Bình Định:

Giáo viên bộ môn Sinh học lo thất nghiệp vì học sinh không chọn học

Doãn Công

(Dân trí) - Số học sinh chọn môn khoa học tự nhiên có xu hướng giảm, nhất là môn Sinh học. Các giáo viên bộ môn Sinh học ở các trường THPT tại Bình Định lo thất nghiệp, khi nhận số tiết dạy học thấp.

Vì sao ít học sinh chọn môn sinh học?

Tại Hội thảo "Công nghệ sinh học - Những đóng góp trong ngành kinh tế sinh học dựa trên tri thức và những định hướng trong tương lai" vừa diễn ra hôm 30/8 tại Bình Định, nhiều giáo viên ở các trường THPT chia sẻ thực tế hiện nay ít học sinh chọn môn Sinh học.

Giáo viên bộ môn Sinh học lo thất nghiệp vì học sinh không chọn học - 1

Một giáo viên bộ môn Hóa - Sinh trường THPT Nguyễn Hồng Đạo (huyện Phù Cát) lo lắng vì học sinh chọn môn Sinh học ít (Ảnh: Doãn Công).

Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng với lớp 10. Các em sẽ học ít môn hơn, được lựa chọn môn học theo tổ hợp môn năng khiếu, sở thích, định hướng nghề nghiệp tương lai.

Theo nhiều giáo viên, việc này giúp học sinh chọn môn học phù hợp với năng lực, sở thích. Tuy nhiên từ đó, có một số môn học rất ít học sinh chọn. Tại các trường THPT ở Bình Định, số học sinh chọn môn khoa học tự nhiên có xu hướng giảm, nhất là môn Sinh học.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Loan, giáo viên tổ Hóa - Sinh trường THPT Hòa Bình (thị xã An Nhơn), bày tỏ sự lo lắng: "Nhiều thầy cô giáo bộ môn Sinh học nhận thấp hơn 70-80 tiết dạy học so với định mức năm học. Nếu cứ đà này, sang năm có khi chúng tôi còn thất nghiệp".

Theo cô Loan, thường học sinh có học lực khá sẽ chọn khối A, A1, còn lại hầu hết chọn môn xã hội, rất ít chọn môn Sinh học. Trong khi đó, định hướng nghề nghiệp ở THPT về các ngành nghề liên quan đến môn Sinh học rất mông lung.

Thầy Đặng Thanh Lâm, giáo viên Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước) cho hay năm nay, cả trường chỉ có 5-7 học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên để thi tốt nghiệp, còn lại chọn các môn xã hội.

"Trước đây, một số em có học lực khá chọn thi khối B (Toán, Hóa, Sinh) vì mong muốn vào ngành y. Hiện nay, các em không quan tâm vì ngành y lấy điểm quá cao, học phí tăng. Trong khi những ngành thuộc nông lâm, công nghệ sinh học, các em cũng không quan tâm và không hình dung học ra rồi làm cái gì, có xin việc được không?", thầy Lâm nói.

Gần 30 năm dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hân, giáo viên trường THPT Tuy Phước 2, cho rằng hiện nay, chương trình sách giáo khoa môn Sinh học đang xa rời với thực tiễn, không cập nhật chương trình mới như công nghệ sinh học. Kiến thức sách giáo khoa không định hướng được các em chọn môn Sinh học sau này ra làm gì.

Còn theo cô giáo Trịnh Thị Hoàng Oanh, giáo viên trường TPPT Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn), tâm lý nhiều phụ huynh ở thành phố bây giờ cho con học Toán, Văn, Anh nên một số môn tự nhiên như Hóa, Sinh rất ít học sinh chọn.

Trách nhiệm của trường đại học

Tiến sĩ Trần Thanh Thu - người đã có thời gian nghiên cứu tại Trường ĐH Brussel - Bỉ, cho hay ngành Công nghệ sinh học là mũi nhọn của thế kỷ 21. Trong những năm tới, hướng phát triển của công nghệ sinh học sẽ đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, hiệu chỉnh gen, y học chuẩn xác.

Giáo viên bộ môn Sinh học lo thất nghiệp vì học sinh không chọn học - 2

Tiến sĩ Trần Thanh Thu phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Doãn Công)

"Công nghệ sinh học rất gần gũi với đời sống con người từ xa xưa. Trong thời kỳ hiện đại, công nghệ sinh học là những kỹ thuật chuyển gen, nuôi cấy mô, công nghệ tế bào, sản xuất thuốc chữa bệnh, chữa ung thư", TS Trần Thanh Thu nói.

Đề cập đến vấn đề hiện nay học sinh THPT đang xa rời môn Sinh học, dẫn đến thiếu hụt sinh viên ngành Công nghệ sinh học, TS Trần Thanh Thu cho rằng ở bậc phổ thông học sinh, phụ huynh đang thiếu kênh thông tin hướng nghiệp và quan trọng là chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh đối với môn học này.

Theo TS. Trần Thanh Thu, trách nhiệm của các trường đại học là đưa thông tin đến với đối tượng hướng nghiệp, phù hợp với từng nhóm học sinh phổ thông, phụ huynh, sinh viên..

"Cần có chiến lược dài hạn và ngắn hạn về cơ sở vật chất dành cho hướng nghiệp chuyên nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp, tính thực tế cao", TS Trần Thanh Thu nêu ý kiến.

Giáo viên bộ môn Sinh học lo thất nghiệp vì học sinh không chọn học - 3

Ứng dụng công nghệ trong phục vụ công tác đào tạo tại Trường ĐH Quang Trung (Ảnh: Doãn Công).

PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Ðiệp, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, khoa Khoa học Tự nhiên, Trường ÐH Quy Nhơn, chia sẻ một thực tế đáng buồn là hiện nay, tỷ lệ đầu vào đối với các ngành liên quan đến sinh học càng ngày càng ít.

Vấn đề hướng nghiệp rất quan trọng ở các trường đại học, tuy nhiên việc định hướng để các em yêu thích môn học này, quan trọng nhất vẫn là các thầy cô giáo "truyền lửa" từ bậc học phổ thông.