Du học sinh nói về chữ "lễ" và khẩu hiệu ở các trường học trên thế giới
(Dân trí) - "Nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện song song hai việc học "lễ" và "văn", không nhất thiết phải học "lễ" trước, học "văn" sau", một bạn trẻ cho biết.
Nên bỏ khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn"?
Khi còn học ở Việt Nam, Dương Đỗ Trà My (19 tuổi) cũng thường xuyên bắt gặp khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" ở trường tiểu học của mình. Trà My chia sẻ: "Dù bắt gặp nhiều lần từ khi học cấp 1 nhưng cho tới những năm cấp 2, mình mới thực sự hiểu được ý nghĩa của câu nói này".
Nguyễn Hải Ly (19 tuổi) hiểu rằng khẩu hiệu này ưu tiên việc học lễ nghĩa trước rồi học kiến thức sau. Tuy nhiên, Ly nhận xét: "Mình thấy khẩu hiệu không hoàn toàn sai nhưng cách được truyền đạt đến học sinh có phần rập khuôn. Chưa kể giáo dục hiện tại ở Việt Nam và thế giới đã thực hiện song song cả hai việc chứ không nhất thiết phải "học lễ" trước, "học văn" sau".
Ngoài ra, Ly cho rằng khẩu hiệu này không có trọng lượng đáng kể như kỳ vọng và tạo ra tác dụng phụ vì cách truyền đạt thiếu thực tiễn và bài bản.
Ly nêu quan điểm: "Dù sống ở đâu, lễ nghĩa vẫn là một phần trong lối sống. Nhưng trong quá trình học tập ở nước ngoài, mình có thể thoải mái chia sẻ với giáo sư như một người bạn. Điều này ít thấy ở Việt Nam vì cách nghĩ "Tiên học lễ, hậu học văn" có phần tạo ra khoảng cách giữa thầy cô giáo và học trò".
Hải Ly là một trong những sinh viên ủng hộ việc bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" ở trường học. Bạn trẻ cho rằng điều này sẽ vô tình tạo nên khoảng cách trong cộng đồng. "Khẩu hiệu cần hướng đến lối sống giàu cả về tình cảm và trí tuệ, biết quan tâm và sẻ chia nhưng vẫn giữ được bản sắc và chứng kiến cá nhân".
Hải Ly nhận thấy trong nhà trường, chúng ta luôn được học phải lễ phép với người lớn nhưng cách ứng xử giữa người với người rộng hơn như vậy rất nhiều. Tại môi trường học tập ở nước ngoài, Ly thấy vẫn có sự tôn trọng dành cho giáo viên, nhưng sinh viên có thể lập tức gửi thư thể hiện cảm xúc của mình hay nói chuyện về những vấn đề khác trong cuộc sống bên cạnh học hành.
Khẩu hiệu ở các trường học trên thế giới ra sao?
Khi giáo dục Việt Nam những khẩu hiệu chung, một trong số đó là "Tiên học lễ, hậu học văn" thì mỗi trường học ở Mỹ lại có một khẩu hiệu của riêng mình.
Khi học cấp 3 tại Mỹ, ngôi trường của Trà My có khẩu hiệu là "Sana Mens In Corpore Sana" (tạm dịch: Một bộ óc lý trí trong một cơ thể khỏe mạnh). Đến khi theo học tại Đại học Emory, khẩu hiệu của trường lại là "Cor prudentis possidebit scientiam" (tạm dịch: Một trái tim thận trọng là một trái tim sở hữu kiến thức).
Theo Trà My, sự khác biệt trong khẩu hiệu cũng không dẫn tới cách dạy khác nhau giữa các trường bởi mục tiêu của giáo dục là như nhau. Điểm chung của các khẩu hiệu này đều hướng tới sự phát triển của kiến thức song song với sự phát triển của bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hải Ly cũng là một trong những sinh viên của Đại học Dartmouth, một trong tám trường đại học khối Ivy League tại Mỹ. Ly cho biết sinh viên ở trường luôn tự hào về khẩu hiệu "Vox clamantis in deserto" (tạm dịch: Tiếng vọng giữa hoang mạc) của trường.
