Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội:

"Giáo dục trước hết hướng con người sống tử tế"

Nguyễn Liên

(Dân trí) - "Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ; bắt đầu để mỗi trẻ biết thương cha, thương mẹ, biết cảm thông với nỗi nhọc nhằn…".

Đó là những lời tâm sự đầy sâu sắc của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại Lễ Bế giảng năm học và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên năm 2022, tổ chức chiều ngày 10/6.

 Giáo dục trước hết hướng con người sống tử tế - 1

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia vui cùng các học trò ngày ra trường (Ảnh: Nguyễn Liên).

Tự hào về thế hệ sinh viên dám đi và dám đến

Phát biểu tại buổi lễ, GS Minh bày tỏ sự xúc động khi thầy trò đã có thể hội tụ sau những tháng ngày có quá nhiều biến động. "Chúng ta diễm phúc vì rất nhiều người đã ban tặng cho chúng ta sự bình an của cuộc sống. Lúc này, chúng ta càng thấm thía rằng, những ngày bình thường là những ngày đong đầy hạnh phúc. Chúng ta hãy hàm ơn tất cả, vì nhờ họ chúng ta mới có được thế này", GS nói.

Ông cho biết, bản thân không thể giấu tâm trạng mỗi lần mùa hạ đến, dường như có một khoảng trống xâm lấn vào tâm hồn khi phải rời xa học trò.

"Các em đã cho thầy hiểu hơn về tình yêu thương, sự trân trọng, lòng bao dung, sự tha thứ và cả những niềm hi vọng lớn lao. Chính các em đã cho thầy niềm tin để vượt qua những phút chùng lòng, những lúc khắc khoải tận sâu trong trăn trở.

Dẫu biết rằng màu tím của bằng lăng đâu có níu kéo được cái sắc phượng hồng giữa trưa hè rơi tơi tả; lời ước hẹn thuở nào có còn ai nhận ra, hay đã hòa vào trong tiếng ve ran? Và lúc này đây, trong khóe mắt ai đang ngấn lệ, nhưng vui và buồn là cung bậc tuyệt diệu của tâm hồn.  Yêu lấy những giọt nước mắt, yêu lấy những nụ cười để cuộc đời mỗi người thấm đẫm yêu thương, để biết sẻ chia khi lòng người tâm trạng và biết reo ca khi khấp khởi trong lòng", GS Minh chia sẻ.

Ông nhấn mạnh, những ánh mắt của học trò trong giờ phút chia xa mái trường, dù đượm buồn, nhưng hơn cả là hy vọng tràn đầy. Các em sẽ đem yêu thương đi lan tỏa cho đời, khỏa lấp những nỗi đau nhân thế, để mỗi người hy vọng tốt hơn.

"Thầy nhìn thấy một thế hệ sinh viên của thầy dám đi và dám đến; đi qua gian nan và đến với điều dung dị rất người. Thầy nhìn thấy những sinh viên của thầy là những người mang đầy khát vọng và không mảy may toan tính thiệt hơn. Thầy rất mừng vì thầy có được những sinh viên của mình như thế. Thầy tự hào về các em và chúc mừng các em.

Thầy và thầy cô Nhà trường rất yêu quý các em, nhưng chưa làm được nhiều cho các em, có những lúc chưa làm hài lòng các em, thầy thành thật xin lỗi các em", GS bộc bạch.

 Giáo dục trước hết hướng con người sống tử tế - 2

Niềm vui của các tân cử nhân sư phạm (Ảnh: Nguyễn Liên).

Giáo dục, trước hết và trên hết là hướng con người sống tử tế

Theo Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, những học trò của ông - các thầy cô giáo tương lai có bổn phận và trọng trách cao cả của người làm giáo dục.

Ông căn dặn học trò, giáo dục, trước hết và trên hết là hướng con người sống tử tế, sống có trách nhiệm, sống bằng tình yêu thương, bằng bao dung và độ lượng. Tiếp đến là hướng họ đến sự trung thực, bản lĩnh và dám chinh phục những điều mới lạ; và cuối cùng là họ dám dấn thân để hành động thông minh góp sức xây đời.

Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ; phải bắt đầu để mỗi trẻ biết thương cha, thương mẹ, biết cảm thông với nỗi nhọc nhằn, biết bưng bát cơm là chắt chiu từng hạt, biết hỏi han khi mẹ cha trái gió, trở trời.

