Học sinh toàn quốc thi bơi ở Đà Nẵng

Khánh Hồng

(Dân trí) - Sáng 10/6, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức "Lễ phát động phong trào học bơi an toàn, phòng chống đuối nước và Khai mạc Giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022".

Sự kiện nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện, thi đấu môn bơi nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân và phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Đồng thời, sự kiện còn tạo điều kiện cho các vận động viên, học sinh, cán bộ, nhà giáo có cơ hội giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác an toàn phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

Giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022 được tổ chức với quy mô lớn, diễn ra từ ngày 8-13/6 với sự tham gia của 700 vận động viên là học sinh đến từ 26 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Học sinh toàn quốc thi bơi ở Đà Nẵng - 1

Lễ phát động phong trào học bơi an toàn, phòng chống đuối nước và Khai mạc Giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022" do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Nẵng, sáng 10/6 (Ảnh: Khánh Hồng).

Đối tượng dự thi Giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm nay bao gồm các Sở GD-ĐT, học sinh đang học tại các loại hình trường phổ thông: Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, tai nạn đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em. Ở nước ta, mặc dù có xu hướng giảm nhưng trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước.

Học sinh toàn quốc thi bơi ở Đà Nẵng - 2

Sau lễ phát động, các em học sinh tham gia Giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc (Ảnh: Khánh Hồng).

Trong những năm gần đây, cứ vào dịp nghỉ hè lại xảy ra nhiều vụ đuối nước hết sức thương tâm đối với các em học sinh. Trong 5 tháng đầu năm 2022, đã xảy ra 38 vụ đuối nước khiến 113 trẻ em, học sinh tử vong.

Thứ trưởng nhận định nguyên nhân các vụ đuối nước, bước đầu được xác định là do thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, người lớn; các em tự ý rủ nhau đi chơi, đi bơi, đi tắm, chơi gần khu vực nguồn nước dẫn đến đuối nước.

"Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng cần được đánh giá, phân tích cụ thể đó là nhiều trẻ em, học sinh bị đuối nước do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng bơi an toàn", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, năm 2022, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo hoàn thiện tài liệu hướng dẫn giáo dục phòng chống đuối nước và các tài liệu, video truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng chống đuối nước, dạy bơi, cứu đuối an toàn cho 400 cán bộ, giáo viên cốt cán của 63 Sở GD-ĐT.

Tuy nhiên, việc tổ chức phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, xây dựng bể bơi trong trường học, cơ chế kinh phí để duy trì hoạt động hiệu quả của các bể bơi... Vì vậy, tỷ lệ học sinh biết bơi mới chỉ chiếm khoảng 30% học sinh phổ thông trên toàn quốc.

Tại buổi lễ phát động, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống đuối nước và phong trào dạy bơi. Thứ trưởng mong rằng, mỗi em học sinh đều được trang bị những kiến thức, kỹ năng, tăng dần tỷ lệ học sinh được học bơi an toàn, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn đuối nước thương tâm.