Giật mình “áo trắng” nhuốm màu “du côn”

(Dân trí) - Học sinh tử vong do bị bạn đâm, nam sinh mâu thuẫn vì chuyện “bạn gái”dẫn đến đâm nhau, học sinh lấy đá đập vào mặt thầy… Những sự việc đau lòng ấy cứ diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây tại nhiều trường phổ thông ở TP Cần Thơ.

Học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng đánh, đập, đâm, chém 

Khoảng 18 giờ ngày 14/11/2011, Thạch Huỳnh Hai (SN 1995, ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đang đi cùng bạn đến lớp học bổ túc ban đêm thì bị một nhóm học sinh do Phạm Minh Nhựt (học lớp 8, trường THCS An Thới) dẫn đầu chặn đánh. Không ngờ, Hai có thủ sẵn một con dao nhọn (loại dao Thái Lan)  trong cặp và đã rút ra để… tự vệ. Hậu quả: Phạm Minh Nhựt bị đâm một nhát vào đầu, một học sinh khác trong nhóm của Nhựt bị Hai đâm trúng cánh tay phải. Dù được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng 3  ngày sau, Nhựt tử vong do hoại tử não sau chấn thương sọ não.

Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra, trước ngày xảy ra vụ án, nhóm của Nhựt và nhóm của Hai đã từng đánh nhau. Vì vậy, Hai mới thủ sẵn dao khi đi học để phòng thân và sau đó dùng chính vũ khí này gây nên cái chết của Nhựt.

Đây không phải là vụ học sinh dùng hung khí gây chết người đầu tiên ở TP Cần Thơ. Trước đó vài tháng, một học sinh lớp 8 của một trường ở quận Bình Thủy đã bị bạn dùng dao đâm vào thái dương. Mấy ngày sau, học sinh này tử vong.

Là bạn học cùng Trường THPT Phan Ngọc Hiển, giữa 2 nữ sinh Trần Hồng Tâm và Phạm Hoàng Kim Ngọc đã từng xảy ra hiềm khích, mâu thuẫn. Cũng vì những hiềm khích đó mà trưa ngày 6/12/2011, với lý do để “bảo vệ bạn gái mình”, bạn trai của Tâm là Lê Thanh Võ đã “đụng độ” với bạn trai của Ngọc là Huỳnh Đức Duy tại một quán cà phê ngang trường học. Sau khi dùng mã tấu chém một người trong nhóm của Duy, Võ bỏ chạy. Tức tối, ngay sau đó, Duy điện thoại cho Võ thông báo nếu nhóm của Duy gặp nhóm của Hai ở đâu thì sẽ chém nhau ngay ở đó. Duy tập hợp nhóm được 11 người lên xe gắn máy mang theo dao, mác và tỏa đi tìm nhóm của Võ để trả thù. Cuối cùng, nhóm của Duy phát hiện được nhóm của Võ trên đường Hòa Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và tiến hành truy sát. Hậu quả: hai người trong nhóm của Võ là Nguyễn Hoàng Tuấn và Nguyễn Sơn Hải bị nhóm Duy đánh, chém trọng thương. Theo kết quả giám định y khoa, Hải bị tổn hại sức khỏe 25%, Tuấn 12%.

Mới đây, Công an quận Ninh Kiều đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án này cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Cần Thơ thụ lý, điều tra theo thẩm quyền. Điều đáng nói là cả 5 bị can trong vụ án đang bị tạm giam để điều tra hầu hết đều ở tuổi thanh thiếu niên, đang là học sinh, sinh viên ở một số trường THPT, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ.

