Giáo dục công dân toàn cầu từ bậc… mầm non

Nguyên Chi

(Dân trí) - Ở Phần Lan, các trường giáo dục công dân toàn cầu từ bậc mầm non. Không dạy riêng thành một môn học, các trường dạy học sinh các tiêu chuẩn để hội nhập quốc tế: kỹ năng ứng xử, lắng nghe, tranh luận…

Thông tin trên là nội dung trích từ nghiên cứu của tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) được nghiên cứu sinh Lê Thị Thanh Tịnh (Đại học Leiden, Hà Lan) - thành viên AVSE Global chia sẻ tại nhóm thảo luận chuyên đề 2 (Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước) vào chiều ngày 21/11.

Phiên thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ ba với chủ đề “Việt Nam 2045” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trong hai ngày 21 và 22/11 tại TPHCM. 

Tại Diễn đàn, các đại biểu tham gia đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước đưa Việt Nam đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vào năm 2045 - cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Trong chiều 21/11, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh 4 nhóm chủ đề: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; vai trò của khoa học - công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước; vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045.

Giáo dục công dân toàn cầu từ bậc… mầm non - 1

Nhóm thảo luận chuyên đề 2 (Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước) chiều ngày 21/11.

Nhóm thảo luận chuyên đề 2 về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam có 44 đại biểu thì có tới 36 tham luận, trong đó có 8 bài tham luận được lựa chọn trình bày.

8 bài tham luận này đã nêu bật được ba khía cạnh của nhóm thảo luận đó là phát huy giá trị văn hóa; phát triển con người; vai trò của con người và văn hóa. Mỗi tham luận được các đại biểu trình bày súc tích trong thời gian 10 phút đã thu hút sự chú ý của đông đảo người nghe, trong đó có các tham luận như Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay (do Thạc sĩ Lưu Diễm Trang - Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng trình bày); Giáo dục công dân toàn cầu - Xu hướng tiếp cận và kinh nghiệm quốc tế (nghiên cứu sinh Lê Thị Thanh Tịnh - Đại học Leiden, Hà Lan); Giáo dục kỹ năng thanh niên thời kỳ hội nhập trong môi trường giáo dục THPT (Thạc sĩ Lưu Thu Liên - Trường THP Nguyễn Trãi, Hải Dương); Quyền văn hóa và vai trò của nó đối với mục tiêu phát triển bền vững (Thạc sĩ Lê Quỳnh Mai - khoa Luật, Học viện An ninh Nhân dân)…

Mỗi tham luận được các đại biểu là những người có nghiên cứu sâu và đang trực tiếp làm việc trong các chủ đề mà họ trình bày nên đã cung cấp cho người nghe những kiến thức giá trị mà cô đọng: Đó có thể là thông tin thú vị liên quan đến văn hóa về đồng bào dân tộc thiểu số (kinh lá buông của người Khmer); đó có thể là những nội dung hiện đang được xã hội quan tâm (giáo dục công dân toàn cầu, giáo dục kỹ năng thời kỳ hội nhập cho học sinh THPT); đó thậm chí là những khía cạnh mà không phải ai cũng từng nghe nói đến và hiểu đó là gì (quyền văn hóa)…

Giáo dục công dân toàn cầu từ bậc… mầm non - 2

Nghiên cứu sinh Lê Thị Thanh Tịnh (Đại học Leiden, Hà Lan) trình bày tham luận chiều 21/11.

Sau phần trình bày của tám diễn giả, nhóm thảo luận chuyên đề 2 đã dành thời gian để các diễn giả giải đáp các câu hỏi mà người nghe gửi đến. Đây chính là cơ hội để cả diễn giả và người nghe làm vỡ vạc thêm những khúc mắc mà trong thời gian trình bày 10 phút chưa làm rõ hết.

Trong vai trò là đồng chủ trì nhóm thảo luận, nghiên cứu sinh Hoàng Anh Đức (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia) cũng cung cấp nhiều kiến thức liên quan đến nội dung trình bày trong các tham luận, nhờ đó mà phiên thảo luận hết sức sôi nổi và hiệu quả.

Kết quả thảo luận của nhóm 2 nói riêng và 4 nhóm nói chung sẽ được báo cáo trong phiên bế mạc Diễn đàn ngày 22/11, đồng thời các nhóm sẽ đưa ra các kiến nghị cho Diễn đàn.