Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005:

“Cuộc chiến” chống gian lận thi cử

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thi, những nhà giáo dục lại đứng trước một vấn nạn nặng nề và nhức nhối: Gian lận trong thi cử. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, song ai cũng ngầm hiểu rằng, nếu các thí sinh không tự ý thức, “cuộc chiến” chống gian lận sẽ còn nhiều khó khăn.

Đại tá Trần Xuân Tịnh – Giám đốc Học viện Biên phòng: Trách nhiệm của giám thị và Hội đồng tuyển sinh:

 

Trong thời điểm hiện nay, thí sinh gian lận trong các kỳ thi tuyển sinh đại học là có nhưng không đến mức bùng phát như một bệnh dịch và thực sự chưa làm ảnh hưởng đến an toàn của kỳ thi này.

 

Chống gian lận trong tuyển sinh là điều có thể làm được và làm có hiệu quả dù sự gian lận đó có trở thành những xảo thuật tinh vi đến đâu. Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Quốc phòng đã quy định rất đầy đủ và chặt chẽ. Nếu hội đồng thi tuyển sinh, cán bộ coi thi, chấm thi thực hiện đúng quy chế thì các thủ đoạn nêu trên đều có thể ngăn chặn ngay từ đầu.

 

Thế nhưng tại sao ở một số nơi các thủ đoạn đó diễn ra trót lọt và sự việc chỉ được phát hiện khi sự đã rồi? Có hai vấn đề cần đặt ra: Đó là trách nhiệm của giám thị và trách nhiệm của Hội đồng tuyển sinh. Nếu giám thị làm tròn trách nhiệm coi thi, nắm vững quy chế và thực hiện đúng quy chế, nếu hội đồng thi tuyển sinh có trách nhiệm kiểm tra nghiêm túc những thí sinh trúng tuyển vào trường mình ở tất cả các khâu, các nguyện vọng thì thí sinh không thể gian lận được.

 

Cẩm nang gian lận

 

1. Phao: Phao ruột mèo, phao lò xo.

2. Bộ đàm, Điện thoại di động và tai nghe không dây.

3. Các loại bút không màu.

4. Thuê thi.

5. Giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh giả.

6. Khai man hồ sơ hưởng ưu tiên.

 

Giải pháp để giải quyết có hiệu quả hiện tượng trên là vấn đề con người. Làm sao phải gắn kết được trách nhiệm của giám thị với công việc coi thi để công việc này đạt hiệu quả cao nhất; gắn kết được trách nhiệm của Hội đồng tuyển sinh và các Hội đồng tuyển sinh có liên quan với nhau trong việc xét tuyển nguyện vọng 2,3 đảm bảo được tính khách quan và công bằng nhất....

 

Tuyển sinh trong các trường quân đội cũng có xuất hiện các hành vi gian lận, vi phạm quy chế của thí sinh, thậm chí cũng có cán bộ coi thi  vi phạm quy chế, nhưng hiện tượng này không nhiều và nếu xảy ra các hành vi gian lận, đối với từng mức độ chúng tôi quy định trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm túc.

 

Cơ quan chủ quản tuyển sinh quân sự là Hội đồng tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng và Cục Nhà trường đã thường xuyên kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo sát sao cụ thể và rất kịp thời Hội đồng tuyển sinh các trường quân đội. Do đó đã hạn chế tối đa các hành vi gian lận, vi phạm quy chế ở các trường quân đội

 

Tôi nghĩ, nếu các Hội đồng tuyển sinh, cán bộ coi thi, chấm thi thực hiện đầy đủ, đúng và nghiêm các điều quy định trong quy chế tuyển sinh hiện có thì gian lận trong tuyển sinh đại học sẽ ngày càng ít đi.

 

PGS.TS Bùi Thiện Dụ  - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân Lập Phương Đông: Thoải mái đầu vào sẽ hạn chế gian lận

 

Phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng đối với hành vi gian lận

 

Theo Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực gáo dục do Thủ tướng vừa ký ban hành quy định:

 

- Phạt từ 6-10 triệu đồng đối với các hành vi đánh tráo bài thi hoặc tiếp tay cho người khác đánh tráo bài thi của người dự thi không đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.

 

- Phạt từ 4- 6 triệu đồng với các trường hợp thi hộ, thi kèm, chuyển tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi cho thí sinh; làm lộ bí mật số phách bài thi.

 

- Phạt từ 2- 4 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực ngăn cản người quản lý thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi thực hiện nhiệm vụ.

 

- Phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe doạ dùng vũ lực ngăn cản người quản lý thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi thực hiện nhiệm vụ.

