Học nhưng không cần... đến lớp nghe giảng

(Dân trí) - Nhiều người theo hệ Vừa học vừa làm vì mục đích đơn giản để có bằng cấp hoặc vì thăng chức. Còn các trường thì hệ đào tạo này như cái “niêu cơm” dẫn đến chất lượng học tập báo động.

Tại hội thảo về chất lượng hệ Vừa học vừa làm (VHVL) của các trường CĐ - ĐH do Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 20/12, nhiều nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục chỉ ra thực trạng của hệ này.

Bài báo cáo của PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục ĐH Sư phạm TPHCM) chỉ ra hệ đào tạo VHVL tạo điều kiện cho những người có mong muốn học tập nâng cao trình độ, hình thành một xã hội học tập và học tập suốt đời.

Nhưng thực tế, một bộ phận không nhỏ tham gia học tập không phải vì mục tiêu kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà để có được tấm bằng để nâng lương, để cho “bằng chị bằng em”.

Học nhưng không cần... đến lớp nghe giảng
Nhiều sinh viên hệ đào tạo Vừa học vừa làm cho rằng việc đến lớp nghe giảng là không cần thiết. (Ảnh minh họa)

Kết quả khát sát của nhóm nghiên cứu thuộc viện đối với 443 sinh viên (SV) của hệ thì có trên 32% theo học để kiếm việc làm, gần 30% đi học để có bằng cấp và gần 18% học để thăng chức.

Ông Oanh đánh giá, từ động cơ học tập như vậy dẫn đến quan niệm đến lớp nghe giảng bài của SV cũng rất đáng lo ngại. Có đến 38% SV hệ VHVL cho rằng không cần thiết phải đến lớp nghe giảng.

Trong khi chất lượng đầu vào của hệ này rất đáng lo ngại. Nhưng các trường cần người học nên vẫn tuyển, nhất là trong điều kiện tuyển sinh cạnh tranh như hiện nay.

Bà Phạm Thị Lan Phượng, Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM ví von hệ VHVL là “niêu cơm” của các trường ĐH công lập để bù đắp và đầu tư cho hệ chính quy. Các trường chạy theo số lượng, đáp ứng nhu cầu cần bằng của người học mà ít có sự đầu tư về xây dựng chương trình và sáng tạo trong hình thức tổ chức để đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững.

“Đó là lý do chất lượng đào tạo hệ VHVL xuống cấp nghiêm trọng, lòng tin của xã hội vào SV tốt nghiệp hệ giảm thấy rõ”, ý kiến của bà Phượng. 

ThS Phạm Thị Tâm (Khoa Công tác Xã hội, ĐH KHXH&NV TPHCM) cho rằng hoàn cảnh của SV HVHVL đã tác động lớn đến cách dạy của giảng viên, khác với khi dạy SV chính quy. Học viên xin nghỉ, bận công việc hoặc thầy trò rủ nhau đi... chơi, thưởng ngoạn trên danh nghĩa đi thực tế, đi tìm hiểu. Việc học, việc thi “cuốn chiếu” theo cách để thuận tiện cho các bên, giữa các mối quan hệ "cùng làm hư nhau" thành ra chất lượng kém.

Và chất lượng nằm ở đâu khi giảng viên vừa làm người dạy, ôn thi, ra đề thi và cũng người chấm?

Không ít giảng viên than phiền việc đi dạy hệ VHVL tuy có giúp học tăng thêm thu nhập nhưng cũng làm nản và lo lắng nhân cách nhà giáo có bị “xói mòn”.

ThS Phạm Thị Tâm kể có SV của hệ nói, lớp đã quen với việc lo quà đặc sản cho giảng viên nữ, còn giảng viên nam thì... mời ăn nhậu. Bà đánh giá với hình thức như hiện nay, hệ VHVL được xem như là một vấn nạn bắt nguồn cả người học, người dạy và cả sự buông lỏng của phía quản lý.

Chất lượng học tập HVHVL phụ thuộc vào nhiều yếu tốt. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, phụ thuộc rất nhiều vào giảng viên. Nếu giảng viên không nghiêm khắc, chiều chuộng với những mong muốn, đề nghị của SV mà hạ thấp yêu cầu học tập và thi cử thì chất lượng càng đáng lo ngại. 

Hoài Nam