Cựu Bộ trưởng thua kiện tiến sĩ: Do sơ suất chưa kịp nộp biên lai tạm ứng án phí đúng hạn?

(Dân trí) - "Bộ đã nhiều lần có đơn kháng cáo đối với các quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhưng Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đều không chấp nhận. Trong khi đó, khi Bộ có sơ suất nhỏ (chưa kịp thời nộp Biên lai thu tạm ứng án phí đúng hạn) thì Tòa lại bác Đơn kháng cáo".

Đây là một trong những lý do mà Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết trước Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vụ thu hồi bằng tiến sĩ ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Cựu Bộ trưởng thua kiện tiến sĩ: Do sơ suất chưa kịp nộp biên lai tạm ứng án phí đúng hạn? - 1

Phóng viên: Trong Thông cáo báo chí ngày 05/4/2019, Bộ nói “rất lấy làm tiếc về Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Xin ông nói rõ vấn đề này?

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng: Nói rất lấy làm tiếc vì Tòa án đã không căn cứ bản chất thực của vấn đề là Bộ đã nộp đơn kháng cáo đúng thời gian quy định, đã nộp tạm ứng án phí đúng thời hạn (thể hiện rõ tại Biên lai do Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cấp).

Suốt 05 năm qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiêm túc tham gia tố tụng, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Tòa, cử người đại diện và mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người bị kiện tại phiên tòa.

Trong quá trình tham gia tố tụng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án mà không có căn cứ xác đáng, vi phạm quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Bộ đã nhiều lần có đơn kháng cáo đối với các quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhưng Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đều không chấp nhận. Trong khi đó, khi Bộ có sơ suất nhỏ (chưa kịp thời nộp Biên lai thu tạm ứng án phí đúng hạn) thì Tòa lại bác Đơn kháng cáo.

Vô hình trung, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã bỏ qua cơ hội xem xét lại vụ việc vốn đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội làm không đúng cả về nội dung và thủ tục như Đơn kháng cáo Bộ đã nêu, làm giảm lòng tin của xã hội vào hoạt động của Tòa án. 

Phóng viên:  Vậy Bộ vẫn khẳng định việc Bộ thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng?

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng: Bộ GD&ĐT khẳng định, việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là hoàn toàn đúng pháp luật.

Bộ GD&ĐT đã căn cứ vào các bằng chứng có tính pháp lý, khách quan để kết luận hành vi vi phạm, thực hiện thu hồi bằng tiến sỹ của ông Quế là đúng pháp luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, pháp chế XHCN, chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức của nhà giáo.

Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT không thay đổi quan điểm về việc này. Hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đã rõ ràng và có minh chứng đầy đủ. Bộ đã tiến hành giải quyết vụ việc theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Việc Bộ GD&ĐT sử dụng cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia để làm căn cứ tiến hành xác minh hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế là có đầy đủ căn cứ pháp lý.

Việc Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia “không phải là luận án gốc được lưu giữ tại Bộ GD&ĐT”và “có đến 06 cuốn luận án tiến sĩ được nộp cho Hội đồng xét xử”, “không biết cuốn luận án tiến sĩ gốc là cuốn nào” là hoàn toàn suy diễn và không có căn cứ pháp lý.

Như Đơn kháng cáo ngày 25/12/2018 Bộ đã nêu, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã né tránh vấn đề cốt yếu của vụ án, đó là ông Hoàng Xuân Quế có hay không có hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế? Từ đó Bản án sơ thẩm được ban hành với nhiều nội dung không thuyết phục, thiếu căn cứ pháp lý, gây mập mờ, lẫn lộn về nhiều vấn đề cơ bản.

Hồ sơ, tài liệu do Bộ GD&ĐT đã giao nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm, đã đảm bảo đầy đủ căn cứ để khẳng định ông Hoàng Xuân Quế đã sao chép luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế. Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã đối chiếu cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, qua đó kết luận mức độ sao chép giữa 02 cuốn luận án là 52,5 trang/ 159 trang (Chương  I sao chép 17 trang/ 54 trang; chương II sao chép 6,5 trang/ 61 trang; chương III sao chép 29 trang/ 44 trang).

Trong các bản giải trình, ông Hoàng Xuân Quế từng thừa nhận có đưa cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế đi đánh máy để tiện tham khảo cho cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế, tuy nhiên thực tế là phần “tham khảo” từ cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế không được ông Hoàng Xuân Quế để trong ngoặc kép, cũng không đưa vào mục Tài liệu tham khảo trong cuốn luận án tiến sĩ của mình.

Bộ GD&ĐT sử dụng cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia là có đầy đủ căn cứ pháp lý, đó là Quy chế Đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, nghiên cứu sinh phải nộp luận án tiến sĩ đã bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước cho Thư viện Quốc gia. Trên thực tế, ông Hoàng Xuân Quế đã nộp cuốn luận án tiến sĩ tại Thư viện Quốc gia. Cuốn luận án tiến sĩ của ông Quế được Thư viện Quốc gia đóng dấu và lưu giữ.

