Giáo dục đạo đức cho HS-SV: “Khoảng trống” trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

(Dân trí) - Tại hội thảo "Nhà trường, gia đình và xã hội với giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay" vừa diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đã nêu ra một số "khoảng trống" trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, trước khi đến với nhà trường, trẻ em đều ảnh hưởng bởi giá trị truyền thống đạo đức hình thành trong gia đình. Khi đến trường, các em sẽ được đặt trong môi trường giáo dục có hệ thống, có mục tiêu,…

“Rất nhiều gia đình khi cho con em đến học tập ở trường, nhưng lại chưa chuẩn bị sẵn sàng sự phối hợp để hòa nhập mục tiêu giáo dục của trường. Hay nói cách khác, có tồn tại mục tiêu giáo dục gia đình đang không đồng nhất với mục tiêu của nhà trường, một bộ phận gia đình chưa lĩnh hội được mục tiêu, phương pháp giáo dục của nhà trường đối với con em mình”, bà Thơ nói.

Giáo dục đạo đức cho HS-SV: “Khoảng trống” trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường - 1

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, có nhiều "khoảng trống" trong sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục các em học sinh.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, qua nghiên cứu hơn 8.000 mẫu (phiếu thăm dò, đánh giá-PV) tại 10 trường ở Hà Nội và Hải Phòng cho thấy, trong khi mục tiêu nhà trường giáo dục con người trọng tâm vào kiến thức, kỹ năng, thái độ thì một bộ phận không nhỏ gia đình đang “chấp chới” giữa 2 mục tiêu, một là thành tích học tập và hai là không có mục tiêu gì cả.

“Nhiều phụ huynh đang không hiểu rõ việc giáo dục của gia đình quan trọng như thế nào. Khi được hỏi thì hầu hết đều trả lời “trăm sự nhờ các thầy các cô”. Tuy nhiên, có trường hợp cho rằng nhà trường dạy người trước khi dạy chữ, nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi ngược lại là dạy người được đo lường như thế nào thì hầu hết phụ huynh không trả lời được”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu thực trạng.

Trong khi đó, mặc dù các trường học rất quan tâm đến giáo dục đạo đức cho học sinh, tuy nhiên trong đánh giá đo lường cũng như biện pháp thì lại xem nhẹ được thể hiện ở nhiều tiêu chí.

“Trong việc lượng hóa kết quả học tập của học sinh, chỉ quan tâm thành tích học tập, một luật bất thành văn đó là rất nhiều giáo viên dựa vào kết quả học tập của học sinh mà đánh giá sang hạnh kiểm của học sinh. Nói đơn giản là nếu học sinh có học lực giỏi thì các em sẽ được hạnh kiểm khá trở lên, nhưng nhiều em có học lực giỏi thì chưa chắc là người tu dưỡng, có hạnh kiểm tốt”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu một tiêu chí.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ phát biểu về giáo dục đạo đức HS-SV

PGS.TS Chu Cẩm Thơ viện dẫn, như ở Nhật Bản việc giáo dục đạo đức được cụ thể hóa 3 vấn đề mà chúng ta có thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay. Đó là các tài liệu hướng dẫn cha mẹ học sinh nhận biết được chuẩn mực đạo đức, cũng như thể hiện bên ngoài hành vi của các em như thế nào.

Họ thực hiện giờ giáo dục mở với sự tham gia của gia đình, tổ chức xã hội, địa phương, tạo ra hệ sinh thái rất tốt. Khi các tổ chức xã hội và gia đình hiểu được ở lớp các em đang học thế nào, ở nhà cần phải làm gì để tạo môi trường giáo dục tốt nhất.

“Cái nữa là họ có chế tài rất khắt khe đối với vai trò của cha cha mẹ trong giáo dục các con. Việc này ở Việt Nam có quy định trong luật trẻ em, tuy nhiên chúng ta chỉ thực hiện việc chế tài này khi xảy ra vấn đề phạm tội, chứ chưa dự phòng được dấu hiệu chuẩn bị như thế nào”, bà Thơ nêu ý kiến.

Trước những "khoảng trống" trong giáo dục đạo đức công dân cho HS-SV được nêu ra, PGS.TS Chu Cẩm Thơ đề xuất, trong thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục của gia đình trong giáo dục của trường; hướng phụ huynh trong việc giáo dục HS-SV, trong đó Tiểu học tập trung giáo dục nề nếp và kỷ luật, còn Trung học cơ sở tập trung hành vi thích ứng và chịu trách nhiệm xã hội.

“Nhà trường cần tổ chức các hoạt động mở để tất cả phụ huynh và các tổ chức xã hội được tham gia học những bài học mẫu, được phản biện và xây dựng mục tiêu giáo dục của họ”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.

Còn TS. Trần Thanh Pôn (nguyên cán bộ Viện khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, có một tiêu chí trước đây gọi là “điển hình tiên tiến” để giáo dục đạo đức có thể đã xa xưa, nhưng vẫn còn đúng bất kỳ ở thời gian nào, đó là làm gương.

“Cha mẹ, thầy cô giáo, xã hội phải làm gương và lấy cái gương đó để dẫn dắt các em nhỏ cho đến lớn sống theo phẩm chất, lẽ phải của con người. Còn nếu gia đình, xã hội, thầy cô giáo sai thì rõ ràng không giáo dục được đạo đức cho các em”, TS. Pôn nhấn mạnh.

Huỳnh Hải