Giảng viên sáng tạo thiết bị dạy cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy

Quang Trường

(Dân trí) - Mô hình mô phỏng hệ thống cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy lần đầu tiên được ra đời phục vụ nhu cầu thực hành của sinh viên nhóm nghề đi biển.

Nhóm tác giả là các giảng viên, cũng là những người đã gắn bó với nghề đi biển hàng chục năm nay.

Vừa qua, tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7 năm 2022, Mô hình mô phỏng hệ thống cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy đã được xướng tên trên sân khấu Lễ bế mạc với giải Nhất.

Thiết bị đào tạo tự làm này của nhóm giảng viên đến từ Trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng. Đây cũng là những chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa các thiết bị trên tàu biển.

Đào tạo để mỗi thuyền viên là một chiến sĩ cứu hỏa

Theo thầy Phạm Minh Cường - Chủ nhiệm khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng, một trong những thành viên của nhóm tác giả, ý tưởng chế tạo mô hình này xuất phát từ nhu cầu giảng dạy của giảng viên, thực hành của sinh viên.

An toàn trên tàu thủy, nhất là cứu sinh, cứu hỏa là những vấn đề sống còn đối với mỗi thuyền viên. Con tàu hoạt động trên biển độc lập hoàn toàn. Khi xảy ra sự cố, các thuyền viên phải tự cứu lấy tính mạng và tài sản của mình.

Do đó, người học cần được học qua mô hình với những thiết bị giống trên con tàu thật. Khi xuống tàu, các em có thể nhanh chóng vận hành, tìm ra và khắc phục các sự cố một cách an toàn nhất.

Thiết bị này được chế tạo để dự thi, nhưng mục đích chính là để nhà trường có công cụ dạy học sát với thực tiễn.

Giảng viên sáng tạo thiết bị dạy cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy - 1
Các giảng viên (từ trái qua phải) Mai Ngọc Phong, Phạm Minh Cường, Nghiêm Hữu Khoa cùng một số giảng viên khác là tác giả của đề tài (Ảnh: Quang Trường).

Thầy Mai Ngọc Phong - thành viên của nhóm tác giả cho biết, mô hình này bao gồm mọi chi tiết giống trên con tàu thật, các sự cố và hệ thống thiết bị cứu sinh, cứu hỏa được mô phỏng tương tự tình huống thực tế.

Mô hình con tàu được làm bằng chất liệu mica có thể thả trên nước, người học quan sát được các hiện tượng bên trong.

Một số hệ thống báo cháy trên thị trường và trên các tàu nhỏ chỉ dùng mắt cảm biến cháy thông thường. Còn ở mô hình này, hệ thống báo cháy được kết hợp giữa cảm biến báo cháy địa chỉ với một bộ điều khiển lập trình (PLC) và màn hình giám sát, điều khiển (HMI) giúp thông báo cụ thể vị trí xảy ra cháy, thay vì chỉ thông báo khu vực cháy.

Do đó, mô hình này như một phiên bản thu nhỏ của các tàu biển lớn, hiện đại giúp người học làm quen với cấu trúc, nguyên lý hoạt động của một con tàu thật. Nó có thể giả lập các sự cố trên tàu, đơn cử như hiện tượng cháy.

Các hệ thống báo động, bình cứu hỏa, vòi rồng, hệ thống cứu hỏa bằng CO2 được trang bị đầy đủ. Là mô hình nhưng được các giảng viên chế tạo bám sát quy phạm đăng kiểm của Việt Nam và quốc tế.

Thầy Phong cho biết, những thiết bị, vật liệu để làm ra mô hình có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, đó là vật liệu để chế tạo ra con tàu thật, rất lớn. Nhóm tác giả phải gia công sao cho vật liệu nhỏ lại nhưng vẫn đảm bảo được tỷ lệ, nguyên lý hoạt động của mô hình. Đa số thiết bị đều được mua mới, khả năng tận dụng đồ cũ là không nhiều.

Công đoạn khó khăn nhất là tạo hình con tàu. Vì làm bằng chất liệu mica, khi gia nhiệt nóng thì có thể uốn, giữ được hình thù của con tàu. Nhưng khi nhiệt độ thay đổi thì con tàu bị biến dạng. Nhiều bộ phận đã làm xong nhưng khi lên tuyến hình lại không được chính xác, nhóm phải tháo ra làm lại nhiều lần.

