Hà Nội: Nhiều sinh viên lỡ tốt nghiệp vì chứng chỉ tiếng Anh Aptis

Mỹ Hà

(Dân trí) - Nhiều sinh viên Trường Đại học Điện lực (Hà Nội) đang lao đao và lỡ đợt xét tốt nghiệp khi chứng chỉ tiếng Anh Aptis do Hội đồng Anh cấp không hợp lệ.

Theo phản ánh của một số sinh viên Trường Đại học Điện lực, ngày 15/3 là hạn cuối cùng trường này xét công nhận tốt nghiệp của tháng này nhưng nhiều em không đủ điều kiện bởi chứng chỉ tiếng Anh Aptis do Hội đồng Anh cấp không hợp lệ và không có trong danh mục xét đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ mà trường này ban hành. Nhà trường chỉ công nhận chứng chỉ Aptis ESOL.

Theo một số sinh viên, họ bị lỡ nhiều công việc do chứng chỉ tiếng Anh Aptis do Hội đồng Anh cấp không hợp lệ.

Nếu thi chứng chỉ khác, họ sẽ mất thời gian đợi chờ, ôn thi, chưa kể mức phí thi chứng chỉ tiếng Anh dao động 1,4-4,7 triệu đồng một lượt sẽ rất tốn kém. 

Hà Nội: Nhiều sinh viên lỡ tốt nghiệp vì chứng chỉ tiếng Anh Aptis - 1

Mẫu chứng chỉ Aptis và Aptis ESOL (Ảnh: Hoàng Chung).

Trao đổi với PV Dân trí chiều 17/3, TS. Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Điện lực cho biết, trước đây nhà trường vẫn chấp nhận chứng chỉ tiếng Anh theo mẫu cũ.

Nhưng kể từ ngày 11/11/2022, sau khi Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu chỉ công nhận chứng chỉ tiếng Anh Aptis ESOL, nhà trường đã rà soát lại và chỉ công nhận chứng chỉ tiếng Anh theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

"Chúng tôi rất mong Bộ GD&ĐT cùng Hội đồng Anh thống nhất việc này để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Nếu được cho phép công nhận chứng chỉ tiếng Anh Aptis theo mẫu cũ thì trường sẽ lại chấp nhận.

Hiện toàn trường có khoảng vài chục sinh viên, ở rải rác tất cả các khoa liên quan đến sự việc.

Về phía nhà trường rất hỗ trợ các em thi chứng chỉ nội bộ của trường để đảm bảo việc xét tốt nghiệp.

Chứng chỉ này được nhà trường tổ chức thi mỗi tháng một lần với chi phí không quá đắt đỏ- khoảng 300.000 đồng/lượt", ông Toàn nói.

Cũng theo chuyên gia này, để hỗ trợ các em sinh viên, nhà trường có thể sẽ rút ngắn thời gian thi chứng chỉ này thành 2 đợt/tháng.

Đồng thời, để không ảnh hưởng đến chuyện xin việc của sinh viên, nhà trường có thể tạo điều kiện xét tốt nghiệp bổ sung giúp sinh viên nhanh chóng ra trường.

Được biết sự việc trên bắt nguồn trước đó, khi nhiều sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) thi và được Hội đồng Anh cấp chứng chỉ Aptis General từ 11 đến 22/12/202, trong khi theo phê duyệt của Bộ GD&ĐT, chứng chỉ mà Hội đồng Anh được cấp từ ngày 11/11 là Aptis ESOL International Certificate.

Những người có chứng chỉ tiếng Anh Aptis do Hội đồng Anh tổ chức từ 11/11 đến 22/12/2022 nhưng không được Trường Đại học Tôn Đức Thắng chấp thuận với lý do không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Hà Nội: Nhiều sinh viên lỡ tốt nghiệp vì chứng chỉ tiếng Anh Aptis - 2

Trường Đại học Điện Lực, Hà Nội (Ảnh: T.L).

Bất bình vì điều này, nhiều người liên tục tìm đến Hội đồng Anh và nhà trường mong được giải quyết thỏa đáng vụ việc nhưng đến nay chưa có hồi kết.

Các sinh viên mong muốn Bộ GD&ĐT, Hội đồng Anh và Trường Đại học Tôn Đức Thắng xử lý dứt điểm nội dung trên để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Ngày 27/2, Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) có văn bản yêu cầu các bên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis chấn chỉnh việc thi và cấp chứng chỉ đúng quy định được Bộ phê duyệt.

Theo đó, Cục Quản lý chất lượng đề nghị các bên liên kết chấn chỉnh việc thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài bảo đảm đúng Quyết định số 3646/QĐ-BGDĐT ngày 11/11/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các quy định của pháp luật hiện hành.

Cục cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis, có biện pháp xử lý bảo đảm quyền lợi của người dự thi.

Chứng chỉ Aptis ESOL là tên gọi mới của chứng chỉ Aptis, đã được tổ chức thi tại Việt Nam từ năm 2013.

Trong quá trình tổ chức thi Aptis/Aptis ESOL từ 11/11 đến 22/12/2022, Hội đồng Anh vẫn cấp mẫu chứng chỉ Aptis cũ do phôi chứng chỉ mới chưa kịp về Việt Nam.

Hội đồng Anh thừa nhận đây là sơ suất về mặt hành chính và chưa kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT.

Sự việc kéo dài nhiều tháng qua nhưng chưa đi đến hồi kết do "không bên nào chịu bên nào".