Học sinh bắt đầu ra sao với chương trình giáo dục phổ thông mới?

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Sau hơn 1 tháng, nhiều học sinh lớp 1 ở Hà Nội đã đọc làu làu cả biển quảng cáo. Cùng một tiết học nhưng mỗi giáo viên có cách tiếp cận khác nhau, sao cho học sinh dễ nắm bắt nhất.

Đọc làu làu biển quảng cáo sau hơn 1 tháng

Sáng 12/10, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội bắt đầu tuần học mới bằng tiết sinh hoạt dưới cờ.

Thay vì các bài phát biểu khô cứng, tiết sinh hoạt dưới cờ bắt đầu bằng các tiểu phẩm do chính học sinh thủ vai, đưa đến các bài học bổ ích, mang tính giáo dục như: cách chạy xe đạp an toàn, phòng chống tai nạn thương tích …

Tại lớp 1D, tiết tiếng Việt của sáng thứ Hai bắt đầu bằng hình quả thị hiện trên màn hình và các chữ, vần liên quan. Sau đó, học sinh sử dụng hộp dụng cụ học tập để thực hành ghép từ.

Cô Trịnh Thị Kim Quế, giáo viên chủ nhiệm lớp 1D, người có 20 năm dạy lớp 1 cho biết, sau 5 tuần học phần âm, hôm nay sang tuần thứ 6 của năm học, các con chuyển sang phần vần.

Nội dung của các bài học cũng có cấu trúc gần giống với chương trình cũ.

Học sinh bắt đầu ra sao với chương trình giáo dục phổ thông mới? - 1

Học sinh lớp 1 dùng dụng cụ học tập để ghép vần ở Trường tiểu học Nguyễn Du (Hà Nội). 

Tuy nhiên, thay vì dạy kiểu truyền thụ kiến thức như trước đây, học sinh được giáo viên hướng dẫn để tự khám phá ra nội dung bài học.

Cũng theo cô Quế, ở chương trình cũ, giai đoạn này các con đang học âm nhưng ở chương trình mới, học sinh đã sang phần vần.

Tiến độ bài nhanh, không có vài tuần làm quen các nét như chương trình cũ.

“Hiện học sinh của chúng tôi đã có thể đọc trơn. Nhiều em khi ra đường, đã có thể đọc làu làu các biển quảng cáo- nhanh hơn so với các em học chương trình cũ”, cô Quế cho biết.

Cũng là bài học làm quen với vần, tại trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm), học sinh được chia thành các nhóm 4 em/bàn để học.

Các em sẽ vẽ bông hoa liên quan đến vần học và dùng dụng cụ học tập để ghép vần.

Cô Đào Thu Thuỷ, giáo viên chủ nhiệm lớp 1G, Trường tiểu học Tràng An cho biết, vừa bắt tay thực hiện chương trình mới chỉ hơn 1 tháng nên cô trò gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn chương trình tiếng Việt tốc độ khá nhanh so với chương trình cũ.

“Chương trình tiếng Việt hiện nay mỗi tuần có 12 tiết trong khi cũ là 10 tiết/tuần. Tuy nhiên, do chương trình mở nên chúng tôi tự thiết kế bài giảng phù hợp.

Cụ thể, chúng tôi dành nhiều thời gian của tiết hướng dẫn học cho môn tiếng Việt và phối hợp với phụ huynh đồng hành với con”, cô Thuỷ cho hay.

Học sinh bắt đầu ra sao với chương trình giáo dục phổ thông mới? - 2

Học sinh lớp 1 được chia nhóm để học tại Trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).  

Áp lực sĩ số và tốc độ

Theo cô Trịnh Thị Kim Quế, năm nay do dịch Covid-19, học sinh 3-4 tháng không đến trường nên có khó khăn nhất định, cô trò cùng nỗ lực để vượt qua.

“Khi bắt tay vào điều gì mới cũng có khó khăn. Chương trình cũ kéo dài nhiều năm, khá quen thuộc nên chúng tôi biết ngày mai dạy cái gì.

Với chương trình này, cô trò đều mới, chúng tôi phải nghĩ ra nhiều hoạt động để các con ghi nhớ bài học chứ không phải đọc chép như trước.

Đến thời điểm này, chưa có phụ huynh nào phản ánh việc học sinh đọc chậm hoặc không viết được”, cô Quế cho biết.

Về ý kiến trên mạng xã hội về một số bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt 1, cô Thuỷ cho hay: “Cho dù bộ sách nào của chương trình mới, tôi nghĩ giáo viên phải phối hợp cùng phụ huynh học sinh mới có kết quả tốt”.

Học sinh bắt đầu ra sao với chương trình giáo dục phổ thông mới? - 3

Thời điểm này, học sinh lớp 1 chương trình mới đã đọc trơn, nhanh hơn chương trình cũ. 

Cũng quan điểm này, bà Bùi Thị Diệu Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết, trường mình sử dụng bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”.

Ngay từ thời gian hè, nhà trường đã họp các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng khung chương trình cụ thể từng tuần, từng tháng cho mỗi môn học.

Sau đó, nhà trường in ra từng quyển tương ứng từng môn, phát cho phụ huynh học sinh hàng tuần để cha mẹ nắm bắt dễ hơn trong việc đồng hành với con.

Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An cũng cho hay, trước đây giáo viên sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn 2 tuần/lần. Từ khi áp dụng chương trình mới, giáo viên sinh hoạt các tổ chuyên môn hàng ngày.

Học sinh bắt đầu ra sao với chương trình giáo dục phổ thông mới? - 4

Bà Bùi Thị Diệu Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết, nhà trường in khung chương trình từng môn phát cho phụ huynh hàng tuần. 

Đặc biệt, nhà trường cũng đưa các vấn đề đang tranh cãi trên mạng xã hội về SGK và chương trình mới để giáo viên bày tỏ chính kiến.

Được biết, một trong những điều kiện tiên quyết thành công của chương trình mới là sĩ số học sinh phải 35 em/lớp.

Ở cả hai trường tiểu học trên đây, các lớp 1 đều đảm bảo sĩ số. Riêng trường Tràng An, có lớp 1 chỉ 33 em. Do vậy, việc dạy/học theo chương trình mới tiến hành thuận lợi.

Tuy nhiên, không phải trường học nào ở nội thành Hà Nội, sĩ số này cũng được đảm bảo.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25/8 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố hiện có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 học sinh/lớp.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang áp dụng nhiều biện pháp để ép sĩ số học sinh các trường tiểu học xuống 50 học sinh/lớp mà đã rất khó khăn.