Việc thu nhỏ tỷ lệ các chi tiết so với con tàu thật làm khó các giảng viên. Nhóm phải mang các khối trục rất nhỏ tìm đến thợ tiện nhưng họ đều bó tay vì không thể tiện một chi tiết nhỏ như vậy, nếu tiện thành công thì giá thành cũng rất cao. Nhóm tác giả đành quay về tự gia công bằng cách kẹp chi tiết vào máy khoan, dũa bằng tay.

Giảng viên sáng tạo thiết bị dạy cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy - 2
Thầy Cường hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành (Ảnh: Quang Trường).

Mô hình được hoàn thiện sau khoảng 5 tháng. Đó là quãng thời gian các giảng viên trong khoa chia nhau mỗi người mỗi việc, tranh thủ làm sau giờ dạy, các buổi tối và cuối tuần.

Tổng chi phí để làm ra mô hình này khoảng 85 triệu đồng, phần lớn số tiền được đầu tư để mua vật liệu, không tính công làm. Trong khi đó, một mô hình tàu thủy chưa trang bị hệ thống thiết bị gì đã có giá từ 65-70 triệu đồng trên thị trường.

"Vì có thể tự chế tạo, chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hơn nữa, nếu mua thiết bị có sẵn trên thị trường thì không thể đáp ứng đầy đủ ý tưởng, mục đích giảng dạy và thực hành của thầy và trò.

Chúng tôi làm nghề lâu năm, nắm được những chi tiết và nguyên lý vận hành của con tàu, các quy phạm đăng kiểm, biết được sinh viên cần học gì. Chúng tôi dựa vào đó để chế tạo thành mô hình phục vụ tối đa cho việc dạy và học", thầy Phong nói.

Giảng viên sáng tạo thiết bị dạy cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy - 3
Một tình huống cháy trên con tàu được giả lập (Ảnh: Quang Trường).

Trước Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm nay, mô hình này đã được nhà trường dự thi ở cấp thành phố. Lần đó, do không có đủ thời gian chế tạo, mô hình mới chỉ tập trung vào phần cứu hỏa chứ chưa hoàn thiện thiết bị cứu sinh. Kết quả là nhóm tác giả chỉ giành giải Nhì.

Mô hình đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh viên thực hành

Theo thầy Phạm Minh Cường, ngoài những thiết bị dạy học sẵn có trên thị trường, giảng viên còn phải liên tục sáng tạo ra những thiết bị thực tế khác. Mục đích là nâng cao trình độ của giảng viên, sinh viên được vận hành, khai thác trên các thiết bị mô phỏng. Quan trọng hơn, thiết bị mô phỏng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người học khi thực hành. Nếu thực hành trên con tàu thật, trong những tình huống như hỏa hoạn thì rất nguy hiểm cho các em.

Giảng viên sáng tạo thiết bị dạy cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy - 4
Nhóm tác giả trao đổi về hệ thống điều khiển (Ảnh: Quang Trường).

Thầy Mai Ngọc Phong cho biết, các giảng viên không chỉ dạy học mà còn nhận làm thêm các công trình cho doanh nghiệp. Sinh viên được đi theo các thầy để cùng làm và học hỏi.

"Nếu các em chú tâm học và thực hành theo hướng dẫn của giảng viên, khi ra trường, các em có thể làm việc được ngay. Kinh nghiệm không phải tự dưng mà có. Trong việc sửa chữa, máy móc mắc những "bệnh" mà nếu chỉ đọc lý thuyết thì các em không bao giờ tìm ra được.

Chúng tôi giới thiệu các em làm thêm tại các doanh nghiệp. Có em học năm thứ 2, tranh thủ nghỉ hè đi làm thêm đã kiếm được 30-40 triệu đồng/tháng bằng nghề.

Không nhất thiết chỉ ngồi học đủ số giờ trên lớp mà chúng tôi khuyến khích sinh viên ra ngoài làm đúng chuyên môn, dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Khi đó, các em được va vấp, học được nhiều điều hơn trên lớp. Chỉ sợ các em lười, chứ việc làm lương cao không bao giờ thiếu", thầy Phong cho biết.

Từ năm 2010, tại Trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng, riêng khoa Điện - Điện tử đã có 5 thiết bị đào tạo tự làm. Các thiết bị này đều được dự thi Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc các năm.

Các năm 2010, 2016, 2019, 2022, lần lượt các thiết bị Hệ thống lái tàu thủy, Mô hình cẩu điện cơ trên tàu thủy, Hệ thống tín hiệu hàng hải và máy lái kỹ thuật số dùng công nghệ mới, Hệ thống cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy đều giành giải Nhất. Năm 2013, thiết bị Nồi hơi phụ trên tàu thủy giành giải Nhì.