Đào tạo nhân lực báo chí "vững như kiềng 3 chân" trong tình hình mới

Lệ Thu

(Dân trí) - Nhà báo Lê Hải Quang, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, cần đào tạo nhân lực báo chí thời đại mới bằng 3 chữ "K", bao gồm: Kiến thức - Kỹ năng - Kỹ thuật và công nghệ.

Ngày 27/10, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới".

Đào tạo nhân lực báo chí vững như kiềng 3 chân trong tình hình mới - 1

 Hội thảo "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới" (Ảnh: Lệ Thu).

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 116 bài tham luận của các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn ở các cơ quan Trung ương, các cơ sở đào tạo và các địa phương trong cả nước. Các bài tham luận đã tiếp cận chủ đề hội thảo từ nhiều chiều cạnh khác nhau, đặc biệt về đào tạo nhân lực báo chí - truyền thông.

Nhà báo thời đại số giống như những người "nông dân cổ cồn"

Trong tham luận "3 chữ K trong đào tạo báo chí" của mình, nhà báo, ThS. Lê Hải Quang, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, công tác đào tạo báo chí bằng 3 chữ "K", bao gồm: Kiến thức - Kỹ năng - Kỹ thuật và công nghệ. Nếu hội tụ đủ 3 chữ K một cách chuẩn chỉ thì sinh viên tốt nghiệp ra làm nghề sẽ "vững như kiềng 3 chân".

Chữ K đầu tiên là kiến thức, nhiều sinh viên học tốt ở bậc phổ thông, khi vào bậc đại học, nếu tiếp nối được "truyền thống" học tập đó sẽ rất có ý thức tiếp nhận kiến thức và học lực khá tốt. Tuy nhiên, số đông sinh viên vẫn lười "nhận" kiến thức. Họ đi học chỉ lo trả bài để lấy điểm, kiểu "học thầy nào chào thầy đó". Học xong "ra khỏi cửa" thì kiến thức "rơi rớt" hết. 4 năm học đại học, dù tốt nghiệp, nhưng kiến thức trong đầu vẫn trống rỗng.

Thực tế đại đa số sinh viên đại học sợ nhất những môn học có chữ "T", như: Triết học, Tiếng Anh, Tin học, Thể dục, Toán, Tiếng Việt thực hành, Thống kê, Tư tưởng…, bởi những môn học này khó, nặng về lý luận, lý thuyết hoặc tốn sức lực...

Tuy nhiên, các sinh viên lại không hiểu rằng đây chính là những môn học có tác dụng trang bị kiến thức nền tảng về tự nhiên, xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục. Khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể vận dụng các kiến thức nền tảng trong công việc của mình để tạo ra các giá trị rất thuận lợi. Với những sinh viên "lơ mơ", trống rỗng kiến thức, tiếp xúc, làm quen với nghề ở thực tiễn rất chậm, nếu nhanh cũng phải mất dăm mười năm, thậm chí bị đánh đổi, thua thiệt trong làm nghề.

Chữ "K" thứ hai là kỹ năng. Đối với các nhà báo trẻ chính là việc chịu khó học tập, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp báo chí ngay từ khi còn ở trên "thao trường, bãi tập".

Chữ "K" thứ ba là Kỹ thuật và công nghệ. Chúng ta đang sống trong xã hội thông tin mở, thời đại cách mạng công nghệ số. Các tác phẩm và sản phẩm mà mỗi nhà báo, cơ quan báo chí tạo ra không chỉ quan tâm đến nội dung mà đều dựa trên nền tảng của sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.

Theo Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo thời đại số giống như những người "nông dân cổ cồn". Họ "gieo cấy" không chỉ ở trên "cánh đồng chữ nghĩa" bằng các phương tiện, công cụ thô sơ là ngòi bút, trang giấy thô sơ như thế hệ cha ông làm báo trước đây.

"Họ phải làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới - đó là công cụ để sáng tạo ra những sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng, nhất là lớp công chúng mới hiện nay", ông lưu ý.

Hành vi của người học đang thay đổi rất nhanh

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mang đến hội thảo tham luận Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông.

"Hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp đang rất "khát" nhân sự làm về truyền thông và nội dung, nhu cầu này được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong những năm tới. Điều này đặt ra nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức cho các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.

Chuyển đổi số trong đào tạo báo chí - truyền thông không chỉ dừng lại ở việc số hóa (digitization) và ứng dụng công nghệ (digitalization) mà đang buộc các cơ sở đào tạo phải tư duy lại toàn bộ phương thức hoạt động của mình cũng như các sản phẩm đào tạo cung cấp cho thị trường, cho xã hội nói chung", PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang khẳng định.

Đào tạo nhân lực báo chí vững như kiềng 3 chân trong tình hình mới - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Lệ Thu).

Tuy nhiên, có nhiều thách thức đặt ra. "Thách thức đầu tiên đến từ mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Không phải cơ quan đào tạo báo chí - truyền thông nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.

Thách thức thứ hai là các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông có theo kịp các xu hướng, định dạng truyền thông mới. Truyền thông ngày càng gắn với dữ liệu và phân tích dữ liệu hơn. Hành vi của người học, nhất là thế hệ Zen Z và sau Zen Z ngày càng khó nắm bắt, ví dụ, để tương tác tốt với sinh viên, nhà trường có phải xuất hiện trên Tiktok, Instagram... không?

Không phải bàn cãi rằng công nghệ sẽ ngày càng tiến hóa hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hành vi của người học đang thay đổi rất nhanh và trong nhiều trường hợp các cơ sở đào tạo vẫn chưa kịp thích ứng với sự thay đổi này.

