Học sinh lớp 8 "bắt mạch" sự thờ ơ của học sinh đối với di tích

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Sự thờ ơ của học sinh với di tích lịch sử ở địa phương" được đánh giá là đề tài ấn tượng tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Bạc Liêu năm học 2020 - 2021.

Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021. 

Nhiều đề tài, dự án đã được các trường, mà đại diện là cá nhân, nhóm học sinh đã được trình bày tại cuộc thi, nổi bật ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Học sinh trình bày dự án "sự thờ ơ của học sinh với di tích lịch sử"

Một trong những đề tài gây ấn tượng ở lĩnh vực khoa học xã hội là dự án: "Sự thờ ơ của học sinh THCS với di tích Đồng Nọc Nạng - thực trạng và giải pháp" của nhóm học sinh trường THCS Hộ Phòng (thị xã Giá Rai).

Đồng Nọc Nạng là khu di tích lịch sử cấp quốc gia của tỉnh Bạc Liêu được xếp hạng vào năm 1991. Nơi đây ghi dấu những người nông dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của của chế độ thực dân trước năm 1930.

Theo chia sẻ của 2 tác giả dự án là em Phạm Minh Thiện Nhân và Hồ Hột Xoàn (học sinh lớp 8, trường THCS Hộ Phòng), lý do chọn đề tài là để hiểu lịch sử, để biết về nguồn cội, gốc gác của mình, để thêm quý, thêm yêu, thêm tự hào về nơi mình đang sống.

Sự kiện Đồng Nọc Nạng là một sự kiện lịch sử được ghi nhận. Ngày nay con đường vào di tích được mở rộng, phố xá nhộn nhịp hẳn lên. Nhưng trái ngược với tốc độ đô thị hóa, sự kiện anh hùng giờ đây lại mờ nhạt dần trong lòng người dân địa phương, nhất là học sinh.

"Thông qua dự án này, chúng em muốn góp một tiếng nói của thế hệ trẻ về ý thức cội nguồn, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử địa phương", các em chia sẻ.

Học sinh lớp 8 bắt mạch sự thờ ơ của học sinh đối với di tích - 1

Hai em Phạm Minh Thiện Nhân (trái) và Hồ Hột Xoàn, học sinh trường THCS Hộ Phòng, thị xã Giá Rai tại cuộc thi.

Theo 2 em, trong quá trình thực hiện dự án, qua khảo sát từ khoảng 200 học sinh THCS xoay quanh thông tin về sự hiểu biết của các học sinh về di tích Đồng Nọc Nạng, cho thấy, có đến hơn 64% học sinh không quan tâm đến di tích.

"Đó là một thực tế đáng buồn về sự thờ ơ của nhiều bạn học sinh trước di tích lịch sử ở địa phương", các em chia sẻ.

Hai em cho rằng, nguyên nhân có thể do các bạn học sinh chưa nhận thức hết ý nghĩa và vai trò của lịch sử địa phương; các bạn chỉ tập trung toàn lực chọn môn học để thi và chọn ngành nghề tương lai; sức hấp dẫn nhiều loại hình giải trí đã thu hút hết thời gian các học sinh.

Trong khi đó, thư viện nhà trường có ít tư liệu về lịch sử địa phương; còn phụ huynh chỉ khuyến khích con em mình học những môn để thi cử và liên quan đến ngành nghề tương lai.

Học sinh lớp 8 bắt mạch sự thờ ơ của học sinh đối với di tích - 2

Dự án "Sự thờ ơ của học sinh THCS với di tích Đồng Nọc Nạng - thực trạng và giải pháp" của 2 em Phạm Minh Thiện Nhân và Hồ Hột Xoàn (thứ 2 và 3 từ phải qua, học sinh trường THCS Hộ Phòng, thị xã Giá Rai) đã giành 1 trong 4 giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi.

Khi thực hiện dự án, các em cũng đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị đối với nhà trường và địa phương để làm sao cho các học sinh quan tâm hơn nữa đến di tích Đồng Nọc Nạng nói riêng, những di tích khác nói chung.

"Thông qua dự án nghiên cứu này, chúng em muốn gửi gắm đến các bạn học sinh nói riêng, mọi người nói chung đừng thờ ơ, vô tâm với di tích lịch sử, đừng lãng quên niềm tự hào của quê hương. Vì nơi đó có cuộc chiến khốc liệt của cha ông ta đã khai hoang lập ấp, có bản lĩnh của người nông dân đã chiến đấu để bảo vệ chén cơm, manh áo.

Chúng em rất mong các bạn học sinh, người dân hãy biết yêu, tự hào truyền thống quê hương, vì đơn giản đó là cội nguồn", các em bày tỏ.

Được biết, sau khi các em thực hiện dự án và tuyên truyền thì kết quả có đến 83,4% học sinh quan tâm đến khu di tích lịch sử. 

Học sinh lớp 8 bắt mạch sự thờ ơ của học sinh đối với di tích - 3

Cụm tượng tại khu di tích Đồng Nọc Nạng hiện nay.

Theo lịch sử ghi lại, vào một ngày của năm 1928, hai tên cò Pháp là Tournier và Bauzou cùng với bọn hương chức làng Phong Thạnh (quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã kéo đến gia đình ông Mười Chức để cướp lúa. Người nhà ông Mười Chức đứng ra ngăn cản và thương thuyết nhưng không thành, bọn chúng nhất định xông vào cướp lúa và đánh người.

Tức nước vỡ bờ, cả gia đình Mười Chức mỗi người cầm một công cụ sản xuất trên tay làm vũ khí xông ra quyết sống mái. Người dân Nọc Nạng hay tin đã chạy đến tiếp sức, nhưng đến nơi thì bọn cò Tây và tay sai đã tháo chạy.

Kết thúc cuộc quyết chiến, ông Mười Chức và vợ cùng đứa con trong bụng, 2 anh của Mười Chức là Năm Nhẫn và Sáu Nhịn hy sinh; còn tên cò Tournier bị đâm chết và nhiều tên khác bị thương.

Sự kiện Nọc Nạng đã gây tiếng vang lớn góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi ruộng đất của nông dân Nam Bộ nói chung, nông dân Giá Rai - Bạc Liêu nói riêng, tạo nên làn sóng dư luận lên án bọn địa chủ, thực dân cướp đất, cướp lúa.

Kết quả cuộc đấu tranh buộc thực dân Pháp phải trả lại đất cho gia đình ông Mười Chức.