháp nhiều hữu ích cho sinh viên khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.