Học sinh tựu trường giữa mùa dịch: Chứa đựng nhiều rủi ro và nguy hiểm!

Kiều Phương

(Dân trí) - Cho học sinh theo hình thức tập trung khi dịch Covid-19 đang phức tạp và khó lường khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì trẻ em còn là đối tượng chưa được tiêm chủng nên dễ bị tổn thương và nhiều rủi ro.

Từ ngày 23/8, nhiều tỉnh thành như: Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Gia Lai… đã tổ chức tựu trường cho học sinh lớp 1.

Các trường sẽ có một tuần để học sinh làm quen với thầy cô giáo và nhà trường, ổn định nề nếp học tập. Thời gian thực học đối với tất cả các địa phương sẽ thực hiện sau lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5-9. Song, trước diễn biến căng thẳng và khó lường của dịch bệnh, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi các con đến trường học tập trung, vì đây là đối tượng chưa được thực hiện tiêm chủng.

Đặc biệt, sau sự việc ở Thanh Hóa, trong quá trình tựu trường, một giáo viên tiểu học công tác tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) dương tính với SARS-CoV-2 khiến 23 học sinh lớp 1 trở thành F1 và phải cách ly.

Học sinh tựu trường giữa mùa dịch: Chứa đựng nhiều rủi ro và nguy hiểm! - 1
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con tựu trường giữa mùa dịch.

Con đến trường, phụ huynh "lòng như lửa đốt"

Đưa con gái mới vào lớp 1 đi tựu trường theo kế hoạch của trường học, song phụ huynh Lê Hoàng Nam (Thái Bình) vẫn không tránh khỏi cảm giác bất an và lo lắng.

"Khi có thông báo học sinh lớp một tựu trường, ban đầu, tôi thấy mừng vì con "thoát" khỏi tình trạng phải bắt đầu năm học bằng hình thức trực tuyến. Con tới trường học cũng giúp vợ chồng tôi bớt vất vả hơn trong quá trình trông nom. Song, nghĩ lại, tôi lại thấy lo lắng nhiều hơn khi dịch bệnh tại một số tỉnh thành còn quá phức tạp; nếu chẳng may để lọt một ca nhiễm vào tỉnh Thái Bình, trong khi học sinh lại đi học tập trung, thì hậu quả sẽ khó lường".

Chưa dừng lại ở đó, phụ huynh này còn trăn trở nỗi lo khi con còn nhỏ quá, chưa thật sự nhận thức về vệ sinh cá nhân và công tác phòng chống dịch bệnh.

Trao đổi với Dân Trí, phụ huynh Trần Thị Hương (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết, những ngày qua, con gái 6 tuổi vô cùng hào hứng và mong chờ được tới trường. Song, trái ngược với sự háo hức của con trẻ, bậc phụ huynh này lại "đứng ngồi không yên" khi mới đây, ngay trước thềm năm học mới, sau nhiều ngày "bình yên" thì trên địa bàn quận Lê Chân lại xuất hiện thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

"Mặc dù ca nhiễm đã được kiểm soát, nhưng việc đưa con đi học giữa tình hình dịch bệnh khó lường như vậy cũng khiến tôi lo lắng. Chỉ mong sao cuộc sống được bình yên, và các con giữ được sức khỏe để con đường tiếp thu con chữ không bị đứt đoạn".

Phụ huynh Trần Mạnh Tiến (Hà Nam) cho hay, khi nghe thông báo học sinh trên địa bàn thành phố sẽ tới trường tham gia học trực tiếp, anh như "trút" được một gánh nặng. Theo anh, điều này là một minh chứng cho tình hình chống dịch tại địa phương đã có sự khởi sắc. Ngoài ra, việc cho học sinh học tập trung, đặc biệt là trẻ lớp 1, sẽ giúp các con có cơ hội làm quen với trường lớp, thầy cô; việc tiếp thu kiến thức cũng sẽ thuận lợi và bớt căng thẳng hơn quá trình học trực tuyến.

Song, điều này cũng đặt ra một nỗi lo khi ý thức của trẻ nhỏ chưa cao. Nếu thầy cô, phụ huynh không sát sao, trẻ có thể nghịch ngợm tháo khẩu trang, quên rửa tay sát khuẩn, thậm chí là ngồi sát cạnh bạn bè để nói chuyện… gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chống dịch, bảo vệ sức khỏe.

Chỉ chưa đầy một tuần nữa, cậu con trai lớp 6 của chị Bùi Ngọc Mai (Hải Phòng) sẽ tới trường và bắt đầu năm học mới. Mặc dù vui vì con được tựu trường, nhận lớp và làm quen cùng thầy cô; nhưng phụ huynh này cũng chất chồng nỗi lo cho sức khỏe của con trẻ.

