DMagazine

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19?

(Dân trí) - Hai năm dịch Covid-19, ngành Giáo dục trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Hàng triệu học sinh "trường kì" học online. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non phá sản, giáo viên vật lộn làm thêm kiếm sống.

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 1

Đánh giá về những tác động của dịch bệnh với ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập đến những khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục trong suốt 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, toàn ngành đã nỗ lực thích ứng, chuyển đổi để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Tại Hội thảo trực tuyến về tổ chức dạy học trực tiếp an toàn chống dịch, do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia Y tế cho rằng, không thể chờ đợi thêm nữa, đây là thời điểm phù hợp để đưa trẻ em trở lại trường học.

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 2

Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi (Ảnh: Mỹ Hà).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, ông ủng hộ việc mở cửa trường học trở lại bởi chúng ta đã có tỷ lệ bao phủ vaccine 2 mũi gần 100%. 

Trẻ em 12-17 tuổi cũng được bao phủ vaccine và sắp tới chuẩn bị tiêm cho đối tượng trẻ em từ 5-11 tuổi.  Về phía Bộ Y tế, sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT để ban hành các nội dung an toàn cho học sinh khi trở lại trường. 

GS, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng khẳng định, hiện nhiều người đặt câu hỏi: "Bao giờ mới an toàn trở lại"?

Chuyên gia này cho rằng, câu hỏi này hoàn toàn có lý nhưng thực tế hiện nay, chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất chứ không phải an toàn tuyệt đối.

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 3

Vì dịch Covid-19, học sinh nhiều nơi không chỉ khai giảng trực tuyến mà còn phải chào cờ trong lớp- điều chưa từng xảy ra trước đây (Ảnh: Toàn Vũ).

Do đó, ông khẳng định, đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại. "Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi", GS Trí nói.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, điều đặc biệt nhất trong lịch sử là năm học 2021- 2022, hàng triệu học sinh trên cả nước không thể đến trường dự lễ khai giảng năm học mới mà chỉ được nghe tiếng trống khai trường qua sóng truyền hình hay máy tính.

Sau lễ khai giảng đặc biệt chưa từng có, hàng triệu học sinh trên cả nước cũng bắt đầu năm học theo một cách đặc biệt: học trực tuyến.

Dự kiến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tổng số học sinh trong cả nước sẽ trở lại trường học khoảng 17 triệu em, chiếm hơn 75%.

Đây là niềm mong mỏi của hàng triệu phụ huynh, học sinh, giáo viên. Thế nhưng mấy ai biết được, để đạt được điều này, thời gian qua các địa phương đã phải "cân não" tính toán từng bước sao cho học sinh đến trường nhưng vẫn đảm bảo an toàn chống dịch.

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 4

 Đầu tháng 12/2021, sau 7 tháng sân trường vắng tiếng cười và hình bóng của học sinh, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, từng bước tính toán để các em quay trở lại trường- việc tưởng chừng rất đỗi bình thường trước đây.

Ngay sau khi TP Hà Nội có quyết định cho học sinh một số khối lớp trên địa bàn trở lại trường, một số ca F0 tiếp tục tăng nhanh, trước nỗi lo lắng của phụ huynh học sinh, ngay phút chót, nhiều trường THPT trên địa bàn phải hoãn tới trường trong tiếc nuối.

Chúng tôi nhớ rất rõ câu chuyện mà thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội chia sẻ trước khi có quyết định "cân não" giữa việc đi học trực tiếp hay tiếp tục trực tuyến. Thầy Khang chia sẻ, đã 7 tháng trôi qua trường học vắng bóng dáng và tiếng cười của học sinh. Những dãy ghế, phòng học trống trơn là điều người có thâm niên gần 50 năm trong nghề giáo như ông khó có thể quen.

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 5

Thầy Nguyễn Xuân Khang đón học sinh trong ngày đầu trở lại trường ở mùa Covid-19 trước đây (Ảnh: Toàn Vũ).

Do đó, ông rất mong mỏi ngày được mở cổng trường để chào đón học trò. Tuy nhiên, nỗi mừng vừa nhen nhóm nỗi lo đã xuất hiện khi các ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội tăng mạnh, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo ngại tới giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng.

"Khi thành phố Hà Nội có quyết định cho trường mở cửa trở lại, thầy trò đã mừng khôn xiết. Nhưng khi nghe tâm sự của cha mẹ học sinh, họ còn băn khoăn, lo lắng, người đứng đầu trường học đành phải viết những dòng thông báo khẩn: Học sinh dừng đến trường. Khi viết xong những điều trái với mong muốn, khát khao của mình tôi gục đầu trên bàn… khóc nức nở", thầy Khang nói.

