"Đổi màu" tỏi, "thay áo" cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022

Quang Trường

(Dân trí) - Năm 2022 chứng kiến nhiều ý tưởng, sản phẩm sáng tạo độc đáo của thầy và trò trên cả nước. Những sản phẩm này đoạt giải cao tại các cuộc thi, hoặc có thể ứng dụng vào đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Thầy trò vùng cao sáng chế máy "biến" tỏi trắng thành tỏi đen giá trị

Máy "biến" tỏi trắng thành tỏi đen của thầy trò vùng cao tỉnh Quảng Bình có chi phí sản xuất thấp nhưng tính thực tiễn cao, góp phần giúp người dân trồng tỏi nâng cao giá trị sản phẩm.

Đó là thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình. Thiết bị này do thầy giáo Cao Hùng Thọ và 2 học sinh là Trương Tân Hóa và Đinh Chí Thanh của Trường THCS Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nghiên cứu, sáng chế. Sản phẩm từng đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp Quốc gia.

Đổi màu tỏi, thay áo cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022 - 1
Sáng chế của các thầy trò từng đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp Quốc gia (Ảnh: NVCC).

Thầy Cao Hùng Thọ cho biết, thiết bị này gồm một hình hộp chữ nhật có chiều dài khoảng 1m, cao khoảng 0,7m, rộng khoảng 0,5m, bên trên có một lớp kính trong suốt, bên dưới lớp kính là tấm tôn phẳng sơn màu đen.

Mặt phía trong hộp được làm bằng xốp cách nhiệt, có thêm chậu nước ở dưới để tạo ẩm. Bên trong hộp còn được treo các bóng đèn để tạo nhiệt độ khi tỏi lên men. Mặt trước thiết bị có gắn aptomat để đóng điện, một bộ điều khiển nhiệt độ và độ ẩm, một mô đun cảm biến nhiệt độ 12V và bình ắc quy. Chi phí để tạo ra sản phẩm này chỉ khoảng 600 ngàn đồng.

Với thiết bị này, người sử dụng sẽ xếp tỏi trắng vào hộp thật đều, không nén quá chặt, rồi đưa hộp ra dưới ánh nắng để đến khi nhiệt độ trong hộp đạt 65-70 độ C là mức nhiệt độ cần thiết để tỏi lên men đều, hiệu quả nhất. Nhiệt độ và độ ẩm này được duy trì thường xuyên trong khoảng 35-50 ngày, khi đó tỏi trắng sẽ biến thành tỏi đen.

Đổi màu tỏi, thay áo cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022 - 2
Thiết bị lên men tỏi đen đang được tiếp tục cải tiến, hoàn thiện (Ảnh: Tiến Thành).

Từ những thiết kế còn thô sơ, cồng kềnh ban đầu, 3 thầy trò đã đơn giản hóa nhiều thiết bị để giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả trong quá trình lên men tỏi để nâng cao chất lượng.

"Với tỏi trắng khi chuyển qua màu đen sẽ có vị chua ngọt, mùi thơm, giá trị về dinh dưỡng cũng như kinh tế của củ tỏi tăng gấp nhiều lần. Đây là một thiết bị mà thầy trò chúng tôi rất tâm huyết. Việc áp dụng vào thực tế cũng đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Hy vọng thiết bị này sẽ sớm được ứng dụng đại trà vào đời sống, đặc biệt là tại các địa phương nổi tiếng về nghề trồng tỏi", thầy Thọ chia sẻ.

Hai học sinh sáng chế máy bào lạt tre "chấp" 5 thợ thủ công

Máy bào lạt tre của 2 học sinh Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Thanh Phương (lớp 9 9A3, Trường THCS Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định) đã đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 - năm 2022, tại Hà Nội.

Theo em Nguyễn Văn Tú, ý tưởng chế tạo chiếc máy này xuất phát từ thực tiễn nhu cầu địa phương về các phụ liệu như cọc tre và lạt tre để tạo dáng, thế cho cây cảnh ở thủ phủ mai vàng Bình Định.

