Hiệu phó bị “tố” đạo luận văn: Không thu hồi học vị tiến sỹ

(Dân trí) -Bộ GD-ĐT vừa công bố kết luận vụ việc công dân tố cáo ông Nguyễn Cảnh Lương-Hiệu phó trường ĐH Bách khoa Hà Nội có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo, đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải.

Tố cáo là đúng một phần, không thu hồi học vị tiến sỹ

Theo kết luận của Bộ GD-ĐT thì nội dung tố cáo “ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải” là đúng một phần. Cụ thể: Tại Chương 2 và mục 3.3, 3.4 Chương 3 Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có nhiều đoạn sao chép lập luận trong Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải (mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác) nhưng không thực hiện việc trích dẫn theo đúng quy định. Hành vi của ông Nguyễn Cảnh Lương vi phạm quy định về trích dẫn tài liệu tại Khoản 2 Điều 23 Quyết định số 647/GD và ĐT ngày 14/2/1996 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành Quy chế đào tạo và bồi dưỡng sau đại học và Công văn số 4394/SĐH ngày 27/6/1996 của Bộ GD-ĐT Hướng dẫn tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ.

Kết luận cũng khẳng định, ông Nguyễn Cảnh Lương không che giấu nguồn gốc tài liệu tham khảo khi đã liệt kê Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải tại danh mục tài liệu tham khảo của Luận án. Hội đồng chấm luận án, PGS.TS Đặng Văn Khải đều đã biết Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có sử dụng lập luận trong luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải nhưng chỉ lưu ý việc trích dẫn và vẫn đánh giá tốt về giá trị luận án. Hội đồng Chức danh giáo sư ngành toán sau khi so sánh hai luận án vào thời điểm năm 2014 cũng đồng quan điểm này; vì vậy, không đủ cơ sở để kết luận ông Nguyễn Cảnh Lương không trung thực.

Trong phần phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu, chứng cứ, Bộ GD-ĐT cho biết: Kết quả Luận án chủ yếu tập trung tại Chương 1, mục 3.1, 3.2 của Chương 3. Tại Chương 2, mục 3.3, mục 3.4 Chương 3 Luận án của ông Lương có nhiều đoạn sử dụng lập luận tương tự như lập luận trong luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải, tuy nhiên các đối tượng nghiên cứu của hai luận án là khác nhau.

Hội đồng chấm luận án, PGS.TS Đặng Văn Khải đều đã biết Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có sử dụng phương pháp lập luận tương tự trong Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải nhưng vẫn đánh giá cao giá trị của Luận án. Hội đồng chấm Luận án đã có lưu ý ông Lương về việc nhắc tới công trình của PGS.TS Đặng Văn Khải trong Luận án.

Ông Lương có liệt kê luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải tại danh mục tài liệu tham khảo nhưng đã không thực hiện việc trích dẫn theo đúng quy định tại các nội dung có tham khảo theo cách làm của PGS.TS Đặng Văn Khải trong Luận án. Thiếu sót, khuyết điểm này trước hết thuộc về ông Nguyễn Cảnh Lương đặc biệt là khi đã được Hội đồng chấm Luận án lưu ý nhưng đã không thực hiện đúng. Trường Đại học Bách khoa (bộ phận quản lý đào tạo sau đại học), Vụ Sau đại học - Bộ GD-ĐT cũng có thiếu sót, khuyết điểm không phát hiện được việc ông Lương chưa thực hiện trích dẫn theo đúng quy định, chưa thực hiện đúng kết luận của Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở mà vẫn tiến hành các thủ tục cho ông Lương bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước

“Luận án của ông Lương được các Hội đồng chấm Luận án trước đây và Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành toán đánh giá là có kết quả mới, đáp ứng yêu cầu của luận án tiến sĩ về toán. Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành toán đánh giá việc không trích dẫn đầy đủ là “những sai phạm trong trình bày ở luận án” và “không có cơ sở để kết luận tác giả luận án thiếu trung thực” và “chưa đến mức đặt vấn đề xem xét thu hồi học vị tiến sĩ” là có cơ sở chấp nhận” - Bộ GD-ĐT cho biết.

Yêu cầu bổ sung trích dẫn theo đúng quy định

Trước những sai phạm trên, Bộ GD-ĐT yêu cầu ông Nguyễn Cảnh Lương liệt kê các nội dung trong Luận án có sử dụng lập luận của PGS.TS Đặng Văn Khải, của các tác giả khác và bổ sung trích dẫn theo đúng quy định; Thực hiện các thủ tục cần thiết để đính kèm các nội dung bổ sung trích dẫn trong bản Luận án đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia và tại các thư viện khác, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 2/6/2014.

Có bản kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với việc có nhiều đoạn sao chép lập luận trong Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải (mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác) nhưng không thực hiện việc trích dẫn theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng giao cho Giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm nêu trên của ông Nguyễn Cảnh Lương trong bối cảnh ông Lương đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.

Giao Vụ Giáo dục Đại học Rà soát, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; quy định chặt chẽ trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của hội đồng chấm luận văn, luận án và chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi sao chép luận văn, luận án.

Xem xét, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các thủ tục cho ông Lương bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước khi chưa thực hiện đầy đủ kết luận của Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng giao Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cán bộ, viên chức thuộc quyền quản lý liên quan đến việc thực hiện các thủ tục cho ông Lương bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước khi chưa thực hiện đầy đủ kết luận của Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở.

Đề nghị Đảng ủy Khối các Trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm nêu trên của ông Nguyễn Cảnh Lương trong bối cảnh ông Lương đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Bách khoa để có biện pháp xử lý phù hợp.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Thư viện Quốc gia và các thư viện có lưu giữ Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương phối hợp hướng dẫn thủ tục cho ông Nguyễn Cảnh Lương liệt kê các nội dung trong Luận án có sử dụng lập luận của PGS.TS Đặng Văn Khải, của các tác giả khác và bổ sung trích dẫn theo đúng quy định.

Nguyễn Hùng