Thách thức thứ ba là về nguồn nhân lực (cả người dạy và người học). Chuyển đổi số hiệu quả trong công tác đào tạo đòi hỏi sự thay đổi tư duy của các cấp quản lý, đội ngũ giảng viên để thích ứng với bối cảnh mới, hành vi và nhu cầu mới của người học", PGS.TS Trường Giang nêu quan điểm.

TS. Trần Tiến, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam cũng đồng tình cho rằng: "Những tác động từ sản phẩm của các Big - Tech đã làm thay đổi ngành báo chí - truyền thông thế giới. Nhiều hãng truyền thông lớn đã chớp thời cơ để xoay chuyển mình nhằm thích ứng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất yếu sẽ là nhu cầu tuyển dụng nhân lực được cập nhật kỹ năng trong lĩnh vực này. Do vậy, đào tạo người làm báo trong kỷ nguyên số cũng sẽ phải thay đổi để thích ứng và phát triển".

Đào tạo nhân lực báo chí vững như kiềng 3 chân trong tình hình mới - 3

TS. Trần Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Truyền hình  - Đài Truyền hình Việt Nam. (Ảnh Lệ Thu).

Ông Tiến nhận định, khi ngành báo chí - truyền thông có xu hướng "bắt tay" với giới công nghệ thì các nhà trường cần phải chủ động "bắt tay" chặt chẽ với cơ quan báo chí để cùng nhau đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo ý muốn của họ.

Việc hợp tác này sẽ định hình nội dung chương trình, phương thức đào tạo tương đối ổn định nhưng cũng đảm bảo việc cập nhật những thay đổi trong hoạt động báo chí vào giảng dạy.

Nó có thể chỉ là kỹ năng mới nào đó được kịp thời đưa vào nội dung bài giảng cũng ít nhiều mang lại giá trị. Nhìn xa hơn, để định hình cho một mối quan hệ ổn định, bền vững và phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, có thể sẽ xuất hiện các "đơn đặt hàng"; sẽ là sự trao đổi vị trí giữa giảng viên và phóng viên; thậm chí là sự can thiệp vào chương trình đào tạo từ cơ quan báo chí - với tư cách là đơn vị đặt hàng; sẽ có những môi trường đào tạo là các cơ quan báo chí và ngược lại, nhà trường là cơ sở sản xuất các tác phẩm, ấn phẩm báo chí - truyền thông.

Và trong cơ chế tự chủ tài chính, với mục tiêu cả hai bên "cùng thắng" sẽ định hướng từ việc "góp vốn" của hai bên, học phí của người học đến thù lao cho "sản phẩm" mà mỗi bên thụ hưởng. Khi đó, các nhà trường còn tránh bị "mang tiếng" là "sản phẩm" vẫn phải đào tạo lại tại cơ quan này, cơ quan kia.

Việc kiên trì đầu tư cho mô hình "Trong Trường Truyền hình có Đài Truyền hình" đã giúp xây dựng thương hiệu của VTV College theo định hướng đào tạo kỹ năng nghề, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn làm báo.

Cần có chính sách ưu tiên đặc biệt cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng báo chí

PGS.TS Hà Huy Phượng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại đặc biệt quan tâm đến việc cần có một chính sách ưu tiên đặc biệt cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng báo chí.

Ông nêu một thực tế hiện nay, đó là lẽ ra những người được đào tạo báo chí bài bản từ hệ thống trường công ở Việt Nam tốt nghiệp ra trường vào làm việc, phục vụ cho các cơ quan, đơn vị báo chí công (ở Việt Nam báo chí là cơ quan của Đảng, Nhà nước), nhưng do người học chưa được chăm sóc tốt ở môi trường giáo dục cũng như sự sẵn sàng đón nhận của các cơ quan báo chí, nên hiện tượng "chảy máu chất xám" trong đào tạo báo chí từ khu vực công sang khu vực tư (làm truyền thông) ngày một nhiều, thậm chí đến mức báo động.

Đành rằng, ngoài việc các đơn vị đào tạo công lập có chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu của hệ thống chính trị, nhưng cũng có thể đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, nếu như chính sách đào tạo không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo, nhất làm sự mất cân đối, không đạt được mục tiêu đầu ra trong đào tạo báo chí ở Việt Nam hiện nay.

Để cải thiện vấn đề này, cần có một cuộc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quyết định lãnh đạo, quản lý về chính sách đào tạo báo chí trong bối cảnh mới hiện nay. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật kiến thức làm báo hiện đại trong hệ thống giáo trình, bài giảng về báo chí. Ngoài ra, cần có chiến lược, chính sách mạnh mẽ để đầu tư nguồn nhân lực phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng báo chí.

Đào tạo nhân lực báo chí vững như kiềng 3 chân trong tình hình mới - 4

PGS.TS Hà Huy Phượng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh Lệ Thu).

Phát biểu tổng kết PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã khẳng định ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Hội thảo "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong tình hình mới".

Hội thảo đã cung cấp các luận cứ khoa học hữu ích cho việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông trong bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Đào tạo nhân lực báo chí vững như kiềng 3 chân trong tình hình mới - 5

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh Lệ Thu).

PGS.TS Phạm Minh Sơn trân trọng cảm ơn những tham luận, ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các nhà khoa học cho chủ đề hội thảo. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của hội thảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ chắt lọc để trình lên các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương. Từ đó, giúp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông của Việt Nam xác định đúng định hướng, có các giải pháp thiết thực đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.