Đại biểu Quốc hội: "Trường tư thu phí giữ chỗ dựa trên cơ sở nào?"

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc trường tư thu "phí giữ chỗ" khiến phụ huynh đặt ra câu hỏi: Trường lấy cơ sở nào để thu khoản tiền đó và trường dùng khoản thu vào mục đích gì?

Trước đó, theo phản ánh của Dân trí, trường tư thục trên địa bàn Hà Nội ra thông báo về khoản "phí giữ chỗ" cho năm học mới. Theo đó, chi phí này áp dụng cho cả học sinh đang theo học và học sinh lần đầu ghi danh vào hệ thống giáo dục này. Tùy theo hệ mà số tiền phụ huynh phải đóng sẽ khác nhau. 

Tại một trường tư thục, học sinh hệ cơ bản có mức "phí giữ chỗ" là 3 triệu đồng, hệ tiếng Anh tăng cường là 5 triệu đồng. Sau khi vào năm học, khoản phí này sẽ được đối trừ vào các khoản thu đầu năm và không được hoàn lại với những học sinh không theo học tại trường.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hòa - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ sự thắc mắc, trường tư thu "phí giữ chỗ" dựa trên cơ sở nào và trường dùng khoản thu đó vào mục đích gì? Bởi vậy, cần có quy định cụ thể, rạch ròi về vấn đề này, tránh các khoản thu "mập mờ".

Đại biểu Quốc hội: Trường tư thu phí giữ chỗ dựa trên cơ sở nào? - 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Dù là trường phổ thông tư thục hay trường công lập thì đều hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật Giáo dục và các nghị định có liên quan cũng như chịu sự quản lý của các cơ quan chủ quan ngành giáo dục ở địa phương. 

Hơn thế nữa, nếu nhà trường đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt thì "hữu xạ tự nhiên hương" - phụ huynh cớ gì phải chuyển trường cho con. Đồng thời, với danh tiếng đó, các phụ huynh khác sẵn sàng ghi danh cho con theo học tại trường. 

Theo ông Hòa, các trường tư thục tự ý đưa ra các khoản phí thì cơ quan quản lý như Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT có thể vào cuộc làm rõ nhà trường dựa trên cơ sở nào để thu phí, từ đó đề nghị xử lý phù hợp.

Biết rằng, trường tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính nhưng vẫn cần đảm bảo khung tài chính, học phí cũng như các khoản thu khác theo quy định. 

"Các trường phổ thông tư thục cho rằng họ tự chủ hoàn toàn nên đặt ra những khoản thu tùy theo từng trường, nhưng ở đây, cơ quan quản lý giáo dục cần có quy định rõ ràng về các khoản thu. Trong giáo dục không thể nào có chuyện thu "phí giữ chỗ" được", ông nhấn mạnh. 

Thay vì thu phí ghi danh, đặt cọc giữ chỗ, các trường tư thục nên tìm các phương thức ứng xử với phụ huynh học sinh về chi phí và các khoản thu khi tiến hành tuyển sinh.

Đại biểu Quốc hội: Trường tư thu phí giữ chỗ dựa trên cơ sở nào? - 2

Thông báo thu phí đặt cọc giữ chỗ của hệ thống liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội (Ảnh: T.N).

Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: "Tại Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thì không có bất kỳ quy định nào về khoản "phí giữ chỗ" này.

Các trường đã cố ý đặt tên cho một khoản thu với mục đích đặt cọc là khoản "phí giữ chỗ" để nhằm tráo đổi định nghĩa về phí, lệ phí".

Theo Luật sư Long, hoạt động giáo dục của các trường tư thục được quyền mang về lợi nhuận, tuy nhiên lợi nhuận đấy phải phù hợp sau khi nhà trường thu những khoản phí hợp lý để đối trừ đi những chi phí cho hoạt động. 

Khoản thu mang tên "phí giữ chỗ" kia thực chất không phải là khoản phí. Do đó, kể cả có sự thương lượng đàm phán với phụ huynh học sinh thì nhà trường cũng không thể thu khoản tiền trái quy định này.