"Để có những cọng lạt tre mỏng, dẻo, người dân chẻ lạt thủ công bằng rựa hoặc dao vừa mất thời gian vừa có thể bị rủi ro đứt tay. Xuất phát từ thực tế này, chúng em ấp ủ một mong muốn là có thể tạo những máy móc để thực hiện nhanh chóng, hiệu quả mà an toàn cho người dân", Tú nói.

Đổi màu tỏi, thay áo cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022 - 3
Sáng chế máy bào lạt tre là giải pháp hướng tới sản xuất an toàn, năng suất (Ảnh: Doãn Công).

Sau khi nảy ra ý tưởng thú vị về chiếc máy bào lạt tre, Tú và Phương đã trao đổi với thầy giáo Tô Thanh Việt - giáo viên bộ môn Vật lý ở Trường THCS Cát Thắng.

Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy, 5 tháng sau, chiếc máy bào lạt đã hoàn thành với 4 chức năng gồm cưa ống, bổ ống, bóc ruột và bào lạt.

Theo Tú, máy có thể tạo hàng chục kilogam lạt/ngày, tương đương năng suất của 5 người bào thủ công.

Đặc biệt, máy được làm chủ yếu từ những vật liệu tái chế, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường bao gồm mô tơ, hộp số xe máy, khung, đĩa, xích.

Máy sử dụng điện 220V, không có khí thải, không tạo chất thải gây hại cho môi trường. Động cơ và các thiết bị truyền động được bao phủ che chắn, đảm bảo an toàn điện, an toàn vận hành.

Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định, đánh giá giải pháp máy bào lạt phục vụ cho làng nghề mai vàng Bình Định có tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, phục vụ trong đời sống, sản xuất rất tốt.

Nhà thiết kế 18 tuổi "thay áo" cho sách giáo khoa, giành học bổng gần nửa tỷ đồng

Từng gây "bão" mạng với dự án thiết kế lại bộ sách giáo khoa khi còn là học sinh lớp 12, Trần Lâm Nam Bảo (sinh năm 2004) đã giành được học bổng 50% học phí của một trường đại học quốc tế.

Đổi màu tỏi, thay áo cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022 - 4
Trần Lâm Nam Bảo (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về dự án này, Nam Bảo cho biết: "Mình luôn muốn tạo ra những thứ không chỉ đẹp mà còn có giá trị tích cực cho cộng đồng, ở đây là lĩnh vực giáo dục nói riêng.

Mình đã ấp ủ dự án này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay khi bắt đầu những ý tưởng thô sơ nhất, mình đã xác định rằng mục đích lớn nhất của dự án này đó là giúp lan tỏa những hình ảnh thú vị hơn, mới mẻ hơn của các môn học vốn nhàm chán đến với các bạn học sinh.

Đây sẽ luôn là đứa con tinh thần để mình nhớ về khi còn là một cậu học sinh bước đầu tập tành sáng tạo, để làm động lực cho bản thân tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm mang giá trị cao hơn trong tương lai".

Đổi màu tỏi, thay áo cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022 - 5
Dự án "thay áo mới cho sách giáo khoa" từng gây "bão" trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng mạng (Ảnh: NVCC).

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường thiết kế và sáng tạo, Nam Bảo đã nhận được những phần thưởng xứng đáng với tài năng và cống hiến của bản thân - một học bổng có giá trị (khoảng 478 triệu đồng) của một trường đại học quốc tế nổi tiếng.

Nam Bảo cho biết thêm, cậu đam mê với việc thiết kế từ khi còn là học sinh tiểu học. Khi lên cấp 2, cậu thường xuyên đảm nhận việc thiết kế PowerPoint khi làm việc nhóm. Đến khi học lớp 9, nam sinh bắt đầu học photoshop và thiết kế áo một phần vì đam mê, một phần để kiếm thêm thu nhập.

Đến năm lớp 10, Nam Bảo bắt đầu tìm hiểu và biết đến khái niệm thiết kế đồ họa. Từ đó, cậu đã sớm xác định đây là công việc mà mình sẽ theo đuổi trong tương lai.

"Nhà thông minh giá rẻ" của học sinh lớp 9 "trường làng"

Sản phẩm "Nhà thông minh giá rẻ" của nhóm học sinh Lý Quang Phúc, Nguyễn Mỹ Thanh và Tô Tú My (học sinh lớp 9A1, Trường THCS & THPT Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã đoạt giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên tại tỉnh Sóc Trăng" năm 2022.

