Hà Nội: Khoảng 27.000 học sinh "không có suất" vào lớp 10 công lập

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Hà Nội dự kiến khoảng 27.000 học sinh "không có suất" vào lớp 10 công lập; 12.900 em học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và 12.100 học sinh học các trường nghề.

Cánh cửa hẹp

Chiều 2/6, tại hội nghị giao ban công tác tháng 5/2022 của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021; thời gian thi ngày 7 và 8/7/2022.

Tại Hà Nội, số thí sinh đăng ký dự thi là 97.953 học sinh. Số điểm thi chính thức của thành phố là 181 điểm với 4.070 phòng thi. Số cán bộ trực tiếp tham gia công tác coi thi là 11.675; cán bộ tham gia phục vụ, bảo vệ điểm thi là 2.734; cán bộ tham gia công tác chấm thi là 778.

Dự kiến, chậm nhất ngày 10/6/2022, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ thông báo các địa điểm tổ chức kỳ thi để các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai phối hợp tổ chức thi.

Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022, địa phương này có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021.

Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh. Nhưng chỉ tiêu vào trường công lập chỉ có khoảng 77.000 học sinh, số còn lại vào trường tư thục.

Như vậy, so với năm trước, số chỉ tiêu vào trường công lập đã tăng thêm 10.000 học sinh, nhưng năm nay sẽ vẫn có khoảng 27.000 học sinh trượt trường công lập.

Nếu so với tổng số học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại Hà Nội thì có đến 52.000 học sinh không tiếp tục học THPT công lập.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, trong số này, dự kiến sẽ có khoảng 27.000 học sinh sẽ vào học lớp 10 các trường ngoài công lập; khoảng 12.900 học sinh học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và 12.100 học sinh học các trường nghề.

Hà Nội: Khoảng 27.000 học sinh không có suất vào lớp 10 công lập - 1

Năm nay sẽ vẫn có khoảng 27.000 học sinh Hà Nội trượt trường công lập (Ảnh: M.H).

Hiện Hà Nội có trên 100 trường ngoài công lập. Trong đó, trường top trên khoảng 10- 15  trường.

Theo quy định của Hà Nội, các trường tư có thể được tuyển sinh theo phương thức xét học bạ THCS, bằng kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố hoặc kết hợp cả hai phương thức.

Tuy nhiên, số trường ngoài công lập phải áp dụng cả hai phương thức để xét tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay vì đặt tiêu chí cao, do vậy số lượng học sinh vào học trường tư phân khúc cao cũng không nhiều.

Chia sẻ với PV Dân trí, bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho biết, mặc dù là trường ngoài công lập nhưng điểm đầu vào của trường luôn trong top 1, chỉ sau Trường THPT Chu Văn An.

Kỳ tuyển sinh năm ngoái, nhà trường nhận được khoảng 3.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu cho cả hai cơ sở chỉ 600 học sinh.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp cho biết, hiện cơ bản nhà trường đã tuyển sinh xong lớp 10.

Năm nay nhà trường có 405 chỉ tiêu nhưng hiện tại đã có 410 hồ sơ nộp vào. Trừ đi số học sinh thi chuyên rút hồ sơ ra, nhà trường sẽ tuyển thêm khoảng vài ba chục em nữa là vừa đủ.

Hà Nội: Khoảng 27.000 học sinh không có suất vào lớp 10 công lập - 2

Thí sinh vẫn còn lựa chọn vào trường ngoài công lập nếu trượt lớp 10. Tuy nhiên, những trường này chi phí khá cao (Ảnh: T.L).

Không nên "nhắm mắt" chọn bừa

Ngoài các trường ngoài công lập top đầu và top giữa, nhiều trường tư tuyển không đủ chỉ tiêu.

Do vậy, nếu thí sinh trượt hết cả các nguyện vọng vào trường công lập thì vẫn có thể chắc suất vào một trường ngoài công lập nào đó.

Tuy nhiên, cho dù là trường ngoài công lập top dưới, mức học phí của các trường này cũng thuộc dạng cao so với khối trường công lập nên nhiều phụ huynh dù muốn vẫn phải đắn đo do tính toán sao cho phù hợp với hầu bao.

Đối với những thí sinh không còn "cánh cửa" nào để vào cấp 3, các em có thể chọn học nghề hoặc vào các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo đánh giá, hiện nay về nội dung chương trình của trường nghề không có sự khác biệt so với chương trình tại các trường công lập.

Nhiều trung tâm cũng đã có sự thay đổi, nâng cấp phương pháp giáo dục đào tạo, để đảm bảo các em học tại trung tâm không bị chênh kiến thức so với các học sinh trường công lập.

Kết thúc chương trình học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các em sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT cùng với học sinh chính quy, bằng tốt nghiệp không phân biệt hình thức đào tạo.

Nhà giáo Trần Thùy Liên (giáo viên cấp 3 tại Hà Nội) cho rằng, việc nhiều thí sinh băn khoăn, thắc mắc khi không biết phải lựa chọn ngành nghề nào cho tương lai là câu chuyện khá phổ biến hiện nay.

Trên thực tế, các em học sinh thường mắc phải sai lầm khi chọn nghề đó chính là chỉ dựa vào duy nhất năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề vì lý do kinh tế, thậm chí là chọn nghề vì… bố mẹ, bạn bè.

"Các thí sinh phải hiểu công việc là tương lai, là định hướng suốt cả cuộc đời của một con người. Do đó, khi chọn nghề cần cân nhắc kỹ càng, và nhất định không được nhắm mắt chọn… bừa.

Quan điểm của tôi, dù là học đại học hay học nghề thì nghề nghiệp mà một cá nhân theo đuổi cần phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Có như vậy thì con đường theo đuổi mới không dang dở", cô Liên chia sẻ.