Rất tiếc là gian lận trong thi cử vẫn còn xảy ra và có cảm giác là ngày càng tăng và càng nghiêm trọng hơn. Nhưng “bùng nổ” thì không hẳn là như vậy! Trước đây, hiện tượng gian lận cũng có xảy ra, nhưng chúng ta có được thông tin nhanh chóng và đầy đủ như hiện nay đâu mà đánh giá! Còn chuyện hình thức gian lận ngày càng đa dạng, phong phú là do xã hội phát triển hơn. Mà nào có phải gian lận trong thi cử “bùng nổ”, ở các lĩnh vực khác cũng “bùng nổ” đấy chứ! Không nên nhìn sự việc này một cách ghê gớm quá mức.

 

Hiện tượng gian lận thi cử có tăng hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường luật pháp chung và cách quản lý đào tạo, sử dụng của chúng ta. Nếu một thanh niên chỉ có thể được vào biên chế mới được đề bạt trọng dụng, lên chức với tấm bằng đại học thì sẽ còn bằng giả, kết quả giả. Nếu như xã hội, nhất là các cơ quan nhà nước- nơi mà hiện nay đa số vẫn chọn là miếng đất yên thân tịnh tiến - còn căn cứ chủ yếu vào bằng cấp, ít dựa vào khả năng, tài năng thực thì khó mà giảm nạn này.

 

Tôi nghĩ là trường nào cũng có thể có thí sinh gian lận trong thi cử. Nhưng ở một số trường ít xảy ra hơn thì chắc là do môi trường ở đó thuận lợi hơn như các trường khối An ninh, Quốc phòng.

 

“Điều 22 Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT quy định các truờng phải công bố kết quả thi của thí sinh trên mạng Giáo dục www.edu.net.vn.

 

“Năm nay, Bộ sẽ chỉ đạo các trường rà soát điểm của thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 trên mạng. Rà soát điểm trên mạng là công việc rất đơn giản, chính xác và có tính pháp lý.

 

“Những trường tuyển nhiều nguyện vọng 2 có thể gửi tên, số báo danh kèm theo mã trường thí sinh dự thi cho chúng tôi, ngay hôm sau, chúng tôi sẽ gửi kết quả xác minh” - TS. Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc trung tâm tin học- Bộ GD-ĐT.

Còn ở trường dân lập như trường chúng tôi, gian lận cũng không “bùng nổ”. Một phần, do trường ĐHDL chưa hấp dẫn bằng các trường công lập, ngay cả bằng tốt nghiệp dân lập cũng chưa bình đẳng với các trường công lập, nhất là để vào biên chế nhà nước! Mặt khác, chúng tôi cũng hiểu rằng mình phải chặt chẽ hơn vì cùng khuyết điểm như nhau nhưng có thể sẽ có đánh giá nặng nề hơn: “dân lập mà...”

 

Làm sao để giảm gian lận thi cử và trong việc này ai chịu trách nhiệm nhiều hơn: người lớn hay trẻ con? Người lớn chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm! Vì chúng ta đang làm “bùng nổ” sự gian lận trong đời sống, trong quản lý và cả thi cử. Cần tạo một môi trường xã hội và pháp luật minh bạch hơn như quốc hội đang tích cực làm. Và chỉ khi nào  trong bộ máy của xã hội bớt sính bằng cấp và trọng dụng người thực tài thì gian lận sẽ giảm.

 

Giá như chúng ta mở rộng đại học, phổ cập hoá đại học để thanh niên ai có khả năng và nguyện vọng đều có thể tiếp cận trình độ đại học. Lúc ấy, bằng đại học không phải là giấy “đặc dụng” mà chỉ là giấy thông hành thì chắc chắn gian lận thi cử không còn là vấn nạn!

 

Mức độ gian lận đang bị dư luận đánh giá là cực kỳ nguy hiểm khi khâu hậu kiểm của các trường hiện rất “lỏng”. Tính đến ngày 14/4/2005, tức là gần một năm sau khi diễn ra kỳ thi tuyển sinh năm 2004, vẫn còn 61 trường chưa báo cáo kết quả theo quy định.

 

Hiện nay, đã có 82 sinh viên đã trúng tuyển vào ĐH, CĐ, dự bị ĐH bị buộc thôi học và cấm thi 3 năm vì có hành vi gian lận. Trong đó, có 24 trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh đại học giả, 20 trường hợp nhờ hoặc thuê người khác thi hộ, 38 trường hợp khai man hồ sơ để hưởng điểm ưu tiên, khuyến khích. Được biết, con số này trong mấy năm gần đây liên tục là 60-70.

Số thí sinh gian lận trong các kỳ thi tuyển sinh phần lớn do nhân dân phát hiện hoặc tra cứu trên máy tính. Vai trò của giám thị trong công việc này đang là khá mờ nhạt.

 

Mai Minh – Hồng Hạnh