“Hậu tiêu cực”: Xin đừng đánh mất niềm tin!

(Dân trí) - Việc <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/9/141405.vip">ăn bớt khẩu phần ăn của trẻ</a> tại Trường mẫu giáo Chim non, Hà Nội xảy ra hồi cuối năm ngoái dù đã được xử lý triệt để, song những gì mà tập thể cán bộ nhà trường đang phải gánh chịu thật không đơn giản. Đây cũng là nỗi niềm chung của những trường học sau khi xảy ra tiêu cực.

“Nhà trường đã phải chịu sức ép không chỉ từ phía phụ huynh mà có cả những người trong ngành. Chỉ sợ trường cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể lấy lại những thành tích như trước đây, hoặc nếu có cũng phải rất lâu...” - bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, quyền Hiệu trưởng trường mẫu giáo Chim non (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự.

 

Người ở lại phải chịu hậu quả

 

Bà Thuý cho biết: “Sau sự việc vừa rồi, phụ huynh dù không phản ứng ra mặt nhưng chúng tôi vẫn phải nghe lời này lời nọ, thậm chí có cả những câu nói trì chiết. Một số phụ huynh cũng đã cho con chuyển trường khác. Những lúc đó, chúng tôi cảm thấy buồn lắm. Nếu không vì danh dự, vì những gì đã từng có và hi vọng một tương lai tốt đẹp, chắc chúng tôi cũng không thể tiếp tục...”

 

Vụ bớt xén khẩu phần ăn của trẻ xảy ra tại Trường mẫu giáo Chim non đã khiến 10 giáo viên bị kỷ luật. Trong đó, bà hiệu trưởng bị cách chức và bị đề nghị tước danh hiệu nhà giáo ưu tú. Mất mát đó dù lớn cũng chỉ là một phần, phần còn lại chính là những người đang tiếp tục cống hiến dưới ngôi trường đang bị dị nghị đó, một nơi đã từng được công nhận danh hiệu anh hùng.

 

Hay như Trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội), sau khi làm rõ những sai phạm của hiệu trưởng trong cách quản lý cũng như tài chính, tỷ lệ học sinh học tại trường đã giảm sút rõ rệt. Nếu như năm học 2001 - 2002, tổng số học sinh học trong trường là 960 em, thì năm 2005 - 2006 vừa qua (sau khi vụ việc vỡ lở), tỷ lệ này chỉ còn 576 học sinh. Con số này phản ánh tâm lý mất lòng tin của phụ huynh về một ngôi trường mà họ đã từng tin yêu gửi gắm con em mình.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, một trong những giáo viên có uy tín nhất của trường với hàng chục năm đứng lớp tâm sự: “Tôi yêu nghề giáo và tôi mong được dành cả cuộc đời cho dạy học. Nhưng những gì từng xảy ra đã không ít lần làm tôi nản lòng!”

 

Không chỉ có vậy, đối với những trường đã từng có chuyện giáo viên hành hung học sinh, người ta thường réo rắt tên giáo viên hành hung đó với sự thiếu thiện cảm về trường học này.

 

Nỗ lực lấy lại uy tín

 

Trong thời gian qua, Ban giám hiệu cũng như tập thể cán bộ, giáo viên trường Chim non đã nỗ lực hết mình với mong muốn lấy lại niềm tin từ các bậc phụ huynh và dư luận. Nhà trường đã cải tiến rất nhiều trong việc điều hành, hoạt động công khai ở tất cả các khâu, từ tài chính, chế độ chính sách, cho đến thực đơn ăn của trẻ.

 

Trường đã tổ chức giao nhận thực phẩm ngay tại trường (thay vì đi mua tại chợ như trước đây) với sự chứng kiến của 3 bên: giáo viên, người bán và bếp trưởng. Ban phụ huynh nhà trường cũng đã tổ chức những buổi thanh tra đột xuất xác nhận về khẩu phần ăn là hoàn toàn đúng với số tiền mà họ đóng. Định lượng thức ăn của trẻ được niêm yết công khai...

 

Nhà trường cũng cố gắng tham gia đầy đủ các phong trào, thi hội giảng mùa xuân, thi nấu ăn, giáo viên giỏi, tổ chức dạy giờ cho phụ huynh thăm lớp. Sẵn sàng nghe sự đóng góp của phụ huynh.

 

Cũng chung sự cố gắng với các trường “hậu tiêu cực” là Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Sau khi thanh tra, làm rõ những vụ tiêu cực tại trường này, UBND quận Cầu Giấy đã có những hình thức xử lý và phê bình một cách nghiêm túc đối với những cá nhân có sai phạm. Từ đó đến nay, “những người ở lại” đang cố gắng hết sức để lấy lại uy tín cho mình.

 

Nhận định về vụ việc của trường Nguyễn Khả Trạc nói riêng và những trường có hoàn cảnh tương tự, ông Trần Độ - Trưởng phòng tổ chức chính quyền quận Cầu Giấy cho biết: “Những vụ tiêu cực xảy ra trong trường học cần phải lên tiếng và nghiêm túc xử lý. Nhưng trong cách giải quyết, chúng ta không thể không nghĩ đến cái chung, đó là sự phát triển của nhà trường. Việc gây dựng lại uy tín cho các trường chính là vấn đề mấu chốt sau những gì đã xảy ra”.

 

Trên thực tế, mặc dù những sai phạm tại các trường chỉ liên quan tới một số cá nhân nào đó và đã được giải quyết triệt để, song việc dư luận mất niềm tin vào cả môi trường sư phạm ở đây là điều không tránh khỏi. “Xin một lần nữa hãy đặt lại niềm tin vào nhà trường” - đó là điều những cán bộ, giáo viên của các trường từng “dính” tiêu cực mong chờ ở dư luận và phụ huynh học sinh.

 

Lan Hương