Đổi màu tỏi, thay áo cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022 - 6
Nhóm tác giả sản phẩm (từ trái qua): Lý Quang Phúc, Tô Tú My và Nguyễn Mỹ Thanh (Ảnh: XL).

Nói về ý tưởng này, em Lý Quang Phúc cho biết, khi nhắc đến những thiết bị hiện đại của một ngôi nhà thông minh người ta thường nghĩ đến các thiết bị với chi phí đắt đỏ, khó tiếp cận với đa số người dân.

Tuy nhiên, với mong muốn mang sự tiện nghi đến với tất cả mọi người, nhóm chúng em đã nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp để có thể mang đến sự tiện nghi của một ngôi nhà thông minh bằng các linh kiện giá rẻ nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu khi sử dụng.

Theo giới thiệu của nhóm, hệ thống cơ bản của ngôi nhà thông minh, gồm: Hệ thống máy chủ nhà thông minh Home Assistant được cài đặt trên thiết bị Android TV box (bền và giá rẻ). Các thiết bị được kết nối với wifi để liên kết với máy chủ, nhận tín hiệu từ các cảm biến để đọc tình huống và điều khiển bật tắt thiết bị với chi phí khoảng 2 triệu đồng.

Đổi màu tỏi, thay áo cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022 - 7
Hệ thống "Nhà thông minh giá rẻ" gồm linh kiện cảm biến, công tắc thông minh, loa phát thông báo, giao diện điều khiển gói nâng cao... (Ảnh: XL).

Sản phẩm giúp phát hiện và phòng ngừa trộm cắp, giúp bảo vệ tài sản cho người sử dụng, đồng thời giúp phát hiện và cảnh báo các nguy cơ cháy, nổ hoặc rò rỉ gas nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố. Thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại (hẹn giờ bật tắt thiết bị), chăm sóc cây xanh (tự động tưới nước khi độ ẩm của chậu cây giảm)…

Sinh viên gây ấn tượng với ứng dụng giúp ứng phó ngập lụt đô thị

Ngày 18/12, tại Hội nghị Khoa học và Triển lãm các sản phẩm công nghệ (BKDN Techshow) học sinh, sinh viên năm học 2022 - 2023, được tổ chức ở Đà Nẵng, sản phẩm "Ứng dụng giúp người dân ứng phó với ngập lụt đô thị" của khoa Xây dựng công trình thủy, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã đoạt giải Nhì về công nghệ.

Đại diện sáng lập ứng dụng, sinh viên Nguyễn Đình Huy cho biết, ứng dụng được triển khai nhằm giúp người dân xác định được các vị trí ngập lụt trong đô thị, từ đó có thể định hướng được đoạn đường di chuyển để tránh những vị trí ngập.

Đổi màu tỏi, thay áo cho sách và những sáng tạo của thầy trò năm 2022 - 8
Sinh viên Nguyễn Đình Huy giới thiệu về ứng dụng (Ảnh: Hoài Sơn).

Cụ thể, ứng dụng dựa vào số liệu lượng mưa đo được từ đó sẽ có cách tính toán lượng mưa tích lũy và cho ra một bản đồ dự báo mô phỏng lượng mưa, mức độ ngập lụt đô thị chính xác nhất có thể. Sau đó, người dùng có thể chọn cho mình một đoạn đường di chuyển phù hợp để tránh được các vị trí ngập sâu, gây nguy hiểm.

"Ví dụ, một người đang ở nhà và muốn đi đến trường. Thì người đó có thể mở ứng dụng ra và chọn vị trí cần đến. Sau đó hệ thống sẽ tự cho ra đoạn đường di chuyển ngắn nhất nhưng vẫn tránh được các vị trí mưa ngập", Huy giải thích.

Theo Huy đánh giá, thực tế mức độ ứng dụng của sản phẩm này rất cao và hiện tại ứng dụng này đã được nhóm bàn giao cho Trung tâm tài nguyên nước của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng để tiếp tục phát triển.