Giáo dục để trẻ đến với nhau bằng tình thương trang lứa, để mỗi em thơ không mặc cảm giàu nghèo. Cái cao cả của một nền giáo dục không phải chỉ tạo ra các chuyên gia thật giỏi giang, mà thành công trước tiên là tạo ra những con người ứng xử văn minh và có tấm lòng rộng lượng.

Giáo dục để mỗi trẻ biết yêu thương đồng chua nước mặn, biết quý dải cát trắng trải dài, biết thương vách đá cheo leo và biết ơn đến từng nắm đất. Giáo dục để mỗi trẻ biết một thời đau thương đất nước, biết thương non sông này đã mấy bận chia đôi; biết ơn hàng triệu người đã hòa vào lòng đất để bình yên có được hôm nay.

Giáo dục để sông Gianh và dòng sông Bến Hải với những nhịp cầu nối trọn lòng người; đừng bao giờ có 20 năm đợi chờ đằng đẵng, đừng cách một dòng sông mà mất ngần ấy thời gian. Giáo dục để nhắc cho họ nhớ rằng, ngoài đảo xa có những ngôi mộ gió, trên núi non cao bao thế hệ hòa vào núi vào rừng, và trên kỳ đài cờ tung bay phấp phới, nhưng đường đến kỳ đài là biết mấy máu xương, để họ dám xả thân khi Tổ quốc cần họ, để trường tồn mãi mãi Việt Nam. Khi mỗi người biết yêu thương, tự nhiên trong họ sẽ sinh ra trách nhiệm.

Giáo dục để mỗi trẻ không hề sợ hãi, cả núi cao và vực thẳm hiểm nguy, giúp họ biết cách để vượt qua ghềnh thác, dù gian nan nhưng chí không sờn. Giáo dục để mỗi trẻ lớn lên trong yêu thương và trân quý hòa bình, đừng gieo vào các em lòng thù hận mà hãy dạy cho các em đức tính khoan dung. Cố làm sao để mỗi trẻ lớn lên lấy yêu thương và tha thứ làm đầu.

Giáo dục để trẻ lớn lên trong thôi thúc và khát vọng, để rồi trong tâm trí họ luôn đau đáu câu hỏi lớn cho đời. Cũng là một dân tộc, cũng là một đất nước, sao người Ixrael họ vươn lên trên đồng đất cỗi cằn nắng hạn, sao người Nhật trong hoang tàn của chiến cuộc lại đi lên một cách quá đỗi diệu kỳ?

Giáo dục để trẻ biết nhìn trời cao xanh vời vợi, đêm nhìn sao trời và mơ ước bay lên; giáo dục để trẻ đứng hiên ngang trên bờ biển rộng mơ những con tàu đến bến bờ xa… Khát vọng lớn có ngọn nguồn từ trăn trở lớn, nhưng trăn trở nào hơn trăn trở nước non mình.

 Giáo dục trước hết hướng con người sống tử tế - 3

GS.TS Nguyễn Văn Minh trao bằng tới các tân cử nhân (Ảnh: Nguyễn Liên).

Giáo viên không thể dạy học sinh trung thực khi chính mình không dám đối diện với sự thật

GS Minh nhắc nhở các em sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận bằng Cử nhân hôm nay hãy là những người khiêm tốn. "Mình không phải là thần tượng và đừng tự biến mình thành thần tượng. Mình phải là hiện thân của sự bình thường, có đúng, có sai và khi lỗi lầm thì nhận ra để sửa. Chúng ta không thể dạy học sinh can đảm và trung thực khi chính mình không dám đối diện với sự thật. Đừng đem cái hiểu biết hữu hạn của mình để giới hạn cái vô hạn trong trí tưởng của trẻ thơ", ông nói.

GS khuyên các em hãy dành một khoảng thời gian nào đó để đến với miền biên viễn, nơi phên dậu của Tổ quốc, đến với Bạch Đằng giang để nghe hồn thiêng sông núi, đến với Ải Chi Lăng để thấm ngọn nguồn của hào khí Đông A; đến với Trường Sơn hùng vỹ, đến với vùng sông nước miền Tây, đến với Củ Chi đất thép, đến với Vị Xuyên vách đá tai mèo, đến với Thành cổ Quảng Trị một thời bom đạn… Hãy đi và hãy đến, để thay đổi chính mình.

Các em cần đến để chứng kiến những gian nan của bà con nơi này, của những trẻ đến trường trong thiếu thốn đủ bề; chứng kiến những bìa rừng thưa dần cây cối, những mảnh vườn cỏ dại um tùm; chứng kiến những trẻ thơ ngủ trên vỉa hè của Sapa giá buốt để động lòng trắc ẩn khách qua đường.

