Đức Nhiếp Chính Vương:

Hành xử của cha mẹ giúp học sinh trở thành người hoàn thiện

(Dân trí) - Nhân dịp đến viếng thăm Việt Nam, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa đã có buổi tọa đàm “Giới trẻ và lòng nhân ái vì xã hội không bạo lực”. Tại đây, ngài đã chỉ ra nguyên nhân của bạo lực học đường trong giới trẻ hiện nay.

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đến từ Ấn Độ và vương quốc Bhutan đến Hà Nội từ ngày 7/4/2013. Đây là lần thứ 5 Ngài viếng thăm Việt Nam. Từ ngày 9 - 26/4, Ngài sẽ chủ trì các Pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an và quán đỉnh cộng đồng tại các chùa lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM…
 
Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa
Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa.

Với tâm nguyện hoằng pháp hóa độ cho lớp trẻ, Nhiếp Chính Vương thường đi giảng pháp ở các trường trung học và đại học (thậm chí viếng thăm các nhà tù) tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong những buổi giảng dạy Phật pháp, theo quan sát của Ngài, thanh thiếu niên đang đứng trước những khó khăn, áp lực trong học tập và đời sống như: phấn đấu vượt qua các kỳ thi; nỗ lực học tập để đạt thang điểm cao; đặt mục tiêu thi đỗ vào các trường học danh tiếng; sự cám dỗ của điều kiện vật chất bên ngoài (mặt trái của sự phát triển)… Những tác nhân này đẩy giới trẻ cuốn nhanh vào guồng quay cuộc sống, khiến họ ít nhiều quên đi những giá trị sống bình dị mà ý nghĩa đó là: sự tri ân, lòng trắc ẩn, tình yêu thương…

Vì lẽ đó, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội tổ chức Tọa đàm: “Giới trẻ và lòng nhân ái vì xã hội không bạo lực”, Nhiếp Chính Vương đã dành phần lớn thời gian để chia sẻ về nghệ thuật sống, cách nuôi dưỡng lòng yêu thương giúp hoàn thiện nhân cách trong xã hội hiện đại. Ngài mong nguyện qua buổi tọa đàm, thông điệp của tình yêu thương và lòng bi mẫn, nét đẹp của Đạo Phật, văn hóa truyền thống Á Đông sẽ giúp gia đình, nhà trường, các em học sinh có một cách nhìn trí tuệ và đúng đắn hơn về sự nghiệp giáo dục. Ngài nhấn mạnh: Mục đích của chuyến viếng thăm Việt Nam không gì khác hơn là truyền tải thông điệp “Sống để yêu thương”.

Tại buổi tọa đàm, Đức Nhiếp Chính Vương đã trả lời nhiều câu hỏi về nguyên nhân bạo lực học đường trong giới trẻ hiện nay.

Sự sợ hãi bắt nguồn từ sự thiếu tự tin, thiếu hiểu biết

Thưa Đức Nhiếp Chính Vương, hiện nay, xuất hiện thực trạng bạo lực trong giới học sinh và thanh thiếu niên. Vậy, dưới góc nhìn của Phật giáo, vì sao tình trạng bạo lực xuất hiện ngày càng nghiêm trọng trong lứa tuổi thanh thiếu niên? Cách tiếp cận của Phật giáo để giải quyết vấn đề này là gì?

Đức Nhiếp Chính Vương: Những bạo động hiện tại của chúng ta đều xuất hiện từ sân giận, tức giận và tức giận ấy bắt nguồn từ sự sợ hãi, sợ hãi bắt nguồn từ việc chúng ta thiếu tự tin, thiếu sự hiểu biết. Đa phần hành vi bạo động đều đến từ những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, cha mẹ không hòa thuận hoặc li dị… Như vậy, nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo động của các cháu chính là do các cháu thiếu đi sự giáo dục giá trị. Vì thiếu đi sự hiểu biết mà tâm các cháu bị đóng chặt, không mở rộng để có tình thương, sự tha thứ, sự cảm thông.

Bên cạnh đó, còn có nhân tố khác, có thể cách giáo dục của chúng ta đôi khi ép buộc các cháu nghe lời người lớn. Chính cách ép buộc đó khiến các cháu không thực sự hiểu, vì nghe lời mà theo cách bắt buộc đó. Điều đó đã in vào trong tâm các cháu. Khi ra ngoài cộng đồng, các cháu bắt đầu thể hiện những bạo lực để ép buộc người khác phải nghe lời của mình. Xã hội phát triển mà thiếu đi phần căn bản từ giáo dục thì bạo hành cũng phát triển theo.
 