Cô bạn 19 tuổi chia sẻ: "Khẩu hiệu này thể hiện nhiều ẩn ý về triết lý giáo dục của trường mình, có thể hiểu đơn giản là giáo dục giúp con người thoát khỏi bóng tối". Điều khiến cho khẩu hiệu này càng có giá trị hơn chính là nhờ có hành động của các sinh viên ở trường.
Nếu nhà trường hoặc tổ chức nào đưa ra quy định bất hợp lý đối với sinh viên hoặc khoản hỗ trợ bị dùng sai mục đích, phần lớn sinh viên nơi đây sẽ lên tiếng trên mạng xã hội với hashtag #DartmouthDoBetter (Dartmouth hãy làm tốt hơn). Thậm chí, đã có những buổi đối đáp trực tiếp với lãnh đạo nhà trường hay thu thập chữ ký để thay đổi vì quyền lợi sinh viên.
Ly bày tỏ: "Mình chưa bao giờ thấy tiếng nói của một tập thể học sinh có sức mạnh lớn như vậy. Ở Việt Nam cũng có nhưng thường chỉ là vài cá nhân nhỏ lẻ. Hoặc nếu đó là một phong trào thành công thì ngay sau đó lại trở nên mờ nhạt vì giáo dục hiện tại vẫn gây ra nhiều trở ngại trong cách suy nghĩ và thể hiện bản thân của học sinh. Và những khẩu hiệu như "Tiên học lễ, hậu học văn" vô tình trở thành một phần gốc rễ của vấn đề đó".
"Lễ" trong văn hóa và giáo dục ở Trung Quốc hiện đại
Như Quỳnh, học viên cao học tại Đại học Truyền thông (Bắc Kinh, Trung Quốc) cho rằng đề bàn về vấn đề giữ hay bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", cần hiểu rõ nghĩa của từ "lễ".
Theo Quỳnh, "lễ" có thể được hiểu là lễ nghi, phép tắc nhưng cũng có thể mở rộng ra là sự kính trọng, đối nhân xử thế và là cách ứng xử giữa mọi người với nhau.
"Không nên bỏ câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" và nên hiểu "lễ" trong câu này theo cả nghĩa rộng - ý là bao hàm cả đạo đức. Dù xã hội phát triển đến đâu, nếu không có lễ nghĩa, tình thương và sự chia sẻ thì xã hội ấy vẫn sẽ không thể nào tốt đẹp, là cái mà chúng ta có thể hướng đến".
Một khía cạnh khác đó là việc bỏ "tiên học lễ, hậu học văn" có thúc đẩy tư duy phản biện hay sự sáng tạo không? Theo tôi là không. Muốn phát triển tư duy phản biện và sáng tạo thì cần phải thay đổi phương pháp dạy học, tạo môi trường học tập cởi mở, thân thiện để học sinh tích cực và chủ động hơn. Nhưng những điều này vẫn phải để chữ "lễ" lên làm đầu, học sinh phản biện vẫn phải trong khuôn khổ lễ phép với thầy cô, tôn trọng mọi người thì mới thành người".
Như Quỳnh cho biết, giáo dục của Trung Quốc hiện đại vẫn luôn đề cao chữ "lễ" theo tư tưởng Nho giáo, tư tưởng của Khổng Tử. "Lễ" không chỉ bao gồm những nghi thức, lễ nghi, quy tắc trong cuộc sống hàng ngày, mà còn bao hàm cả những tư tưởng quan niệm về đạo đức, về sự hòa hợp giữa người với người, người với tự nhiên.