"Chẳng nhẽ ta cứ bình yên dập dìu trong phố thị, có phải ngoài kia đang chờ ý nghĩa cuộc đời ta? Khi sống cùng với những người yếu thế, hiểu họ hơn thì mới thôi thúc lòng mình. Chúng ta đang sống trong thời đại tiến bộ của công nghệ, nhưng có phải ai cũng có máy tính, có điện thoại thông minh, vùng đất nào cũng có sóng wifi đủ mạnh, thế nên nếu chỉ có ngồi đây rồi ta sẽ lạc loài", ông chia sẻ.

Theo GS Minh, khi ra với đời, các em sẽ còn không ít nỗi lo. Các em đừng không nên cha trách mẹ: vì họ vẫn nghèo nên ta khổ đến giờ. "Một câu nguyện giữa đất trời chỉ trấn an cho mình trong phút chốc, an yên phải tự lòng ta. Biết nghèo, biết khổ của mình và cả người khác mà không gắng sức hơn thì thật đáng trách", GS nói.

Ông cũng nhấn mạnh, trăn trở với con người, với quê hương đất nước sẽ thôi thúc ý chí và hành động chân chính của mỗi người, nhưng đừng để trăn trở khiến ta bi lụy. Các em hãy đem sức trẻ, đem niềm vui và gieo khát vọng cho mỗi trẻ thơ. Hãy dám thử sức với cuộc đời, những gì tốt hơn sẽ đến.

"Tuổi trẻ với sức sống căng tràn, với khát vọng tinh khôi, với tấm lòng rộng mở, đẹp và trong trẻo đến vô ngần, hãy đến với những nơi cần các em. Nơi đó sẽ bắt đầu những tình yêu thương chẳng dễ dàng có được, nơi đó có những trẻ thơ ngơ ngác buổi ban đầu, có những bà con chất phác và hiền khô như đất… hãy đến để nuôi dưỡng tình yêu thương. Khi lòng người đẹp thì hành động sẽ cao sang. Hãy trân quý và bồi đắp những tâm hồn trong sáng trước khi khai mở bộ óc thông minh cho trẻ", Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội xúc động nói.

 Giáo dục trước hết hướng con người sống tử tế - 4

Các nữ giáo viên tương lai (Ảnh: Nguyễn Liên).

Nếu vì tiền bạc mà đánh mất lòng tự trọng thì không nên chọn làm nhà giáo

GS.TS Nguyễn Văn Minh tâm sự, cuộc đời không bình yên như các em từng nghĩ. Phía bình minh cũng có lúc là nơi bão tố bắt đầu. Ông tin rằng, những gì chắt lọc từ mái trường Sư phạm, từ trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp các em đứng vững trước cuộc đời và rồi can đảm đi lên. Ông nhắc lại rằng, yêu thương và bao dung, tha thứ sẽ cảm hóa dần những bất cập cuộc đời; không đố kỵ và khắc ghi lỗi lầm người khác sẽ cho ta thanh thản cả tâm hồn.

Nhiều người trong số các Cử nhân tốt nghiệp hôm nay sẽ trở thành nhà giáo. GS Minh căn dặn, giữa khát vọng, giữa đam mê và cuộc sống thực sẽ có lúc không đồng điệu, dung hòa. Các em đang ở giữa yêu cầu của thời đại, của đất nước, giữa đòi hỏi của phụ huynh, giữa mong muốn của học sinh, để làm tốt bổn phận của mình không hề dễ. Các em đang ở giữa những biến động của thời cuộc, giữa những giá trị có lúc bị xê dịch nên những ai không đủ can đảm và bản lĩnh thì rất khó thực hiện tốt trọng trách cao quý của mình.

"Nếu mục đích tối thượng chỉ là tiền bạc thì nghề dạy học sẽ không thỏa mãn cho bạn, nên tìm việc khác phù hợp hơn; và nếu chỉ vì điều đó mà đánh mất lòng tự trọng thì không nên chọn làm nhà giáo. Hãy đủ tỉnh táo để có một quan niệm về ý nghĩa của cuộc đời và công việc một cách dung hòa", GS nói.

