Hà Nội: "Nóng" cuộc đua khốc liệt vào lớp 10

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Trong tháng 6, các trường THPT chuyên và không chuyên của Hà Nội tổ chức thi tuyển. Với tỷ lệ "chọi" cao ngất ngưởng ở một số trường, cuộc đua vào lớp 10 của Hà Nội khốc liệt hơn vào đại học.

"Quần quật" với lịch thi chuyên

Ngày 29/5, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường phổ thông chuyên đầu tiên đã tổ chức thi tuyển vào lớp 10.

Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn lên tới 1.083; chỉ tiêu hệ Chuyên là 145, (trong đó Văn: 75, Sử: 35, Địa: 35), hệ Chất lượng cao 35 chỉ tiêu. Tỷ lệ chọi môn cao nhất của trường này là 1/9.

Hà Nội: Nóng cuộc đua khốc liệt vào lớp 10 - 1

Thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 29/5 (Ảnh: NH).

Có con gái năm nay dự thi vào lớp 10, chị Thanh Trà (quận Thanh Xuân) cho biết, hai vợ chồng đứng ngồi không yên cả mấy tháng nay.

Một phần anh chị phải "canh" lịch thi vì sợ dịch dã nên nhiều trường biến động, phần nữa là ngóng tỷ lệ "chọi" để áng chừng thực lực của con cho đỡ sốt ruột.

"Đây là năm đầu con mình thi vào lớp 10 nên càng ngóng càng sốt ruột hơn. Chúng tôi cũng động viên con không quá nặng nề chuyện đỗ trượt để cháu có tâm lý thoải mái nhất lúc đi thi", chị Trà nói.

Không riêng gì chị Trà, nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay đều có tâm trạng chung là lo lắng bởi lẽ học sinh có thời gian học trực tuyến hơn 11 tháng, trong khi thi đầu vào các trường này đều có tỷ lệ "chọi" cao.

Từ 1 - 6/6, các trường THPT chuyên Ngoại ngữ; Khoa học tự nhiên và Đại học sư phạm sẽ đồng loạt tổ chức thi vào lớp 10.

Trong đó, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ thi ngày 4/6; chuyên Khoa học Tự nhiên thi từ ngày 5-6/6 và chuyên ĐH Sư phạm thi ngày 1/6.

Năm nay, trường Chuyên Ngoại ngữ tuyển 500 học sinh tại bảy lớp, trong đó chỉ tiêu dành cho hệ chuyên có học bổng là 36, hệ chuyên là 344 và hệ không chuyên 120. Tiếng Anh là lớp duy nhất tuyển sinh hệ không chuyên, cũng là lớp có tổng chỉ tiêu cao nhất: 315.

Tiếng Nga tuyển ít nhất, chỉ 15 học sinh, Tiếng Pháp và tiếng Hàn cùng có chỉ tiêu 25, các lớp còn lại 40.

Nhà trường tuyển sinh theo hình thức thi tuyển, diễn ra vào 4/6.

Hiện, trường này đã nhận được tổng 3.973 hồ sơ, cao hơn năm ngoái 500. Xét theo từng lớp chuyên, tiếng Anh cao nhất, với 2.012 thí sinh đăng ký. Dù vậy, với chỉ tiêu hệ chuyên 195, tỷ lệ chọi của lớp Anh là 1/10,3.

Trong khi đó, lớp tiếng Pháp nhận được 379 hồ sơ nhưng chỉ tuyển 25 học sinh. Do đó, tỷ lệ chọi lên tới 1/15,2, tức trong 15 học sinh, chỉ một em được chọn.

Tiếng Hàn và Trung cũng là hai lớp có tỷ lệ chọi trên 10, các lớp tiếng Đức, Nhật, Nga dao động 9,8-7,8.

Chuẩn bị cho con thi vào Trường THPT Chuyên Sư phạm, chị Thu Huyền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, mặc dù con chị có học lực tốt nhưng với tỷ lệ "chọi" vào lớp chuyên Tiếng Anh của trường này năm ngoái lên tới 1 chọi 30, vợ chồng chị và con gái đều như ngồi trên đống lửa.

Chưa thi đã thấy áp lực

Bên cạnh thi vào các trường THPT Chuyên trực thuộc đại học, thí sinh chuẩn bị vào lớp 10 sẽ còn trải qua kỳ thi chung vào lớp 10 THPT công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức.

Nếu có nguyện vọng vào một trong bốn trường có lớp chuyên thuộc Sở gồm THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây, thí sinh phải dự thi thêm ba ngày 18-20/6.

Theo Sở GD-ĐT, mùa tuyển sinh năm học 2022 - 2023 sẽ có khoảng gần 40% học sinh Hà Nội không có cơ hội vào học lớp 10 THPT công lập.

Cụ thể, toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020 - 2021.

Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào trường công lập chỉ có khoảng 77.000 học sinh, số còn lại vào trường tư thục.

Chia sẻ về áp lực học tập trước kỳ thi vào lớp 10 THPT, em N.L.P, học sinh lớp 9, Trường THCS Giảng Võ cho rằng, mặc dù chưa thi nhưng bản thân em đã tự tạo áp lực cho chính mình bằng ý nghĩ, nếu em không thi đỗ, bố mẹ sẽ rất thất vọng.

Vì vậy em mong bố mẹ, thầy cô đừng tạo áp lực, thay vào đó hãy tin tưởng, động viên để những học sinh cuối cấp như em được tiếp thêm sức mạnh, tự tin vượt qua kỳ thi lớp 9 năm nay.

TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội cũng nhận định, các em học sinh đang đối mặt, áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang.

Áp lực thứ hai của học sinh là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường và các em phải tự mình điều chỉnh để phù hợp.