Hơn nữa, theo quy định thì trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước, ông Quế phải nộp cho Bộ GD&ĐT cuốn luận án để Bộ ra quyết định thành lập Hội đồng chấm luận án - đó chính là cuốn luận án Bộ đã chuyển cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Nội dung cuốn luận án này hoàn toàn giống cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế nộp ở Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chỉ khác nhau về việc dàn trang.

Cần nói thêm, ngoài việc đối chiếu 03 cuốn luận án tiến sĩ được lưu giữ tại 03 thư viện, Bộ GD&ĐT còn đối chiếu các cuốn luận án này với cuốn sách “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Hoàng Xuân Quế, Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội xuất bản năm 2004, và nhận thấy nội dung các tài liệu này hoàn toàn trùng khớp với nhau.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14/12/2018, khi trình bày về vấn đề này, luật sư của Bộ GD&ĐT đã liên tục bị Hội đồng xét xử cắt lời vì cho rằng cuốn sách “Bàn về các công cụ…” không thuộc phạm vi xem xét giải quyết của vụ án.

Quan điểm của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm là không thỏa đáng, bởi cuốn sách “Bàn về các công cụ…” là tác phẩm của ông Hoàng Xuân Quế, được xuất bản sau khi ông Quế bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nó có đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ được quy định tại Luật Tố tụng hành chính.

Tại điểm a khoản 3 Điều 12 Quy định quản lý văn bằng, chứng chỉ của bộ GD&ĐT đã nêu rõ như sau: “Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: Người được cấp văn bằng chứng chỉ vi phạm các quy định về tuyển sinh, giáo dục, đào tạo do Bộ GD&ĐT hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành”. Đây chính là căn cứ pháp lý trực tiếp để Bộ tiến hành thu hồi bằng tiến sỹ của ông Quế sau khi xác định chắc chắn hành vi sao chép.

Như vậy, sự thật chỉ có một, đó là ông Quế có sao chép luận án; hành vi sao chép của ông Quế đã vi phạm quy định về đào tạo nên phải chịu chế tài thu hồi văn bằng.

Tất cả những lý do phía nguyên đơn nêu ra về trình tự, thủ tục trong quá trình xử lý vụ việc của Bộ GD&ĐT không thể làm sai khác đi bản chất vụ việc là ông Quế đã có hành vi vi phạm những quy định về đào tạo sau đại học. Bản án sơ thẩm cũng không thể phủ nhận hành vi sao chép luận án của nguyên đơn.

Đây là vụ việc liên quan tới nền khoa học và giáo dục của nước nhà. Nếu ông Hoàng Xuân Quế được tuyên vô tội, đây sẽ là một tiền lệ xấu trong lịch sử giáo dục và nghiên cứu khoa học của Việt Nam vì bản án không đúng với bản chất của vụ việc, làm mất lòng tin của đội ngũ giáo viên chân chính và của xã hội vào sự công tâm, khách quan của các cơ quan pháp luật.

Đây cũng không phải quyết định của cá nhân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, mà đây là quyết định thực hiện theo quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, hoàn toàn vì sự nghiệp giáo dục đào tạo chung của đất nước của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (khi đó là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận – PV) là người đại diện cao nhất.

Cựu Bộ trưởng thua kiện tiến sĩ: Do sơ suất chưa kịp nộp biên lai tạm ứng án phí đúng hạn? - 2

Phiên tòa xử tiến sĩ kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Phóng viên: Để bảo vệ quan điểm, quyết định của mình, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ làm gì?

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng: Trước hết, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì Bộ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thực tế bản chất sự việc cũng như quá trình giải quyết vụ việc của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho thấy có đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền kháng nghị xem xét lại Bản án này. Bộ GD&ĐT tin tưởng vụ việc sẽ được xem xét khách quan, đúng bản chất.

Vì vậy, Bộ sẽ có Đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét Bản án sơ thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính để các quy định của pháp luật được thực thi, bảo về kỷ cương trong giáo dục, bảo vệ chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục và đạo đức Nhà giáo.

Trân trọng cám ơn ông!

Về những ý kiến băn khoăn về việc: nếu thu hồi bằng tiến sỹ của ông Quế thì xử lý các luận văn, luận án đối với các học viên, NCS ông Quế đã hướng dẫn như thế nào?.

Vấn đề này, đại diện Lãnh đạo Bộ đã trả lời: kết quả học tập của học viên, NCS là cả quá trình. Việc đánh giá là của cả một tập thể cho nên việc thu hồi bằng của ông Quế không ảnh hưởng.

Hồng Hạnh