Theo ông, bằng nhiều cách khác nhau, các em hãy nhắn nhủ với phụ huynh học sinh: trước khi dạy con họ trở thành thiên tài, hãy cùng nhau giáo dục để con họ trở thành người tử tế. Nói với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái họ phải thực hiện ước mơ dang dở của họ mà hãy để cho trẻ thỏa mãn ước mơ của chúng.

Bằng nhiều cách khác nhau, các em hãy giúp trẻ nói thật, dám nói thật, dù đó là lỗi lầm, là sai trái. Chỉ dám nói thật thì người ta mới dám nhận lỗi và sửa lỗi, để rồi các trẻ đó sẽ trở thành người dám bảo vệ sự thật. Hãy đem thế giới bao la về với trẻ thơ. Đừng chỉ vì cái đói, cái nghèo, cái túng thiếu mà đành lòng nhốt tâm hồn và trí tưởng của trẻ trong góc lều chật hẹp, cố làm sao trong mỗi trẻ thơ có cho mình bầu trời mơ ước.

Bên cạnh đó, đến với trẻ bằng sự chân thành, bằng tình yêu thương, bằng sự tinh tế để cảm hóa và nâng niu trẻ, khiến cho dù hoàn cảnh nào thì trẻ không phải tự ti, mặc cảm mà cố gắng vươn lên. Tập cho trẻ đi từ đường làng, ngõ phố ra với đường cái nhộn nhịp còi xe, để trẻ dần dà tự đi trên chính đôi chân của mình để mai ngày dám đến nơi xa.

 Giáo dục trước hết hướng con người sống tử tế - 5

Mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ là khung trời kỷ niệm của nhiều thầy cô giáo (Ảnh: Nguyễn Liên).

"Khi trong tâm không bình yên thì không bao giờ các em chăm chú đọc sách được. Khi lòng người bão tố thì không thể giấu được trong ánh mắt học trò. Hãy tạo sự bình yên và đem bình yên đến với trẻ", GS Minh chia sẻ.

GS Minh cho hay, mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ là khung trời kỷ niệm của các em, nơi một thời thanh xuân gửi lại, nhưng ký ức thì mãi mãi mang theo. Có những niềm vui, có những nỗi buồn, có những điều trăn trở, có những điều chưa gọi thành tên… nhưng tất cả sẽ nuôi dưỡng tâm hồn các em, để mơ sống đẹp với trọn vẹn yêu thương.

Mái trường cũng sẽ là nơi bắt đầu cho những bước chân xa, bắt đầu cho một hành trình mới, cho những ý nghĩa tốt đẹp nhất của cuộc đời. Ngày mai, sẽ không chỉ dành riêng cho những giấc mơ hoa, cho những điều dệt thêu trong mộng tưởng, mà các em ra với cuộc sống muôn màu, ra với háo hức, với lo lắng, với trăn trở. Nhưng có mưa, có nắng thì cây mới đơm hoa kết trái, có gió bão thì cây mới biết mình có gốc bền, rễ chặt, vững chãi hay không.

"Phía trước các em là bầu trời, có bình minh, có hoàng hôn, có sắc cầu vồng và có những ngày giông bão, nhưng mặt đất này luôn có con người để yêu thương, hãy luôn nhớ lấy, đó là bầu trời, là nguyện ước cuộc đời chúng ta..

Thầy trò chúng ta đến với nhau từ tình yêu thương trân quý, từ giá trị cao quý của người thầy và chúng ta nguyện dành cả tương lai cho nó và sẵn sang chấp nhận khó khăn. Giờ đây, các em mang tình yêu thương để dâng hiến cho đời. Cùng với tình yêu thương là phẩm giá, là trí tuệ, thầy tin các em sẽ góp sức xoay chuyển cuộc đời.

Dù mai này đi đâu, hãy nhớ lấy nơi này, nơi bắt đầu cho tất cả. Bầu máu nóng trong tim, đầu óc thông minh và tỉnh táo, khát vọng đang dâng trào; hãy đi, đi đến khoảng trời rộng hơn, đi để tạo nên ý nghĩa cuộc đời", ông nói.

Ngày 10/6, có tổng số trên 2.800 sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội được trao bằng Cử nhân, công nhận tốt nghiệp.

Trong đó, năm học 2021-2022 có 1.318 em, gồm 192 em xếp loại xuất sắc, 665 em xếp loại giỏi; năm học 2020-2021 có 1.522 sinh viên, gồm 170 em xếp loại xuất sắc, 675 em xếp loại giỏi (năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sinh viên tốt nghiệp chưa được tổ chức buổi lễ bế giảng).