Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đưa "làn gió mới" về với bản làng

Thanh Tùng

(Dân trí) - Từ chăn nuôi nhỏ lẻ đến bà chủ trang trại quy mô lớn, từ nông dân thu nhập bấp bênh trở thành công nhân ở công ty may… Đó là những thành quả từ công tác đào tạo nghề lao động nông thôn những năm qua.

Nâng cao chất lượng nghề nghiệp từ trong thôn, bản

Là một trong số những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, với tỷ lệ 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân huyện Lang Chánh trước kia sống chủ yếu bằng nghề canh tác nông - lâm nghiệp theo hình thức nhỏ lẻ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều lao động phải tha hương đi làm kinh tế.

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn huyện Lang Chánh đã có bước cải thiện đáng kể.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đưa làn gió mới về với bản làng - 1

Nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề may công nghiệp, sau đào tạo có việc làm ổn định (Ảnh: CTV).

Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Lang Chánh, thời gian qua, đã có hơn 1.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 85%.

Cụ thể, ngoài các ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, nhiều người dân được đào tạo nghề may công nghiệp, hàn xì, chăn nuôi…

Nhờ đó, từ chăn nuôi theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn đã biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi với quy mô lớn, tăng năng suất lao động với tổng thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều lao động học may công nghiệp đều có việc làm tại các công ty may với mức lương 4 - 6 triệu đồng/tháng, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.

Theo bà Lê Thị Vân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Lương, thực hiện đề án 1956, Hội đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lang Chánh thực hiện các lớp đào tạo nghề cho người dân trên địa bàn để nâng cao chất lượng lao động.

Vừa qua trên địa bàn xã có 31 người được đào tạo tham gia lớp học may công nghiệp, sau đào tạo có 18 người có việc làm và hiện đang làm việc tại các công ty may trên địa bàn huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Điển hình như chị Lê Thị Thoa, trước kia gia đình chị làm ruộng là chủ yếu, thu nhập bấp bênh. Sau khi được nhận vào công ty may để làm việc thì cuộc sống của gia đình chị được nâng lên rõ rệt.  

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đưa làn gió mới về với bản làng - 2

Ngoài việc làm nông nghiệp, nhiều người dân ở huyện Lang Chánh có thêm nghề may, dệt thổ cẩm từ khóa đào tạo (Ảnh: CTV).

"Trước kia gia đình tôi làm ruộng và phát rẫy, từ khi được đào tạo nghề may công nghiệp mà 2 năm qua tôi có được công việc ổn định ở công ty may. Mặc dù lương tháng cũng chỉ 5-6 triệu đồng nhưng so với mặt bằng chung ở khu vực miền núi như thế này là ổn định", chị Thoa chia sẻ.

Còn theo bà Lương Thị Quynh (bản Năng Cát, xã Trí Nang), qua lớp đào tạo nghề chăn nuôi, hiện nay bà đang sở hữu một trang trại chăn nuôi vịt quy mô lớn, tổng thu nhập mỗi năm ước đạt gần 100 triệu đồng. So với nuôi trồng nhỏ lẻ trước kia thì gia đình bà tăng thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm.

"Đi trước đón đầu" sẵn sàng cung cấp nguồn lao động

Theo ông Lê Văn Nam - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lang Chánh, sau 10 năm thực hiện đề án 1956 về đào tạo nghề lao động nông thôn thì chất lượng lao động trên địa bàn được cải thiện đáng kể, chủ yếu tập trung vào hai ngành nghề chính là dệt thổ cẩm, đan lát và nông nghiệp.

"Đây là những nghề gắn với điều kiện sẵn có ở địa phương. Trước đó, giai đoạn 2015 -2016 một số ngành nghề cũng được đổi mới như chăn nuôi, trồng trọt. Đề án 1956 góp phần giúp cho lao động nông thôn ở Lang Chánh rất tốt, ngoài việc đồng áng thì bà con có thêm được một nghề ổn định. Điển hình như bà con có thể vừa làm nông kết hợp làm dệt thổ cẩm, cuộc sống được nâng lên rõ rệt, nhận thức của bà con về đổi mới cách hoạt động nghề nghiệp cũng thay đổi rất nhiều", ông Nam thông tin.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn nhất định. Điển hình như việc nhận thức và trình độ của người học nghề không đồng đều, điều kiện kinh tế của các gia đình còn khó khăn. Ngoài ra thì quãng đường đi lại xa xôi, khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến tiêu thụ sản phẩm; giải quyết việc làm giữa nguồn cung và cầu về nguồn lao động còn hạn chế.

Theo ông Nam, định hướng về thời gian sắp tới, chính quyền địa phương và ngành chức năng đang cố gắng kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư dự án để đảm bảo khâu giải quyết việc làm đối với người lao động sau quá trình đào tạo.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đưa làn gió mới về với bản làng - 3

"Đối với Trung tâm, thời gian tới sẽ đổi mới, mở rộng thêm một số ngành nghề. Bên cạnh đó, với nghề may công nghiệp thì cần đi trước đón đầu về nguồn lao động. Để đến khi trên địa bàn có công ty, doanh nghiệp đầu tư vào ngành may mặc thì địa phương sẽ chủ động được nguồn lao động đã được đào tạo từ trước", ông Nam chia sẻ thêm.

Theo ông Phạm Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, hiệu quả từ đề án trong thời gian qua rất tốt.

"Nhờ đề án mà bà con trên địa bàn có thể định hướng được nghề nghiệp, nhất là các nghề như may mặc, xây dựng, đan lát. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho người học nghề còn hạn chế. Vì trên địa bàn huyện còn thiếu nhiều điều kiện, chưa có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Cần gắn việc đào tạo với tổ chức kết nối nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, để làm sao người học nghề sau khi học xong phải đảm bảo được việc làm", ông Tuấn cho biết thêm.