Công nghệ vật liệu - ngành học "vạn năng" thời đại 4.0

Trường Thịnh

(Dân trí) - Công nghệ vật liệu đóng vai trò quan trọng làm thay đổi diện mạo cuộc sống con người. Vậy công nghệ vật liệu là gì, ứng dụng của nó trong cuộc sống và triển vọng nghề nghiệp khi theo học ngành học này thế nào?

Ứng dụng đa năng của Công nghệ vật liệu

Vật liệu công nghệ cao, bao gồm vật liệu tiên tiến, vật liệu thông minh và công nghệ nano là chìa khóa cho sự phát triển khoa học công nghệ như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, năng lượng, kỹ thuật hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, y học, nông nghiệp và môi trường. Do vậy, sự phát triển của ngành Công nghệ vật liệu vừa là yếu tố tiên quyết, vừa là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của các ngành công nghiệp nêu trên.

Hiện nay, trong nước có nhiều tập đoàn lớn nghiên cứu sản xuất và ứng dụng vật liệu công nghệ cao, như Vingroup trong lĩnh vực pin Li-iôn, Samsung và Panasonic trong lĩnh vực điện tử, Rạng Đông trong lĩnh vực chiếu sáng thông minh, Boviet trong lĩnh vực năng lượng mặt trời…. Thêm vào đó, với xu hướng dịch chuyển và tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đón nhận sự đầu tư mạnh mẽ từ nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu trên thế giới như Intel, IBM, Samsung, SK Groups, Toyota… Hay gần đây nhất, "ông lớn" Apple đã thành lập nhà máy sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam. Điều này mở ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực vật liệu công nghệ cao ở thời điểm hiện tại và tương lai sau này.

Công nghệ vật liệu - ngành học vạn năng thời đại 4.0 - 1
Các lĩnh vực vật liệu được quan tâm nhất hiện nay bao gồm điện tử, chiếu sáng, năng lượng, cảm biến, môi trường, y sinh, polyme và composit.

Có thể nói, làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là nền tảng quan trọng nhất để làm chủ sản xuất công nghiệp. Ví dụ như, một trong ba yếu tố công nghệ giúp Tập đoàn Tesla có thể giữ vững vị trí số một thế giới trong lĩnh vực ô tô điện chính là vật liệu và công nghệ chế tạo pin Li-ion do họ tự phát triển mà chưa một nhà sản xuất nào khác làm được. Do tầm quan trọng đặc biệt của vật liệu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chú trọng phát triển các vật liệu có giá trị chiến lược nhằm phát triển khoa học công nghệ và nâng cao giá trị sản xuất. Các lĩnh vực vật liệu được quan tâm nhất hiện nay bao gồm điện tử, chiếu sáng, năng lượng, cảm biến, môi trường, y sinh, polyme và composit.

Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã góp phần xây dựng các hệ máy tính, phần mềm mô phỏng để dự đoán tính chất của vật liệu một cách hiệu quả. Ngoài ra, với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào vật liệu được phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây đã thúc đẩy việc tìm kiếm, tổng hợp vật liệu mới có nhiều tính năng ưu việt hơn so với các vật liệu truyền thống với thời gian chế tạo vật liệu được rút ngắn một cách đáng kể.

Ngành Công nghệ vật liệu được đào tạo thế nào tại Phenikaa?

Trường Đại học Phenikaa là một trong số rất ít các trường đại học trong nước đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ vật liệu với hai chương trình đào tạo: Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, Vật liệu thông minh và Trí tuệ nhân tạo.

Với chương trình đào tạo Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về vật lý, hóa học, y sinh và công nghệ nano trong nghiên cứu vật liệu; nền tảng lý thuyết và kỹ năng thực hành về các phương pháp chế tạo, khảo sát cấu trúc, thành phần và tính chất của vật liệu cũng như đánh giá tiềm năng ứng dụng của chúng. Các lĩnh vực vật liệu trọng tâm bao gồm: vật liệu và linh kiện điện tử; vật liệu và linh kiện quang điện tử ứng dụng trong chiếu sáng thông minh và màn hình hiển thị, vật liệu năng lượng sử dụng trong pin mặt trời, pin Li-ion và pin nhiên liệu; vật liệu cho cảm biến khí và cảm biến sinh học; vật liệu xúc tác trong xử lý ô nhiễm môi trường và vật liệu y sinh.

Công nghệ vật liệu - ngành học vạn năng thời đại 4.0 - 2

Sinh viên ngành Công nghệ vật liệu trong giờ học thực hành.

Trường Đại học Phenikaa là đơn vị đầu tiên trong nước đào tạo chương trình Vật liệu thông minh và Trí tuệ nhân tạo. Đây là chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận mới ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật vật liệu nhằm dự đoán tính chất vật liệu, tìm ra các vật liệu mới. Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và vật liệu thông minh là hướng đi tất yếu trong thế kỷ 21 nhằm đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và tạo ra đột phá mới trong lĩnh vực vật liệu.

Tại Trường Đại học Phenikaa, sinh viên ngành Công nghệ vật liệu được đảm bảo thời lượng thực hành, thực tập tối thiểu 30% tổng thời gian đào tạo. Ngoài ra, bên cạnh các giờ học lý thuyết và thực hành trên lớp, sinh viên còn có cơ hội tham gia nghiên cứu cùng các giảng viên và nhà khoa học trong trường để vận dụng kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm cũng như tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Công nghệ vật liệu - ngành học vạn năng thời đại 4.0 - 3

Sinh viên đang được giới thiệu về hệ thống tính toán hiệu năng cao.

Triển vọng việc làm của kỹ sư Công nghệ vật liệu tốt nghiệp tại Phenikaa

Kỹ sư Công nghệ vật liệu tốt nghiệp tại Phenikaa có khả năng làm việc tại các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực linh kiện và thiết bị điện tử, chiếu sáng, năng lượng, môi trường, y tế như Samsung, Panasonic, LG, Viettel, VinES, Boviet, Foxconn, Seoul Semiconductors, Rạng Đông, Điện Quang,... Kỹ sư tốt nghiệp chương trình đào tạo Vật liệu thông minh và Trí tuệ nhân tạo còn có khả năng làm việc tại các công ty phát triển phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực CNTT và Trí tuệ nhân tạo như FPT, Viettel, VNG, Tiki, Shopee,… Ngoài ra, với điểm mạnh là một tập đoàn công nghiệp, công nghệ hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Phenikaa có nhiều vị trí việc làm phù hợp và ưu tiên tuyển dụng kỹ sư Công nghệ vật liệu tốt nghiệp từ Trường Đại học Phenikaa làm việc tại các công ty trực thuộc và đối tác của Tập đoàn.

Năm 2022, Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh với 36 ngành/chương trình đào tạo.

Trong đó, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu tuyển sinh 2 ngành:

Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano: 60 chỉ tiêu (mã xét tuyển MSE1). Tổ hợp môn xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh); D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).

Vật liệu thông minh và Trí tuệ nhân tạo: 30 chỉ tiêu (mã xét tuyển MSE-AI). Tổ hợp môn xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh); D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh); C01 (Toán, Văn, Lý).

Thông tin chi tiết xem tại: phenikaa-uni.edu.vn hoặc thăm quan trải nghiệm tại: https://vrtour.phenikaa-uni.edu.vn/#khoa-khoa-hoc-va-ky-thuat-vat-lieu

Điện thoại: 094.651.1010 - 098.381.1010