Đề nghị đảm bảo tính ổn định lâu dài của chương trình sách giáo khoa

Yến Nhi

(Dân trí) - Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại, đổi mới chương trình sách giáo khoa phải có lộ trình, đảm bảo tính ổn định lâu dài.

Không nên đổi mới sách giáo khoa thường xuyên

Trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long gửi kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) như sau: "Chương trình sách giáo khoa mỗi năm sẽ thay đổi như thế rất tốn kém chi phí vì phải mua nhiều lần gây khó khăn cho người dân. Cử tri đề nghị cần xem xét lại, đổi mới phải có lộ trình, đảm bảo tính ổn định lâu dài".

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có văn bản trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2020-2021 thực hiện đối với lớp 1; năm học 2021-2022 thực hiện đối với lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 thực hiện đối với lớp 3, 7, 10; năm học 2023-2024 thực hiện đối với lớp 4, 8, 11 và đến năm học 2024-2025 sẽ hoàn thành khi thực hiện đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Đề nghị đảm bảo tính ổn định lâu dài của chương trình sách giáo khoa - 1

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều (Ảnh minh họa: L.C).

Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục.

Sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa từ khâu biên soạn, thẩm định, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa.

Như vậy sách giáo khoa của mỗi khối lớp chỉ thay đổi vào năm thực hiện theo đúng lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và sách giáo khoa đó được sử dụng ổn định, lâu dài.

Kiến nghị giảm học phí

Cử tri Vĩnh Long cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần "xem xét giảm học phí ở các cấp học vì mức thu hiện nay quá cao. Người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên việc làm chưa ổn định, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn".

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để áp dụng từ năm học 2021-2022.

Theo đó mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập năm học 2021-2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 và ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023, trong đó yêu cầu giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021-2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống.