Hệ thống giáo dục phổ thông sau 2015: Xây dựng không cần chuẩn chi tiết?

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đang xây dựng đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại, tăng thực hành, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn. Tuy nhiên, với việc không đưa ra chuẩn để xây dựng khiến chuyên gia giáo dục băn khoăn.

Ngày 26/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sau năm 2015” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các viện nghiên cứu và hai trường ĐH Sư phạm trọng điểm.

Quan điểm đổi mới

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 cho biết: Tiếp nối chương trình (CT) giáo dục Mầm non, nội dung các môn học trong CT giáo dục phổ thông (GDPT) cần được xây dựng một cách tổng thể, xuyên suốt từ Tiểu học đến THPT đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và liên thông giữa các cấp học, môn học, hoạt động giáo dục (HĐGD); giữa GDPT với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục sau phổ thông. Các môn học không nhất thiết có mặt ở tất cả mọi lớp.
 
Tranh thủ xem lại bài trước khi vào thi. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Sau năm 2015, nội dung và mức độ của giáo dục THPT hướng tới hoàn thiện nhân cách công dân cùng với yêu cầu phát triển năng lực phù hợp với năng khiếu và sở thích cá nhân.

Cũng theo PGS.TS Thống, nội dung và mức độ của giáo dục cơ bản (9 năm) tập trung hình thành nhân cách công dân với học vấn phổ thông cơ bản, tạo điều kiện để có thể học lên cao hơn hoặc tham gia cuộc sống lao động. Tức là những hiểu biết rất thiết yếu, phổ quát, chung nhất mà một người cần phải biết để sống, học tập và làm việc, lao động; chứ không phải là những gì quá chuyên sâu. Nội dung và mức độ của giáo dục THPT hướng tới hoàn thiện nhân cách công dân cùng với yêu cầu phát triển năng lực phù hợp với năng khiếu và sở thích cá nhân, định hướng nghề nghiệp trên cơ sở tiếp tục nâng cao kiến thức, kĩ năng ở một số lĩnh vực/môn học chuyên biệt bằng một số môn học tự chọn, chuyên đề tự chọn, học xong kiểm tra ngay và coi như đã hoàn thành môn học/chuyên đề. Nghiên cứu khoa học cũng là hoạt động tự chọn được khuyến khích HS tham gia, được thay thế cho một số nội dung học tập. Các môn học (trừ các môn xuyên suốt) có thể kết thúc ở các thời điểm khác nhau.

Nội dung từng môn học/HĐGD được cấu trúc lại, thiết kế theo yêu cầu từ thấp lên cao; cấu trúc vừa tuyến tính vừa đồng tâm, nhưng ưu tiên tuyến tính để tránh trùng lặp giữa các cấp và các lớp. Bỏ những nội dung trùng lặp, bổ dung một số nội dung mới, tích hợp một số nội dung gần hoặc trùng nhau. Lựa chọn cách tiếp cận kiến thức, kĩ năng của mỗi môn học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực; tránh tình trạng quá coi trọng logic nội dung của khoa học tương ứng mà coi nhẹ yêu cầu thiết thực với cuộc sống và tính phổ thông- cơ bản của các tri thức.

Những yêu cầu trên cần được cụ thể hóa trong việc xác định cấu trúc nội dung chương trình và biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo mục tiêu của từng môn học và phù hợp với các điều kiện dạy học.

Tạo đột biến bằng “tích hợp” môn học

Ban soạn thảo cũng cho hay, định hướng cấu trúc một số môn học sẽ được thực hiện dưới hình thức: Với các môn học tích hợp nhiều lĩnh vực như Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội cần kế thừa kinh nghiệm của môn Tìm hiểu tự nhiên và xã hội của sách giáo khoa Tiểu học hiện hành, bổ sung và điều và chỉnh một số nội dung cho phù hợp với nhu cầu của học sinh hiện nay; đồng thời tăng cường thiết kế các nội dung dạy học dưới dạng câu chuyện lịch sử, câu chuyện về các hiện tượng tự nhiên và xã hội nhằm giúp các em có được những hiểu biết sơ giản, gần gũi về những hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh.

Ở THCS, so với hiện nay, môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn Lý, Hóa, Sinh học về trái đất bằng cách sắp xếp các chủ đề của mỗi môn học gần nhau nhằm soi sáng và liên hệ lẫn nhau; đồng thời có thêm một số cần vận dụng kiến thức tổng hợp. Môn khoa học xã hội được tích hợp chủ yếu từ các môn lịch sử, địa lí và một số nội dung về Kinh tế, Xã hội cũng được thiết kế tương tự như môn khoa học tự nhiên.
 
Hệ thống giáo dục phổ thông sau 2015: Xây dựng không cần chuẩn chi tiết?
Học sinh khối chuyên Sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội trong một giờ thực hành. (Ảnh: Nguyên Chi)

Ở THPT, lớp 10 là giai đoạn “dự hướng”, các môn học được tích hợp ở THCS sẽ tách thành các môn học độc lập: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý... (tương tự như hiện nay) nhưng tăng yêu cầu vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống cuộc sống, giúp học sinh làm quen và chuẩn bị lựa chọn các nội dung sẽ học ở lớp 11, 12. Hai lớp này là giai đoạn phân hóa sâu, định hướng nghề nghiệp, chương trình và sách giáo khoa các môn học sẽ có nội dung giảm nhẹ hơn hiện nay, đồng thời phân thành những môn học bắt buộc và những môn tự chọn. Mặt khác, sẽ có các chủ đề tự chọn chuyên sâu hoặc mở rộng theo từng môn và có thêm các chuyên đề tự chọn khác theo một số lĩnh vực, ngành nghề mà học sinh sẽ học sau THPT.

Xây dựng không cần chuẩn chi tiết?

Tại hội thảo này, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, việc xây dựng như trên đã được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng dựa trên học hỏi kinh nghiêm của nhiều nước. Tuy nhiên, việc xây dựng lại quên đi mất chuẩn chi tiết của từng môn học mà mới chỉ định hướng đầu ra chung ở mỗi cấp học.

Nhận thấy sự bất cập này, GS Hồ Sĩ Đạt nhấn mạnh: “Cần phải làm rõ việc xây dựng các môn học đó đáp ứng đầu ra là gì?”.

Cũng theo GS Đạt, nhưng vấn đề mà Ban soạn thảo đưa ra không thể một thời gian ngắn mà có thể thu thập được hết các ý kiến. Các chuyên gia tham dự hội thảo không thể đại diện cho tất cả những nhà khoa học ở một lĩnh vực môn học mà chỉ là một ý kiến đơn lẻ. Chính vì thế cần phải mời các chuyên gia tương đối am hiểu và trong một thời gian dài thì mới có kết quả.

Một cán bộ dạy khoa Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá: “Chương trình THCS, THPT căn cứ vào cái gì để đề xuất? Nếu dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài thì cần phải nói rõ là nước nào. Trên cơ sở đó đối chiếu với điều kiện thực tế ở Việt Nam để xây dựng. Cần phải làm rõ những vấn đề này trước khi bàn đến nội dung cụ thể”.

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Đối với giáo dục thì bất cứ ai nhìn dưới góc độ nào đều có lý cả. Nếu tất cả các hướng đi đều có lý thì cách an toàn nhất đó là đứng tại chỗ. Chính vì thế để đổi mới được cần được sự đồng thuận của xã hội để chọn ra một hướng để thực hiện”.

Nguyễn Hùng