"Tôi lo lắm, vì không biết công tác chống dịch của nhà trường ra sao, có đảm bảo cho học sinh và các thầy cô không. Hầu hết đội ngũ nhà giáo đã được tiêm chủng, nhưng các em học sinh thì chưa, do đó, vẫn còn tồn tại rất nhiều rủi ro. Tôi chỉ mong nhà trường sẽ có các biện pháp nhằm đảm bảo học sinh vừa học tốt chương trình, vừa đảm bảo sức khỏe", chị Mai tâm sự.

Chia ca học, phụ huynh cam kết thực hiện phòng chống dịch

Theo cô Đào T.D. (giáo viên cấp 1 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng), do tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, đặc biệt sự xuất hiện của biến thể Delta khiến các em nhỏ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương; do đó, tâm lý lo lắng khi đưa con đi tựu trường thời điểm này của một số phụ huynh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các bậc làm cha, làm mẹ không nên quá lo lắng.

"Theo tôi được biết, trước khi thực hiện đón trẻ tới trường, các trường trên địa bàn thành phố và đội ngũ giáo viên đã được tập huấn kỹ về công tác chuẩn bị, đón học sinh và sẵn sàng xử lý một số tình huống đáng tiếc nếu có.

Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, các trường thực hiện chia ca tập trung sáng, chiều nhằm giãn cách số học sinh đến trường. Trước khi vào lớp, các con sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn và được các cô đón ngay từ cổng trường. Khi vào lớp, tất cả các em thực hiện đeo khẩu trang và ngồi giãn cách.

Nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh viết cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng, chống dịch Covid-19, mang theo cam kết và chỉ đưa con đến cổng trường rồi nhanh chóng di chuyển để tránh tập trung đông người".

Đồng quan điểm, giáo viên tiểu học Nguyễn Ngọc Phúc (Gia Lai) cho hay, mặc dù công tác cho trẻ học trực tiếp diễn ra khó khăn và đòi hỏi nhiều quy trình, song, đây chính là "thời gian vàng" để cho học sinh, đặc biệt là trẻ lớp 1 tới trường, làm quen với nền nếp sau thời gian dài nghỉ học vì dịch bệnh.

Thay vì lo lắng, phụ huynh có thể hỗ trợ nhà trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh bằng cách thường xuyên nhắc nhở các con đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn và giữ gìn khoảng cách nơi đông người.

"Trên thực tế, học trực tiếp là phương pháp tối ưu nhất, vừa giúp các em cảm nhận được không khí của ngày tựu trường, giúp thầy trò có tâm thế khởi động một năm học mới. Các cấp lãnh đạo tại địa phương cũng đưa ra nhiều kịch bản dạy học trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Chúng ta phải sống, phải học tập và làm việc, không thể chống dịch bằng cách trốn dịch. Do đó, tất cả mọi người, từ những giáo viên như tôi, cho tới các bậc phụ huynh hay học sinh, cũng cần học cách thích nghi".

Nhiều rủi ro và nguy hiểm!

Nêu quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, hiện nay, ngành giáo dục đang đứng trước sự kiện lớn và cần phải thực hiện, đó là khai giảng năm học mới.

Tuy nhiên, trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, việc tổ chức khai giảng, học tập theo hình thức nào để đảm bảo năm học mới suôn sẻ là cũng là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi sự tính toán, cân nhắc của ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung. Bởi, nguyên tắc rất cơ bản của ngành giáo dục chính là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trong mùa covid này. Con em đi học an toàn, cha mẹ và xã hội mới có thể an tâm.

"Cho đến giờ phút này, giãn cách xã hội là một nguyên tắc của toàn thể xã hội, và ngành giáo dục phải thực hiện tốt nguyên tắc đó, không được miễn trừ.

Trong trường hợp tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh, thành đã ổn định, thì có thể tính tới phương án cho học sinh đi học trực tiếp. Tuy nhiên, những người lãnh đạo cần đưa ra những biện pháp nhằm đem đến sự an toàn tuyệt đối cho thầy cô và học sinh.

Còn nếu địa phương nào không đảm bảo được điều đó, thì theo tôi không nên bắt đầu năm học mới theo hình thức tập trung này, bởi nó chứa đựng rất nhiều rủi ro và nguy hiểm. Nên nhớ, chỉ cần một cô giáo, hay học sinh thôi là có thể lây lan dịch bệnh rất nhanh, gây nên những tổn thất không đáng có".

Theo GS. Phạm Tất Dong, trong thời điểm đặc biệt này, Bộ GD-ĐT cần sát cánh, cùng các địa phương đưa ra những biện pháp linh hoạt, kịp thời để điều chỉnh hình thức học tập sao cho phù hợp.

Giáo sư cũng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục cần phải lên tiếng trong bất kỳ tình huống nào, không được giao phó hoàn toàn trách nhiệm cho các lãnh đạo địa phương. Điều này sẽ giúp trấn an dư luận, tạo ra sự tin tưởng cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.