Về lễ nghi, trẻ em, đặc biệt là ở cấp tiểu học và trung học ở Trung Quốc đã được học các quy tắc lễ nghi như cách đứng, cách chào hỏi. Bên cạnh đó, cũng không hề khó tìm kiếm các lớp học dành riêng cho người lớn. Các câu chuyện về đạo đức, về cách làm người như "Mạnh Tử dục hưu thê" (Mạnh Tử muốn từ vợ), "Khổng Dung nhường lê"… vẫn phổ biến rộng rãi và ngày càng được đề cao.
"Trung Quốc vừa qua đã soán ngôi "giàu nhất thế giới" của Mỹ. Đương nhiên để đạt được thành tựu đó, họ phải có một tiềm lực nhất định và tiềm lực ấy sẽ phải được xây dựng từ giáo dục, tạo nên một thế hệ nhân tài đủ sức sáng tạo và cạnh tranh. Kể cả Nhật Bản - một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới cũng vô cùng coi trọng giáo dục đạo đức, dạy lễ nghĩa trước khi dạy kiến thức văn hóa. Nói những ví dụ trên để thấy thêm rằng, việc bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn" không phải là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy giáo dục hay sự phát triển của một quốc gia", Như Quỳnh khẳng định.
Hơn nữa, "lễ" còn là sự tiếp nối truyền thống, gắn liền với văn hóa, tinh thần dân tộc, ảnh hưởng đến hình tượng quốc gia. Người hiểu lễ sẽ biết cách sống biết trước biết sau và hòa hợp hơn. Và thông qua "lễ" của một người cũng sẽ một phần nào đó giúp chúng ta đánh giá người đó là người như thế nào, đến từ đâu. Ai cũng phải có gốc rễ, cội nguồn. Nếu cội nguồn không nhớ thì dù "học văn" giỏi đến đâu cũng sẽ không biết yêu thương, trân trọng và cống hiến cho xã hội", Như Quỳnh nói.
Bạn Cung Hà Anh (20 tuổi) nhận thấy từ tiểu học đến THPT, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" luôn được treo ở chỗ dễ thấy ở các ngôi trường mà bạn trải nghiệm học tập.
Có một người mẹ là giáo viên, ngay từ bé, Hà Anh đã hưởng nền giáo dục "tôn sư trọng đạo". Cô bạn cho biết cách giáo dục của mẹ chỉ mang tính định hướng, Hà Anh thấy rằng việc kính trọng lễ phép và cư xử đúng mực với bề trên là lẽ phải.
Cả Hà Anh và người mẹ là giáo viên đều cho rằng không nên gỡ bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn" vì đây là khẩu hiệu đúng đắn để định hướng quy chuẩn đạo đức của học sinh.
"Cũng không phải ngẫu nhiên khi chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy câu nói này ngay khi bước vào nhà trường vì đó là cách để nhắc nhở học sinh phải biết tôn sư trọng đạo. Đó mới là một người học sinh gương mẫu, đúng mực", Hà Anh nhấn mạnh.
Đỗ Trần Minh Châu (20 tuổi), sinh viên năm thứ 3 khoa Giáo dục Tiểu học tại Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận thấy mục tiêu giáo dục Việt Nam là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh nên thấy rõ việc truyền thụ kiến thức luôn đi kèm với giáo dục đạo đức. Do đó, khẩu hiệu này vẫn mang giá trị trong thời đại hiện nay.
Nữ sinh viên Sư phạm hi vọng sau này có thể đem tới cho học sinh của mình một môi trường học tập thoải mái, vui vẻ để thầy và trò đều bộc lộ được những khả năng tốt nhất.
Theo Minh Châu, câu nói "Tiên học lễ, hậu học văn" bản chất không đề cao sự phục tùng của người học vào chữ "lễ".
"Có rất nhiều cách để giúp học sinh phát huy tư duy phản biện và sức sáng tạo, chứ không phải chỉ cần xóa bỏ một câu nói thì điều đó sẽ xảy ra", Châu cho biết.