Cung không đủ cầu trong đào tạo nhân sự cho ngành du lịch
(Dân trí) - "Hàng năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng đều vượt quá khả năng cung ứng của nhà trường", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ thông tin.
Cung không đủ cầu trong đào tạo nhân sự cho ngành du lịch
Tại Trường Cao đẳng Du lịch Huế, từ năm 2016 đến nay gần như tất cả các học sinh, sinh viên tốt nghiệp Trung cấp và Cao đẳng của trường đều tìm được việc làm tại các khách sạn 4-5 sao.
"Hàng năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng đều vượt quá khả năng cung ứng của nhà trường. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp của trường đang giữ các vị trí quản lý ở các doanh nghiệp.
Hiện nay, nhà trường đã ký kết hợp đồng nguyên tắc, biên bản thỏa thuận với trên 37 đơn vị doanh nghiệp du lịch lớn (4-5 sao) tại khu vực miền Trung. Cứ hai năm/lần, các hợp đồng, biên bản thỏa thuận sẽ được điều chỉnh theo tình hình thực tế", ông Vũ Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế cho biết.
Thông qua các biên bản, hợp đồng nguyên tắc, doanh nghiệp tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo tại Trường Cao đẳng Du lịch Huế, cụ thể là: định hướng nghề nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, phát triển chương trình đào tạo, phản biện giáo trình, tham gia giảng dạy và đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh, sinh viên thực tập và thi tốt nghiệp; Hỗ trợ nhà trường bố trí chương trình thực tế tại doanh nghiệp cho các giảng viên theo quy định; Những hoạt động mang tính chất giáo dục, cộng đồng cũng được doanh nghiệp và nhà trường liên kết tổ chức, đã mang lại những hiệu ứng xã hội tích cực.
Rào cản trong hợp tác đào tạo giữa trường nghề và doanh nghiệp du lịch
Bà Nguyễn Minh Thơ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ cho biết, hiện nay, nhà trường giữ mối quan hệ truyền thống, ký kết, phối hợp với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn.
Qua thực tiễn, bà Thơ nhận thấy những khó khăn trong hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đó là: Tiêu chuẩn giữa nhà trường và doanh nghiệp khác nhau, dẫn tới đôi khi có sự chênh lệch trong việc đánh giá kết quả thực tập, thực tế. Một số đề tài của sinh viên, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ tại doanh nghiệp chưa khả thi khi áp dụng vào thực tiễn, do chỉ mang tính cục bộ ở mỗi doanh nghiệp.
Mặt khác, về phía nhà trường nhận thấy trong mối quan hệ liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn tồn tại nhiều rào cản mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có những chính sách thông thoáng cho cả hai bên.
Các rào cản chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, điển hình là: nhiều doanh nghiệp, chưa thấy rõ được lợi ích khi thực hiện liên kết; doanh nghiệp chưa đầu tư nguồn lực (con người, kinh phí) cho việc liên kết; sự chủ động, quyết liệt của cả 2 bên... Do vậy, các trường mất nhiều thời gian để thuyết phục, xây dựng mối dây liên kết với doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với bà Nguyễn Minh Thơ, ông Vũ Hoài Phương Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, khó khăn khi hợp tác đào tạo với doanh nghiệp là đội ngũ quản lý ở các doanh nghiệp tuy có tay nghề cao nhưng hạn chế về phương pháp đào tạo; Sự biến động trong đội ngũ nhân sự, đặc biệt ở cấp quản lý tại doanh nghiệp gây ra khó khăn trong việc đào tạo, theo dõi… Vẫn còn nhiều doanh nghiệp (chủ yếu vừa và nhỏ) chưa thực sự vào cuộc cùng với cơ sở đào tạo.
Giải pháp phá bỏ rào cản
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ cho rằng để phá bỏ rào cản này, cần có hàng loạt biện pháp: Thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp; linh hoạt đào tạo các ngành, nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp; thiết kế chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo phù hợp với điều kiện hoạt động của doanh nghiệp. Tranh thủ các nguồn lực, xây dựng chính sách hợp lý dành cho các chuyên gia, nghệ nhân tại các doanh nghiệp đến chia sẻ, giảng dạy và tham gia các hoạt động khác của nhà trường.
Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp kiểm tra giám sát hoạt động liên kết để kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý các vướng mắc trong quá trình liên kết để có thể điều chỉnh, bổ sung quy chế đào tạo và có phương hướng khắc phục và giải quyết ngay từ khi tư vấn tuyển sinh đầu vào.
Ngoài ra, cần mở rộng hợp tác, giao lưu với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, như: tổ chức talkshow, tổ chức sự kiện, gameshow... trong quá trình học sinh, sinh viên đang học tại trường để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa nơi làm việc của các doanh nghiệp, làm tiền đề cho học sinh, sinh viên lựa chọn môi trường phù hợp nhất để ứng tuyển.
Trong quan hệ hợp tác, cần lan tỏa tinh thần "cùng nhau có lợi" trong đào tạo nghề du lịch; đề xuất đến doanh nghiệp mở rộng các mô hình: học kỳ doanh nghiệp, thực hiện một số tín chỉ đào tạo chuyên sâu vào lĩnh vực của doanh nghiệp; Cùng doanh nghiệp quảng bá thương hiệu kinh doanh, nâng cao giá trị chuẩn đầu ra của nhà trường bằng các hình thức khuyến học, khuyến tài thông qua các suất học bổng khuyến khích học tập hoặc cam kết tuyển dụng.
Từ thực tiễn trong quá trình hợp tác với các doanh nghiệp, bà, Đinh Bích Diệp - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu đã rút ra những bài học kinh nghiệm như sau: Một là, nhà trường cần chủ động, tích cực và xây dựng niềm tin trong các mối liên kết hợp tác, trong đó cần thiết phải linh hoạt khi lập kế hoạch đào tạo để phù hợp với lịch tiếp nhận sinh viên của doanh nghiệp.
Hai là, hai bên cùng xây dựng những quy định cụ thể, rõ ràng về đào tạo và quản lý sinh viên; Cử cán bộ đầu mối để kết nối các bên chặt chẽ, kịp thời báo cáo lãnh đạo để xử lý các vấn đề phát sinh.
Ba là, doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo song hành cần được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo cao nhất về chính sách, về sự ổn định vì các chương trình đào tạo cao đẳng chính quy có thời gian đào tạo từ 2 đến 2,5 năm; cần có bộ phận quản lý chuyên trách và đội ngũ đào tạo viên có chất lượng.
Bốn là, việc thực hiện đào tạo song hành nên bắt đầu từ năm thứ nhất để hình thành tác phong và thái độ nghề nghiệp sớm cho sinh viên.
Năm là, đề xuất với cơ quan có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuẩn cho người tham gia huấn luyện, đào tạo là người của doanh nghiệp.