Đắk Nông:

Học sinh U60 sáng lên rẫy, tối chong đèn đi học

(Dân trí) - Trời nhập nhoạng tối, từ đầu buôn Bu Đách (xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), tiếng học sinh gọi nhau đi học, tiếng nói cười râm ran đã vang vọng khắp các con đường. Điều đặc biệt, phần lớn học sinh ở đây là nông dân, có những người tuổi đời đã xấp xỉ 60 nhưng ai cũng háo hức đến trường.

Lớp học lúc 7 giờ tối

Mặt trời vừa khuất núi, vợ chồng anh chị Điểu Chôn tạm gác công việc nương rẫy, nhanh chân trở về nhà để chuẩn bị bữa tối. Nhiều tháng nay, đôi vợ chồng người Mơ Nông này thống nhất chỉ làm rẫy đến 5 giờ chiều để còn dành thời gian tham gia lớp học xóa mù chữ vào buổi tối. Cơm nước xong cũng là lúc đồng hồ điểm 18h30, cả hai vợ chồng đưa đám con nhỏ sang nhà bà ngoại gửi rồi cùng nhau cắp sách đi học.


Lớp học đặc biệt, học sinh là những nông dân có tuổi đời xấp xỉ 60

Lớp học đặc biệt, học sinh là những nông dân có tuổi đời xấp xỉ 60

Vì ở đầu buôn nên hôm nào vợ chồng Điểu Chôn cũng là người đi sớm nhất, đi qua mỗi nhà, anh chị lại gọi thêm được một vài người đi cùng. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng nói cười râm ran cứ thế vang vọng khắp các con đường trong buôn, đoàn người nối nhau đi học ngày càng đông hơn.

Lớp học được mở ngay tại nhà văn hóa cộng đồng của buôn Bu Đách, giáo viên đứng lớp là những thầy cô Trường tiểu học Lê Hồng Phong (xã Quảng Tín). Lớp học diễn ra từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, bắt đầu từ 19h đến 21h với sự tham dự của các học sinh là người đồng bào dân tộc tại chỗ, ở nhiều độ tuổi khác nhau, người già nhất năm nay gần 60 tuổi, người trẻ nhất thì vừa tròn 20 tuổi.


Những bàn tay thường ngày cầm cuốc, cầm dao nay tập cầm phấn, nắn nót viết từng chữ

Những bàn tay thường ngày cầm cuốc, cầm dao nay tập cầm phấn, nắn nót viết từng chữ

19h, khi lớp học đã sáng trưng đèn cũng là lúc các giáo viên bắt đầu giảng bài, tiếng học sinh tập đánh vần vang lên. Bởi hầu hết học viên trước đây chưa biết đọc biết viết, một số phải "bỏ ngang" việc học dẫn đến tình trạng tái mù chữ nên tiếng đọc còn lơ lớ, chưa tròn vành rõ chữ ai cũng vui vẻ, háo húc đánh vần.

Chia sẻ về lớp học này, cô Đào Thị Nhạn cho biết, ban đầu vận động bà con đi học cũng khó khăn lắm, họ có tâm lý e ngại, vì nhiều người cho rằng già rồi còn học hành gì nữa. Nhưng giáo viên rồi trưởng buôn thay nhau vận động, khuyên nhủ lên dần dần bà con rủ nhau đến lớp ngày một đông hơn. Giờ thì cả lớp có mấy chục học viên, ai cũng chăm chỉ, hăng hái dù có hôm trời mưa họ vẫn đội áo mưa đến lớp.

“Lớp học diễn ra vào buổi tối, ông bà có thể yên tâm đến lớp, nhưng những học viên có con cái nhỏ, họ phải sắp xếp việc nhà mới tham dự lớp học được. Trong lớp, có một số chị em có con nhỏ, mỗi lần đi học đều bồng con theo, có chị có con bị bệnh, nhưng hôm nào hai mẹ con cũng địu nhau đến lớp, đứa con trai học lớp 3 của chị nhiều hôm cũng đi theo mẹ đến lớp học đánh vần”, cô Nhạn tâm sự.

Nông dân học chữ, nuôi khát khao làm giàu

Theo UBND xã Quảng Tín, những năm trước tỷ lệ người mù chữ của xã luôn ở mức cao, phần lớn là những người cao tuổi, trước đó chưa có điều kiện đến trường. Hàng năm, địa phương sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ những đối tượng này, nếu tỷ lệ mù còn cao, khả năng tái mù chữ lớn thì sẽ xin Phòng và Sở giáo dục để mở lớp xóa mù cho bà con đồng bào.

Có dịp chứng kiến một buổi học mới thấy hết được cái khát khao “con chữ” của bà con nơi đây. Nhìn bàn tay chai sần vì cầm dao, cầm cuốc vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ cái khiến nhiều người khâm phục ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này. Trải qua 6 tháng đầu tiên, các học viên đã có thể đánh vần đọc được tất cả các chữ cái, nhiều người có thể tự viết được tên của mình.


Sau 6 tháng, 100% học viên của lớp học xóa mù đã đọc thông, viết thạo

Sau 6 tháng, 100% học viên của lớp học xóa mù đã đọc thông, viết thạo

Giờ đây, sau hơn 6 tháng tham gia lớp xóa mù chữ, hầu hết những học sinh trong “lớp học đặc biệt” này đã trở nên tự tin, mạnh dạn, các tiết học cũng sôi động với tiếng tranh luận, phát biểu, xung phong lên bảng.

Chị Thị Xuyên chia sẻ: “Từ hồi trường mở lớp, tôi cùng hàng xóm đi học, biết viết chữ nên sắp tới chúng tôi rủ nhau đi thi bằng lái để yên tâm chạy xe máy. Điều tôi vui hơn là bây giờ, cả tôi và con trai có thể học cùng nhau chứ không phải xấu hổ khi con hỏi bài như trước nữa…”.

Học viên Điểu B’Rung kể lại, ban đầu học thì cũng khó lắm, tay ai cũng cứng đơ tưởng không viết được, thế nhưng bây giờ anh đã biết đọc, biết viết, một khung trời mới sẽ mở ra đối với gia đình anh. Người đàn ông Mơ Nông tâm sự: “Chữ đầu tiên mà tôi tập viết đó chính là tên của mình. Cảm giác khi tự tay viết được tên mình sướng lắm. Nhờ biết chữ mà tôi thấy thuận tiện đủ mọi thứ, đọc được cả sách báo, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hay vay vốn ngân hàng. Bây giờ, biết thêm nhiều thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đọc được mấy quyển sách tập huấn về khuyến nông thì con đường làm giàu đối với bà con đồng bào không còn xa vời nữa”.

Theo ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tín thì nhiều năm nay, địa phương mở một số lớp xóa mù chữ ở các thôn, bon, sau lớp học tại bon Bù Đách, hiện nay toàn xã đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu xóa mù chữ. Điều quan trọng là, việc xóa mù chữ sẽ giúp bà con nâng cao dân trí, tiếp cận được việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, một trong ba giáo viên phụ trách lớp học nhận xét, mặc dù các học viên phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, tuổi cao, tiếp thu còn chậm nhưng qua 7 tháng theo học, 100% học viên đã đọc viết, tính toán thành thạo, hoàn thành chương trình học của lớp 3.

Dương Phong