Giấc mơ sản phẩm thảo mộc bảo vệ rau màu của cô trò xứ Nghệ
(Dân trí) - Sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, cô trò Trường THPT 1/5 (Nghệ An) đã bào chế sản phẩm thảo dược nhằm bảo vệ sức khỏe, môi trường, chống sâu bệnh cho rau, tăng năng suất sản xuất.
Cô trò trường huyện làm dự án "Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe"
Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" (SV_STARUP) năm 2020 do Bộ GD&ĐT phát động tổ chức, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp.
Đây là lần thứ ba cuộc thi được tổ chức trên quy mô toàn quốc, thu hút 20 Sở GD&ĐT, 80 trường đại học và hơn 500 học sinh, sinh viên tham gia. Các dự án khởi nghiệp tham gia dự thi hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội góp phần tạo sự đột phá, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án "Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe" của nhóm giáo viên và học sinh Trường THPT 1/5 huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã vượt qua vòng bán kết toàn quốc, tiến thẳng vào vòng bình chọn, vòng chung kết. Đây là một dự án xuất sắc, được đánh giá rất cao.
Dự án được tham gia dự thi vòng bình chọn để thực hiện mục tiêu tham dự vòng Chung kết cuộc thi diễn ra vào ngày 18/12 đến 19/12/2020 tại TPHCM.
Cô Bùi Thị Thùy Dung - giáo viên hướng dẫn dự án cho biết: "Thực tế sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong nông nghiệp khiến người tiêu dùng lo ngại. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe của con người và ô nhiễm môi trường, không khí, đất… Do vậy, việc được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn là giấc mơ của mọi người.
Từ trước đến nay, các loại thảo mộc trong tự nhiên cũng đã được sử dụng để chăm sóc sức khỏe cho con người, vậy nên tôi nghĩ đến việc sử dụng chính những loại thảo mộc này để ứng dụng trong việc bảo vệ rau, hoa màu. Sau đó cô trò cùng nhau trao đổi, tìm những loại thảo mộc, rồi bào chế, điều chỉnh liều lượng phù hợp rồi bắt đầu thí nghiệm trên từng loại sâu".
Dưới sự hướng dẫn của cô Thùy Dung, nhóm học sinh trường THPT 1/5 huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An gồm Long Hoàng Bảo (lớp 12C10), Vi Đức Quân và Nguyễn Thị Minh (cùng học lớp 11A1) bắt đầu mò mẫm, tìm từng loại thảo mộc. Tiêu chí đưa ra là những loại thảo mộc có nhiều trong tự nhiên, đặc tính khắc chế sâu bệnh…
Sau mỗi buổi học trên lớp, cô trò lại cùng nhau trao đổi pha chế các loại thảo mộc mà mình đã ngâm, ủ ở nhà. Mỗi loại đều được ghi chép cẩn thận từ số lượng, thời gian ngâm ủ… vì không có các dụng cụ chưng cất, bào chế chuyên dụng nên cô trò cũng gặp rất nhiều khó khăn, tất cả đều được làm thủ công.
Em Vi Đức Quân chia sẻ: "Thảo mộc chúng em chọn đều là những loại có sẵn trong tự nhiên dễ trồng số lượng lớn như cây dầu tía, sài đất, cúc dã quỳ, ớt cay, bồ kết, mồng tơi…, vì thế khi ứng dụng trên thực tế sẽ rất khả thi về nguồn nguyên liệu, giá cả.
Những loại sâu, côn trùng gây hại đã được thử nghiệm cũng là những loại gây hại trên các loại cây trồng chủ lực của nền nông nghiệp nước ta. Đối với mỗi loại sâu nếu liều lượng được điều chỉnh thích hợp thì sẽ có tác dụng cao.
Em tin rằng dự án của chúng em sẽ rất khả thi, là thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu có giá thành thấp thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất hiện thực hóa giấc mơ nền nông nghiệp sạch mà mọi người mơ ước".
Giấc mơ thay thế thuốc bảo vệ thực vật
Tận dụng tối đa quỹ thời gian có được, cô trò cùng nhau soi đèn bắt sâu vào buổi đêm rồi thực nghiệm ngay chính trên vườn rau của gia đình, của nhà trường. Những thành công bước đầu là động lực vô cùng lớn lao giúp cô trò cố gắng hơn nữa.
Đặc biệt, trong vụ đông và vụ xuân vừa rồi, khi dùng thử nghiệm ngay trên vườn rau của gia đình mình, học sinh Long Hoàng Bảo cho biết, kết quả thành công. Bảo cho biết, rau trồng không chỉ được tránh được sự tấn công của các loại sâu mà năng suất còn vượt trội hơn.
Long Hoàng Bảo chia sẻ: "Em đã dùng thử nghiệm trên chính vườn rau của gia đình mình, kết quả đã được chứng minh khi những luống rau tươi tốt, không chỉ yên tâm sử dụng mà còn đem ra chợ bán. Đặc biệt, bố mẹ em không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phun nên không ảnh hưởng đến sức khỏe, đó là điều khiến em vui nhất".
Cô trò cũng tập trung tìm hiểu kỹ giai đoạn phát triển của từng loại rau, tập tính, vòng đời phát triển của từng loại sâu, côn trùng gây hại để có hướng dẫn sử dụng tốt nhất cho người tiêu dùng.
"Đối với từng loại rau, cây trồng tùy theo chu kỳ phát triển sẽ có thời điểm dễ bị sâu, côn trùng gây hại tấn công. Sâu, côn trùng gây hại nó cũng có "thời điểm vàng" dễ bị đánh gục nhất. Vì thế sản phẩm cần dùng đúng thời điểm thì mới mang lại hiệu quả tối đa....", Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Em Vi Văn Quân chia sẻ thêm: "Công sức của cô trò đã được đền đáp khi dự án vượt qua những vòng thi "gắt", được chấm điểm cao nhất trong số 22 dự án.
Việc thực hiện dự án đã giúp em thay đổi bản thân rất nhiều, em tự tin hơn, xác định được mục tiêu của mình trong tương lai, xây dựng kế hoạch, từng bước thực hiện kế hoạch đó. Em tin rằng đáp án cho "bài toán kinh tế" của dự án đã được giải và sẽ có nhà đầu tư tin tưởng, dự án sẽ rất khả thi".
Được biết, đây là năm đầu tiên Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức triển khai cuộc thi SV_STARUP và có dự án tham gia dự thi cấp Bộ. Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Nghệ An tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh và trang bị các kiến thức, kỹ năng cho các em, góp phần khuyến khích sự sáng tạo, đam mê, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống, đồng thời tạo cơ hội kết nối các dự án có tính khả thi cao với các nhà đầu tư.