Phú Yên:

Gần 40.000 lao động nông thôn được học nghề miễn phí, có thu nhập ổn định

Trung Thi

(Dân trí) - Trong giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh Phú Yên có gần 42.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó gần 32.000 người tìm được việc làm ổn định, từ đó thay đổi cuộc sống.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2010-2020, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 1956/TTg) về đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" (ĐTNCLĐNT), thông qua nhiều khóa học, tỉnh Phú Yên đã dạy nghề cho gần 42.000 người ở các vùng quê của tỉnh này. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, gần 32.000 lao động được tuyển dụng và có việc làm với mức thu nhập ổn định.

Các đối tượng được quan tâm dạy nghề là người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất…

Gia đình thuộc hộ cận nghèo, nên chị Trần Thị Mỹ Hạnh ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên được quan tâm đưa đi đào tạo nghề may, nhờ đó mà chị có công việc ổn định với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

"Tôi tham gia học nghề theo đề án ĐTNCLĐNT nên không mất học phí, sau khi được đào tạo, tôi được nhận vào làm việc ngay với mức thu nhập 3 triệu đồng tháng, hiện tại thì lương đã hơn 4 triệu đồng chưa tính tăng ca. Đây là mức thu nhập khá ở vùng quê, để tôi có thể phụ giúp chồng nuôi hai con nhỏ" - chị Hạnh chia sẻ.

Gần 40.000 lao động nông thôn được học nghề miễn phí, có thu nhập ổn định - 1

Gần 32.000 lao động nông thôn ở Phú Yên có việc làm sau đào tạo

Tham gia lớp học nghề đan may theo đề án ĐTNCLĐNT từ năm 2016, từ đó đến nay bà Bùi Thị Ngọc ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (Phú Yên) có mức thu nhập ổn định từ 1,2 - 1,5 triệu đồng.

"Được Nhà nước quan tâm, cho tôi đi học lớp đan may để xuất khẩu, từ đó đến nay rảnh lúc nào tôi nhận hàng về nhà đan lúc đó, nhờ vậy mà gia đình có thêm khoảng thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng. So với thành thị thì đây là mức thu nhập thấp, nhưng ở vùng quê nghèo thì số tiền này có thể chi tiêu, mắm muối cho gia đình được cả tháng" - bà Ngọc cho biết.

Ông Ngô Vũ Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, người lao động nông thôn hiện nay đã chủ động hơn trong việc tham gia học nghề, tự lựa chọn những ngành nghề phù hợp theo nhu cầu bản thân và gia đình.

"Sau khi học nghề, hầu hết người lao động ở nông thôn biết vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào sản xuất để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập. Số lao động có tay nghề thường được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với mức thu nhập ổn định" - ông Nguyên cho hay.

Gần 40.000 lao động nông thôn được học nghề miễn phí, có thu nhập ổn định - 2

Nhiều lao động nông thôn thoát nghèo nhờ đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn"

Đánh giá về đề án ĐTNCLĐNT thực hiện theo QĐ1956/TTg, ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhìn nhận: Thông qua đề án, nhiều lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách, đặc biệt đã tạo cơ hội cho nhiều người thuộc diện người hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo... được học nghề và có việc làm, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến cuối năm 2020 lên 70,05%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 51,01%.

Hiệu quả đào tạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tăng lên hàng năm, trong đó một số nghề hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn chiếm tỷ lệ trên 80% như nghề may công nghiệp, chế biến món ăn, điện dân dụng, sản xuất hàng mây tre đan, trồng lúa năng suất cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm,... nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới, có thêm việc làm tăng thu nhập, nhiều hộ đã thoát nghèo, trở thành hộ khá...

"Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh sẽ đa dạng hóa các ngành, đào tạo nghề cho lao động nông theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; chọn lọc ngành nghề phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhằm tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động; không tổ chức đào tạo khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề" - ông Binh cho biết.