Theo tôi, trong thế giới hiện đại, các bậc phụ huynh vất vả cố gắng để cho con mình có được sự giáo dục tốt nhất, tìm cách xoay xở tìm cho con mình những trường học tốt nhất ở Mỹ, Anh… Thế nhưng điều đó chưa đủ bởi chúng ta cho con mình rất nhiều điều kiện để phát triển nhưng chúng ta lại quên mất việc dành cho con cái thời gian để bày tỏ tình yêu thương, chăm sóc, quan tâm, gần gũi.

Chúng ta gửi cho các cháu những điều kiện học tập tốt nhất nhưng các cháu lại không hiểu được cách sống trở thành một người tốt, thành người có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội, sống trở thành một người có tình yêu thương. Nên tôi nghĩ, chúng ta cũng cần xem xét lại cách gửi con mình đi học những trường tốt nhất chưa phải là cách tốt nhất để đào luyện cho các cháu trở thành những người trưởng thành, có đạo đức.

Đối với giới trẻ hiện nay, nên nhắc nhở để các cháu biết rằng không phải cả 100 người đều trở thành triệu phú, không phải cả trăm nghìn người đều là ngôi sao điện ảnh. Chúng ta cũng cần nhắc nhở để các cháu biết rằng hạnh phúc không chỉ đơn độc đến từ sự thành công, giàu có, địa vị, quyền lực mà đến từ rất nhiều nhân tố khác nhau trong đó có một nhân tố rất quan trọng đó là sự an bình của nội tâm. Sự an bình của nội tâm trong đạo Phật được gọi là thực hành giáo pháp. Đó có thể là sự thực hành thông qua sự thực tập về thiền định, tụng niệm. Sự an bình đó đóng góp một phần quan trọng cho nền tảng của hạnh phúc, điều này chúng ta cũng nên nhắc nhở để các cháu nhận định được.

Không tạo áp lực khiến các cháu phấn đấu trở thành một thần tượng nào đó viển vông không thực tế mà nên gợi cho các cháu cách nhận ra vấn đề, chỉ ra phương pháp giúp các cháu có thể cân bằng được sự phát triển về vật chất, kiến thức cùng với sự phát triển của tâm hồn.
 
Đức Nhiếp Chính Vương trong buổi tọa đàm: “Giới trẻ và lòng nhân ái vì xã hội không bạo lực”
Đức Nhiếp Chính Vương trong buổi tọa đàm: “Giới trẻ và lòng nhân ái vì xã hội không bạo lực”.

Hành xử của người lớn đóng vai trò quyết định trong việc giáo dục học sinh

Xin Nhiếp Chính Vương cho biết vai trò của nhà trường và gia đình để giúp học sinh vượt qua được tình trạng bạo lực học đường?

Đức Nhiếp Chính Vương: Chúng ta đang đón nhận sự giáo dục ở tất cả mọi lúc, mọi nơi cả ti vi và mạng Internet. Không chỉ bài học ở trường mới là giáo dục mà giáo dục trong gia đình là vô cùng quan trọng. Khi đến trường học, các cháu được dạy phải ngoan, hiền, hiếu thảo, biết tha thứ, biết cảm thông… nhưng khi về nhà, các cháu sẽ được áp dụng học bài học đó trên thực tế, từ cách các cháu nhìn những hành xử từ cha mẹ của mình.
 
Cha mẹ đối xử với nhau như thế nào, nói năng như thế nào, tất cả những hành xử của người lớn thể hiện đối với xã hội sẽ in vào tâm tưởng các cháu. Đôi khi bởi cách hành xử không đúng đắn của người lớn khiến các cháu thấy bài học ở trường không giống với những gì các cháu nhìn thấy trong thực tế, và kết quả các cháu sẽ nghĩ những bài học ở trường chỉ là lý thuyết, để nghiên cứu chứ không thiết thực trong đời sống. Bởi vậy, cách hành xử của cha mẹ chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục các cháu trở thành những con người hoàn thiện.

Nhân đây, tôi xin một kể câu chuyện để minh họa. Trong gia đình có ông, cha mẹ, con trai. Ông cụ lúc này đã già, ngay cả việc đi vệ sinh cũng không tự mình làm được, nên con trai và con dâu phải hầu hạ vất vả. Người con dâu sau một thời gian hầu hạ cha như vậy cảm thấy không vui, và xui người chồng: ông bây giờ không còn tác dụng gì, sống cũng không có ý nghĩa gì nữa, nên bây giờ bỏ ông vào rừng. Người chồng nghe lời vợ, đưa cha mình vào rừng và dẫn theo cậu con trai khoảng 5 - 6 tuổi.

Đến rừng, người chồng đào một cái hố. Thấy vậy, cậu con trai hỏi bố: Bố ơi, bố làm gì thế? Ông bố trả lời: ông của con bây giờ già quá rồi, sống không có ý nghĩa, tác dụng gì nữa nên bỏ ông xuống hố, xong chôn lại.

