Đề xuất địa phương tự xét tốt nghiệp THPT: Ủng hộ đột phá nhưng cẩn trọng

(Dân trí) - Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Nhiều ý kiến chuyên gia ủng hộ kiến nghị này nhưng phải cẩn trọng.

Cụ thể, Sở GD&ĐT TPHCM đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các cấp lãnh đạo cho phép ngành GD&ĐT TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

Đây không phải lần đầu tiên TPHCM đề xuất được tự chủ trong việc xét và công nhận kết quả tốt nghiệp THPT. Bởi từ năm 2016, Sở GD&ĐT thành phố đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT xin thẩm định "Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TPHCM từ năm 2017".

Theo đó, một số chuyên gia giáo dục và thầy giáo cũng có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này.

Đề xuất địa phương tự xét tốt nghiệp THPT: Ủng hộ đột phá nhưng cẩn trọng - 1

Giao cho địa phương tự xét tốt nghiệp THPT thì Bộ GD&ĐT phải đóng vai trò chủ chốt trong khâu ra đề thi để tạo được mặt bằng chung, bởi cấp phổ thông học một chương trình chung.

 Phân quyền để tạo sức bật

Đề xuất này của TPHCM tuy không mới, nhưng đã tạo được một luồng gió đặc biệt. Bởi việc kiểm tra, đánh giá cũng như công nhận tốt nghiệp lâu nay vẫn "phụ thuộc" vào kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Chia sẻ với PV Dân Trí, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam có chia sẻ: "Theo tôi, tốt nghiệp THPT như một nhiệm vụ phổ cập, nên là giao cho địa phương quyền để họ công nhận tốt nghiệp cấp 3 cũng là hợp lý, chứ không cần phải đến quốc gia mới làm được điều này. Bởi vì các địa phương mới chính là cơ quan trực tiếp chăm lo, đào tạo, biết rõ công nhận tốt nghiệp thế nào thì hợp lý với học sinh của mình. Cho nên địa phương đó sẽ có trách nhiệm và hiểu hơn ai hết chất lượng dạy, học và quản lý của mình đến đâu".

Cùng chung ý kiến với GS Phạm Tất Dong, thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Hà Nội) cho rằng: "Theo quan sát của tôi thì TPHCM cũng đã đưa ra đề xuất này rất nhiều lần, từ năm 2016. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của TPHCM vì nó tạo được quyền chủ động cho các địa phương, không bị ảnh hưởng bởi các kế hoạch của Bộ GD&ĐT hay các địa phương khác. Việc làm này cũng phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội và giáo dục của các địa phương.

Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, đề xuất đó là hợp lý, bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh. Vì đợt dịch Covid lần thứ 4 bùng phát ở nhiều tỉnh thành khác nhau nên việc để địa phương tự cân nhắc việc xét tốt nghiệp cho địa phương cũng rất thuận lợi. Trong khi đó, năng lực của TPHCM hoàn toàn có thể đáp ứng được. Hơn nữa, việc làm này cũng vẫn phù hợp với luật giáo dục 2019, nếu được BGD&ĐT cho phép".

Ngoài ra, theo GS Phạm Tất Dong, nếu có thể làm phổ cập được ở các địa phương thì mình cần gì phải làm căng thẳng, nên giao cho địa phương chịu trách nhiệm công nhận kết quả xét tốt nghiệp THPT. Qua đó, Bộ GD&ĐT có thể giảm bớt được các công việc đang "ôm đồm" để tập chung vào việc quản lý chung toàn ngành.

Muốn đổi mới… thì phải thận trọng

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT có chia sẻ: "Việc thi tốt nghiệp THPT thì nên đi từng bước một, giao cho địa phương tổ chức dần dần chứ chưa thể giao hết mọi việc cho họ được. Theo tôi nghĩ, trong các khâu của kì thi THPT thì Bộ phải đóng vai trò chủ chốt trong khâu ra đề thi để tạo được mặt bằng chung, bởi cấp phổ thông học một chương trình chung".

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, các địa phương có thể tổ chức tự xét tốt nghiệp, nhưng quy định về đề thi và tổ chức như thế nào thì vẫn phải do Bộ quản lý.

"Chuyện phân cấp là cũng được, khi đó Bộ sẽ thống nhất quản lý chung kỳ thi tốt nghiệp THPT, và phân cấp cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện, triển khai. Nhưng trong điều kiện mà bệnh thành tích còn "lộng hành" thì lợi bất cập hại. Khi nào các địa phương hình thành được văn hóa chất lượng, dẹp bỏ đi bệnh thành tích thì đó là một việc vô cùng tốt".

Mặc dù đồng tình với đề xuất của Sở GD&ĐT TPHCM, nhưng GS Phạm Tất Dong cũng khá thận trọng: "Nếu muốn được thông qua, thì cần phải có quy định cụ thể ràng buộc, chặt chẽ, và được thử nghiệm. Sau thí điểm, TPHCM cần phải có kết quả năm đầu tiên để gửi lên Bộ xem xét, chứ không phải là cứ thế làm đại trà được.

Bộ sẽ có hướng dẫn, trân trọng đề xuất đó và tạo điều kiện cho sáng kiến của quần chúng được phát triển.  Nhưng vì là sáng kiến nên trước hết cần phải thử nghiệm trong điều kiện nhất định. Nếu như phù hợp và đạt kết quả tốt thì có thể sẽ tiếp tục được ứng dụng ở các địa phương khác".

Khi Bộ vẫn đang thâu chọn khâu kiểm tra đầu ra của THPT lẫn khâu xét tuyển đầu vào của Đại học thì chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng ỷ lại, và rũ bỏ trách nhiệm. Vậy nên theo TS Lê Viết Khuyến, chúng ta nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu, và những người tham gia vào kỳ thi của địa phương. Khi đó họ sẽ huy động toàn lực hệ thống chính trị của tỉnh để phục vụ tốt cho kỳ thi đó, để tránh những tiêu cực nhất định có thể xảy ra.