Bạo lực học đường giờ không chỉ là những vụ, choảng, đâp hay đâm chém giữa học sinh với nhau. Đáng báo động hơn là tình trạng học sinh dùng bạo lực để hành hung thầy giáo của mình. Sáng ngày 12/1/2012, trong giờ Thể dục, một thầy giáo thể dục của Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) đã bất ngờ bị một nam sinh lớp 10 dùng đá đập vào mặt (!). Trao đổi về vụ việc này, cô Nguyễn Hoài Thi, phó hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, thừa nhận đã xảy ra vụ việc học sinh hành hung thầy giáo và nam sinh  đánh thầy đã phải viết kiểm điểm để nhà trường xem xét xử lý.

Giật mình “áo trắng” nhuốm màu “du côn” - 1
Tang vật cơ quan điều tra thu được từ các em học sinh chém nhau ngày 6/12/2011.

Trường: nặng bệnh thành tích, phụ huynh: thiếu quan tâm con em

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng bạo lực ở tuổi học trò, ông Nguyễn Quý Đôn, phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết, thời gian qua, những vụ án có liên quan đến học sinh ở các trường thuộc Sở quản lý ông chỉ được biết qua… báo chí còn bản thân ông chưa nhận được một báo cáo nào từ các trường.

“Tuy nhiên, việc nhắc nhở các trường luôn luôn quan tâm chú ý đến các đối tượng có nguy cơ “dính” vào các vụ lộn xộn dẫn đến bạo lực học đường là việc bản thân tôi và Sở vẫn thường xuyên làm tại các cuộc họp giao ban, họp chuyên môn” - ông Đôn nói.

Trước câu hỏi: “Liệu các trường học có cần những chuyên gia về tâm lý, những người thầy biết lắng nghe và chia sẻ với học sinh để ngăn chặn từ trong trứng nước những mầm mống bạo lực?”, ông Đôn cho rằng không cần thiết vì trường nào cũng có giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giáo dục công dân, cán bộ phụ trách Đoàn - Đội, lực lượng giám thị.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu tâm ở đây là ở nhiều trường, dù các ban bệ không thiếu nhưng cách thức hoạt động và sự phối hợp để quản lý học sinh thời gian qua vẫn nặng tính hình thức. Khi có chuyện “không hay” xảy ra trong học sinh của trường, nhiều ban giám hiệu thường hay “cố gắng” bưng bít thông tin vì sợ đến tai cấp trên sẽ bị… trừ điểm thành tích.

Ngoài ra, tình trạng hiện nay có nhiều bậc phụ huynh thừa tiền nhưng thiếu quan tâm đến con em cũng góp phần tạo ra “mảnh đất tốt” cho nạn bạo lực học đường sinh sôi. Không ít vụ việc bạo lực học đường sau khi xảy ra, những phụ huynh có con em gây án chỉ chăm chăm tìm cách gỡ tội cho con em mình bằng cách đưa tiền bồi thường, năn nỉ hay đe doạ gia đình người bị hại, thậm chí tìm cách “mua” một số cán bộ có thẩm quyền của cơ quan chức năng, thầy cô giáo… để mong con em mình được giảm tội. Trong khi đó, cái gốc của vấn đề là gia đình thường xuyên liên lạc với nhà trường để nắm tình hình học tập, sinh hoạt của con em, quan tâm trao đổi với các em để nắm bắt kịp thời những diễn biến tâm tư, tình cảm, tâm lý lứa tuổi, nhu cầu, xu hướng… nhằm kịp thời khuyên răn, uốn nắn, chấn chỉnh, giúp đỡ lại không được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Được biết, thời gian qua, có phụ huynh giàu tâm huyết với đề này đã tự nguyện làm “cầu nối” đưa các giảng viên, nhà tâm lý thuộc các trung tâm tư vấn tâm lý có uy tín tại TPHCM về Cần Thơ trao đổi miễn phí với phụ huynh các trường về vấn đề giáo dục con em để góp phần ngăn chặn bạo lực học đường. Thế nhưng, có lần phát hành đến 400 thư mời mà lượng khách là phụ huynh đến dự (sau khi có sự động viên nhiệt tình của Ban giám hiệu) chỉ được 40 người!

Phạm Tâm