Đối với đứa trẻ, đầu óc rất ngây thơ, nên cũng không nói điều đó gì lúc đó. Sau khi đào được một hồi, người bố nhìn về phía xa xa thì thấy cậu bé cũng đang đào một cái hố, người bố liền gọi lại và hỏi: Con đang làm gì thế? Đứa bé trả lời rằng: Con đang đào hố. Tại vì sau này bố già rồi, không làm được gì nữa thì con cũng sẽ bỏ bố xuống cái hố này và chôn đi. Và người bố nói rằng: tại sao con có thể hành xử như vậy, bố là bố của con, rất thương yêu con mà sao con có thể hành xử như vậy? Thì cậu bé có hỏi lại, vậy ông có phải là cha của bố không? Ông có thương yêu bố hay không?

Câu chuyện đã nhắc nhở chúng ta biết rằng tất cả hành xử của người lớn đóng một vai trò quyết định trong việc giáo dục đối với các cháu. 

 
Đức Nhiếp Chính Vương và nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc tại buổi tọa đàm
Đức Nhiếp Chính Vương và nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc tại buổi tọa đàm.

Biết bằng lòng với những gì mình có

Đức Nhiếp Chính Vương có nhắn nhủ và tâm nguyện gì dành cho thanh thiếu niên hiện nay?

Đức Nhiếp Chính Vương: Tôi mong nguyện, các cháu thanh thiếu niên sẽ học và biết cách thực hành để nhận ra được giá trị của cuộc sống từ trường học, từ cuộc sống sẽ giúp các cháu hiểu được sống thế nào. Vấn đề quan trọng về giá trị cuộc sống ở chỗ các cháu sẽ trở thành những con người có ích cho xã hội, đem lại lợi ích cho gia đình, người thân xung quanh, ý thức cho cộng đồng thì tâm hồn các cháu sẽ rộng mở hơn, bớt những ích kỷ cá nhân để giúp ích cho xã hội.

Chúng ta nên nhận thức, chúng ta không sống đơn độc mà sống với rất nhiều người, nhiều loài, có môi trường bảo vệ, vì vậy chúng ta cần phát triển ý thức sống không làm hại ai, không làm tổn hại môi trường xung quanh, các loài động vật. Mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta đều có thể làm cho thế giới thay đổi. Ảnh hưởng của mỗi cá nhân sẽ làm ảnh hưởng đến toàn xã hội, bởi vậy cần nhận ra được trách nhiệm của mình đối với cuộc sống, môi trường, xã hội để chúng ta thay đổi cuộc sống. Chúng ta đừng mong cuộc sống thay đổi mà chính bản thân mình, tư tưởng, hành động, lời nói của mình bằng động cơ và những thiện hạnh thực sự sẽ làm thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tôi mong  thế hệ trẻ sẽ không phải sống với những áp lực luôn luôn nghĩ mình sẽ trở thành một người thành công hay có địa vị cao trong xã hội. Nếu chúng ta luôn đem áp lực, tư tưởng như vậy thì có thể gây nên sự bất an, bế tắc và cuộc sống sẽ trở nên nặng nề, khó khăn. Chúng ta phải biết mọi điều trong cuộc sống sẽ đến bằng nỗ lực của chính mình, đồng thời biết bằng lòng với những gì mình có thể đạt được.

Trong cách nhìn của Phật giáo không có công việc nào là tốt hay xấu, đôi khi chúng ta cho rằng làm những công việc như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… là những việc được xem là tốt, còn những việc như quét rác, dọn nhà vệ sinh là những việc tầm thường. Cách nhìn của đạo Phật không đánh giá về hình thức của công việc mà đánh giá từ động cơ của người làm việc. Bởi vì một bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, người dọn nhà vệ sinh… khi làm việc họ làm với tất cả sự tập trung, sự trọn vẹn tâm hồn mình, muốn đem đến một cái gì tốt đẹp cho xã hội thì công việc này được gọi là việc tốt. Còn nếu chúng ta làm những công việc có địa vị cao trong xã hội, nhưng với động cơ vị kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình thì việc này chưa chắc gọi là tốt.

Xin trân trọng cảm ơn Đức Nhiếp Chính Vương!
 

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa Jigme Pema Nyinjadh đản sinh năm 1981 trong dòng tộc của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, bậc lãnh đạo tối thượng của Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim Cương Thừa Drukpa.

 

Sau quá trình tu học nghiêm cẩn tại Trụ xứDarjeeling, Ấn Độ, Ngài tiếp tục theo học 9 năm và tốt nghiệp Tiến sĩ loại xuất sắc tại Đại học Tự viện danh tiếng Tango (vương quốc Bhutan). Ngài trứ danh với sở học và khả năng thuyết pháp uyên thâm song cũng vô cùng gần gũi, nhân văn.

Hồng Hạnh (ghi)