Học sinh lớp 6, 7 trải nghiệm đối mặt "cá mập" để gọi vốn khởi nghiệp

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - 5 dự án xuất sắc của học sinh lớp 6, 7 một trường phổ thông ở Hà Nội được trình bày với các shark (nhà đầu tư) để gọi vốn. Đây là cách học thực tế mà chương trình phổ thông mới đang hướng tới.

Thay vì đi học tập trải nghiệm từ bên ngoài, nhóm học sinh lớp 6, 7 thực hiện các dự án học tập, gọi vốn với các shark.

Bạo lực gia đình, ô nhiễm nguồn nước thành dự án khởi nghiệp

Khởi đầu là nhóm "Gen Z và Gia đình" lựa chọn vấn đề bạo lực gia đình để tiếp cận. Theo đó, các em làm một cuốn sổ tay với các tip và số hotline liên hệ khi phát hiện có bạo lực gia đình.

Dự án này đã gọi vốn thành công với sự đầu tư 50% của Shark Chinh (Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục CEC Edu) và bán được 20 quyển sổ ngay tại đó cho một nhà đầu tư khác.

Nhóm tiếp theo "Summer Calendar" mang đến dự án sản phẩm handmade về lịch và đã thành công gọi được Shark Hùng (ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội) đầu tư 50%.

Học sinh lớp 6, 7 trải nghiệm đối mặt cá mập để gọi vốn khởi nghiệp - 1

Phần thuyết trình gọi vốn của nhóm "Summer Calendar" (Ảnh: L.P).

Nhóm "Snack Healthy" tập trung vào khía cạnh cải tiến đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe người tiêu dùng hơn.

Nhóm "Boardgame" ôm mộng tạo ra 1 sản phẩm giúp học sinh yêu môn Toán học lớp 6 nhiều hơn.

Nhóm cuối cùng của các học sinh lớp 6, với đề tái chế, tạo thiết bị thu gom rác trên bề mặt nước.

Nhận xét về những dự án "khởi nghiệp" trên đây của nhóm học sinh lớp 6, 7 trường Dewey (Hà Nội), bà Vũ Lưu Chinh, Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục CEC Edu thừa nhận, đây là một hình thức học tập thú vị và hiện đại.

Nhà trường đã áp dụng hình thức học tập liên môn dưới dạng dự án để học sinh được trực tiếp trải nghiệm và đặt học sinh vào các tình huống rất cụ thể, cho học sinh các thách thức để thuyết phục các "nhà đầu tư" bên ngoài.

"Tôi cũng đã đầu tư vào 2 dự án của các con. Đây cũng là câu trả lời cho sự thành công của các bạn. Tôi tin là những bạn nhỏ tham gia dự án dưới góc độ là một bài học ngày hôm nay sẽ có những trải nghiệm quý giá mà ko phải học sinh lớp 6, 7 nào cũng có được.

Các vấn đề các bạn lựa chọn để làm sản phẩm sáng chế rất thiết thực, như về môi trường, sức khỏe…

Thực tế là hướng học sinh đến việc gì, các em sẽ có cơ hội nhìn nhận sâu hơn các vấn đề đó và đây chính là giá trị phát triển bền vững cho cộng đồng", bà Chinh nói.

Học sinh lớp 6, 7 trải nghiệm đối mặt cá mập để gọi vốn khởi nghiệp - 2

Ý tưởng giải quyết vấn đề học sinh lớp 6 bị điểm kém trong môn toán (Ảnh: L.P).

Phản ứng nhanh khi bị "cá mập"... vặn

Theo một số giáo viên, học qua trải nghiệm thực tế mang đến cho học sinh những góc nhìn cụ thể và các bài học kinh nghiệm quý giá.

Chẳng hạn khi ý tưởng đi vào thực tế, các em sẽ có nhiều vấn đề phát sinh cần điều chỉnh. Đó là bài học khi các em bối rối thuyết trình nơi đông người, về cách phản ứng cực nhanh khi bị các shark "vặn"...

Quá trình ấy, các bạn học sinh hiểu được rằng, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường, các nhà sáng chế không chỉ cần ý tưởng mới mà quan trọng hơn là sự phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, chi phí sản xuất phải tối ưu, giá thành cạnh tranh…

Cô Lương Thị Mơ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, học qua việc làm hay học qua trải nghiệm là một trong những phương pháp học tập mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.

Học sinh không chỉ là người lắng nghe, ghi chép từ lời giảng của thầy cô mà phải tự mình áp dụng, trải nghiệm để tự khám phá kiến thức.

Với cách học như thế, học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phát triển tư duy, kỹ năng mềm quan trọng khác như giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, phản biện....

Học sinh không chỉ biết lý thuyết trên câu chữ, không bị giới hạn góc nhìn bởi sách vở và quan điểm của thầy cô.

Học sinh lớp 6, 7 trải nghiệm đối mặt cá mập để gọi vốn khởi nghiệp - 3

Sản phẩm gọi vốn của học sinh đến từ yêu cầu giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình (Ảnh: L.P).

Mỗi môn học, thầy cô đều giúp học sinh trải nghiệm nhiều nhất có thể. Với môn văn các em được đóng vai, sáng tác, viết kịch, dựng phim..., để đồng cảm với những cảm xúc của tác giả, hiểu hơn về con đường mà người nghệ sĩ đã đi qua trong quá trình làm ra tác phẩm nghệ thuật.

Với môn toán, các bạn được thực hiện những dự án học tập, những hoạt động trải nghiệm mới mẻ như thực hành đo đạc trên thực tế, lập kế hoạch tính toán để sơn sửa một căn phòng, thiết kế một ngôi nhà, xây dựng một kế hoạch kinh doanh nhỏ hay kế hoạch chi tiêu trong gia đình, giải quyết những bài toán về tiết kiệm và đầu tư…

Phương pháp học qua việc làm giúp cho học sinh nuôi dưỡng trí tò mò và niềm đam mê khám phá, trở thành những con người có năng lực tự học, tự lập, tự tin và trách nhiệm, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi của thời đại. Đó chính là mục tiêu hướng tới của chương trình giáo dục mới.