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 6

Chia sẻ với PV Dân trí, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng tạo một số cơ hội phát triển nhất định. Chẳng hạn qua đợt dịch vừa qua cho thấy, giáo viên tiếp cận mạnh mẽ với công nghệ thông tin và chuyển đổi số thành công.

Từ những giáo viên lớn tuổi, chưa từng quen thuộc với máy tính nhưng bây giờ có thể tiếp cận máy móc để dạy trực tuyến hàng ngày. Từ những trang giáo án dài tràng giang đại hải để dạy kiểu đọc chép, bây giờ giáo viên phải soạn giáo án ngắn hơn, nhiều hình ảnh hơn, sao cho truyền đạt nhanh nhất kiến thức tới học sinh để giúp các em rút ngắn thời gian ngồi trên máy.

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 7

Đợt dịch vừa qua cho thấy, giáo viên tiếp cận mạnh mẽ với công nghệ thông tin và chuyển đổi số thành công (Ảnh: Mỹ Hà).

Thế nhưng cũng từ dịch Covid-19 và việc học trực tuyến mới thấy, hiện hàng triệu học sinh khó khăn hiện đang thiếu nghiêm trọng các thiết bị học tập online. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, qua khảo sát ở các địa phương cho thấy, ước tính có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá, việc triển khai học tập trực tuyến do đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Mặc dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, internet. Tuy nhiên, hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.  

Trước thực tế đó, Chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp với Bộ GD-ĐT phát động, nhằm kêu gọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ học sinh, đặc biệt những em đang ở vùng dịch, không có điều kiện học tập trực tuyến. "Sóng và máy tính cho em" đã trao được nhiều máy móc đến tay học sinh khó khăn và theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc này sẽ hạn chế bớt sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới ngành giáo dục, hạn chế khó khăn cho các em học sinh, nhằm hỗ trợ các em, giúp bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 8

 Trong khi các cấp học khác vẫn học trực tuyến, giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp. Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ.  

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thiếu kinh phí để chi trả cho giáo viên, nhân viên và duy trì hoạt động; một số cơ sở có nguy cơ bị đóng cửa. Nhiều giáo viên mầm non bị mất việc làm, gặp nhiều khó khăn, phải làm đủ ngành nghề như bán hàng online, làm photocopy, giúp việc nhà…

Mới đây, hàng trăm trường mầm non dân lập, tư thục tại TP Hồ Chí Minh đã gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ về những tác động của dịch Covid-19 trong hai năm qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao vấn đề này cho Bộ GD-ĐT đưa ra các giải pháp và chính sách để hỗ trợ các trường mầm non, thư thục trong đại dịch và hậu Covid-19.  

Giáo dục biến đổi thế nào vì đại dịch Covid-19? - 9

 Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gần đây nhất, một đại biểu Quốc Hội cho rằng, dịch Covid-19 khiến chúng ta vỡ lẽ ra một điều: Ngành Giáo dục chưa có chiến lược lâu dài để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp. Do vậy, khi có tình huống dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, nhiều nơi loay hoay không biết xử lý ra sao, chất lượng học trực tuyến và thi cử thế nào…

Cũng với góc nhìn trên, chia sẻ với PV Dân trí, ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, bài toán giáo dục luôn đau đầu nhất và những nhà lãnh đạo ngành Giáo dục phải quyết tâm hơn nữa để tập trung cho các nhiệm vụ dài hơi.

Về điều này, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, qua dịch bệnh cho thấy, còn nhiều việc ngành Giáo dục cần phải làm tốt hơn. Đó là phải tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung các chế độ chính sách. Khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp của cả hệ thống cần phải làm tốt hơn nữa. Trong việc ban hành chính sách cần quan tâm đến tính đặc thù vùng miền, để sát thực hơn với thực tiễn. Hạ tầng của ngành Giáo dục cần phải được tăng cường. Kỹ năng của đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh, đặc biệt là năng lực tự học của học sinh cần phải được quan tâm nhiều hơn…

Từ giai đoạn ứng phó tạm thời như hiện nay, về lâu dài, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số sẽ là một trong những đột phá chiến lược của ngành. Ngay sau dịch bệnh, Bộ GD-ĐT sẽ có đánh giá sâu hơn, pháp chế hóa một số văn bản mang tính chất tạm thời. Đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng kho học liệu đủ lớn để việc dạy học trực tuyến đảm bảo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm tới nguồn lực con người cho chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Thiết kế: Nam Tran