Đảm bảo bình đẳng giới cho trẻ thơ: Cần lắm sự chung tay của phụ huynh

Vũ Phong

(Dân trí) - Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh "giới" cần được lồng ghép vào tất cả các lĩnh vực phát triển bao gồm giáo dục.

Theo một nghiên cứu về bình đẳng giới trong giáo dục mầm non, những định kiến và khuôn mẫu giới sẽ hạn chế đáng kể tiềm năng phát triển của trẻ em và sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Thực tế là, trẻ nhỏ hình thành nhận thức và định dạng giới từ rất sớm, thông qua việc quan sát hành động, cách ứng xử hàng ngày của người lớn, đặc biệt là từ những người thân trong gia đình.

Chính bởi vậy, bên cạnh nhà trường, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng việc hình thành và phát triển nhận thức về giới ở trẻ nhỏ, nhằm tạo cho trẻ môi trường phát triển đầy đủ và lành mạnh. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, sự tham gia của người cha trong việc chăm sóc con cái sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của trẻ trai và trẻ gái.

Cụ thể, sự tham gia của người cha trong việc chăm sóc trẻ như tham gia làm các công việc nội trợ và chăm sóc trẻ sẽ là một hình ảnh đẹp và là tấm gương cho cả trẻ trai và trẻ gái.

Đảm bảo bình đẳng giới cho trẻ thơ: Cần lắm sự chung tay của phụ huynh - 1

Bình đẳng giới giúp trẻ tự tin khám phá tiềm năng của bản thân ngay từ nhỏ (Ảnh minh họa, được thực hiện trước thời điểm giãn cách xã hội. Nguồn: VVOB)

Trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI) do Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng - Bỉ (VVOB) thực hiện tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi,và Kontum, giáo viên mầm non đã biết cách tổ chức các hoạt động xóa bỏ các khuôn mẫu và định kiến giới, giúp cả trẻ trai và trẻ gái đều có mọi cơ hội trải nghiệm và học hỏi như nhau.

Một nghịch lý khiến nhiều giáo viên trăn trở, nếu tại lớp, trẻ được tự do vui chơi, được tạo dựng môi trường có đáp ứng giới nhưng khi về với gia đình, cha mẹ trẻ lại không cho phép trẻ được chơi theo sở thích, mà phải tuân theo các khuôn mẫu như con gái không được chơi trò vận động mạnh, con trai không được đụng vào búp bê... thì vấn đề hình thành bình đẳng giới ở trẻ trở nên vô nghĩa.

Chuyên gia Hà Thu Hương - Quản lý Giáo dục tại VVOB khẳng định: "Ngoài giờ học ở lớp, thời gian chủ yếu còn lại là trẻ ở nhà cùng gia đình. Vì vậy, sự hỗ trợ của gia đình là một yếu tố then chốt".

Chính bởi vậy, việc thay đổi quan điểm của phụ huynh về giới và khuyến khích sự tham gia của cha mẹ, đặc biệt là người cha trong việc góp phần quan trọng mang lại môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng cho các em.

Trong khuôn khổ dự án, VVOB đã nâng cao năng lực của giáo viên mầm non tại 3 tỉnh dự án trong việc truyền tải thông điệp đáp ứng giới đến cha mẹ qua nhiều hình thức khác nhau.

Cô T.T.Tài - giáo viên trường mầm non Tiên Cảnh (tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Chúng tôi phổ biến kiến thức về giáo dục có đáp ứng giới cho cha mẹ trẻ trong các buổi họp phụ huynh, góc tuyên truyền của lớp, hoặc trao đổi trực tiếp trong giờ đón trả trẻ. Qua đó, cha mẹ trẻ cũng đã hiểu và cùng chia sẻ với giáo viên trong việc cho trẻ được chơi với mọi đồ chơi, tham gia mọi hoạt động tại trường, lớp.

Ngoài ra, cha mẹ trẻ còn hỗ trợ, đóng góp các nguyên vật liệu đã qua sử dụng, sẵn có tại địa phương, cùng tham gia làm đồ chơi với cô giáo và một số hoạt động khác trong nhà trường".

Đảm bảo bình đẳng giới cho trẻ thơ: Cần lắm sự chung tay của phụ huynh - 2

Một buổi tuyên truyền về giáo dục bình đẳng giới cho phụ huynh ở tỉnh Quảng Nam (Ảnh được thực hiện trước thời điểm giãn cách xã hội. Nguồn: VVOB)

Trong khi đó, nhiều trường mầm non ở tỉnh Quảng Ngãi cũng chủ động thực hiện các buổi truyền thông với chủ đề "Vai trò của người cha trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ" và động viên phụ huynh nam tham gia. Sau một thời gian kiên trì, mọi chuyện dần tiến triển theo tín hiệu đầy tích cực.

Một giáo viên trường mầm non chia sẻ: "Ở lớp tôi có một trẻ hầu như chỉ được mẹ đưa đón đến trường. Khi thấy các bạn khác có cha đến đón hoặc tham gia hoạt động cùng, bé thường tỏ ra khá buồn.

Tôi đã quay lại video cảnh đó cho phụ huynh xem, đồng thời mời cha của bé tham gia các hoạt động chung. Ngoài ra, tôi cũng trao đổi thêm với anh về vai trò của người cha trong việc chăm sóc con cái".

"Người cha nhận ra mình còn thiếu sót, chưa quan tâm đến cảm xúc của con. Từ đó, anh thay đổi hẳn, thường xuyên đưa đón, và quan tâm đến con của mình. Nhờ vậy, trẻ trở nên vui vẻ, tự tin, hoạt bát hơn khi tham gia và các hoạt động", cô cho biết thêm.

Nhìn chung, phụ huynh nam đưa đón con đi học, chăm sóc con nhiều hơn trước đây. Các buổi họp phụ huynh, hoạt động của các học sinh có sự góp mặt nhiều hơn của các ông "ba". Thậm chí, có phụ huynh nam còn mua cho con gái quả bóng đá và đem đến lớp.

Anh chia sẻ: "Trước giờ con gái tôi thích chơi đá banh nhưng tôi không cho. Hôm trước đi tham gia buổi truyền thông nên giờ tôi thay đổi quan điểm, tôi mua quả banh để cô cho các trẻ cùng chơi".

Có thể nói, sự thay đổi tích cực của người cha đồng nghĩa với việc hiểu, thông cảm và san sẻ công việc gia đình, con cái với người mẹ nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, các bé cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc đồng đều của cả cha và mẹ trong học tập, vui chơi.

Trẻ cũng bước đầu hình thành khái niệm bình đẳng giới, tôn trọng bạn khác giới, tự tin, thỏa sức thể hiện sở thích của bản thân và hào hứng tham gia vào tất cả hoạt động do thầy cô gợi ý.