Con đường nào đến với nghề PR?

JobStreet.comViệt Nam - Mạng việc làm hàng đầu Đông Nam Á vừa tổ chức thành công buổi đối thoại về nghề PR với chủ đề “Hành trình trở thành giám đốc đối ngoại”.

Buổi đối thoại có sự tham gia của bà Đường Thu Hương - Giám đốc đối ngoại của Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam, cùng hơn 100 bạn khách mời là những bạn trẻ quan tâm đến cơ hội việc làmvà sự định hướng cho tương lai nghề nghiệp của bản thân trong lĩnh vực PR - Đối Ngoại, nghề đã và đang thu hút một nguồn lớn nhân lực trên thị trường Việt Nam.

Nghề PR - Dễ hay Khó?

Theo quan niệm của không ít người, đặc thù cơ bản của nghề PR - Đối Ngoại chỉ là ăn ngon và mặc đẹp. Nhưng để là một chuyên viên PR thực sự, bạn cần phải đầu tư rất nhiều về mọi mặt và ở mọi nơi để trở thành một người nhanh nhạy,có thể phản ứng trong mọi môi trường. Ngoài ra, bạn cũng phải là một người biết lắng nghe.

Theo bà Đường Thu Hương: “Nghề PR đòi hỏi mỗi cá nhân phải có được rất nhiều khả năng: giao tiếp, sự nhạy cảm, truyền đạt, thuyết phục… Nên để không bị đẩy lùi trong một môi trường đầy năng động như nghề PR, bạn hãy dùng thời gian của bản thân để trò chuyện với ngay những người thân xung quanh bạn. Đó có thể là người bạn đã thân quen, hiểu rõ. Nhưng hãy tìm cách để khai thác họ ở nhiều hướng và làm sao để họ luôn chia sẻ với bạn chân thành nhất”.

Con đường nào đến với Nghề PR?

JobStreet.com Việt Nam tổ chức trò chơi tương tác, giao lưu cho các bạn tham gia buổi đối thoại.

Nghề PR luôn đòi hỏi ở bạn sự năng động, chỉn chu, tinh tế và lịch thiệp. Nhưng đằng sau ánh hào quang đó, luôn ẩn chứa những mặt trái nhiều cay đắng và nhạy cảm.Với hơn 10 năm “gai góc” với nghề, bà Đường Thu Hương tâm sự: “Nghề nào cũng có hai mặt. Trái hay phải đều phụ thuộc vào sự nhìn nhận, đánh giá của mỗi cá nhân. Nếu lựa chọn nghề PR, ngoài sự đam mê, năng lực, bạn cũng nên trang bị một “tinh thần thép” để đương đầu với sự nhạy cảm hay những lời nói khó nghe không chỉ ngoài mà ngay trong nội bộ công ty. Bạn không thể cãi tay đôi với họ, mà phải gồng mình lên, hành động chứng minh cho họ thấy cái sai của họ”.

Chuyên viên PR sẽ là những phát ngôn viên truyền tải các thông điệp đến khách hàng và những nhóm công chúng quan trọng. “Không như các ngành nghề khác, thời gian làm việc của các chuyên viên PR không cố định. Bạn phụ thuộc vào thời gian của đối tác, có khi bạn phải đi gặp đối tác ký hợp đồng lúc nửa đêm là chuyện rất bình thường, vì họ từ nước ngoài đến và chỉ có 5 đến 6 tiếng tại Việt Nam để trao đổi. Đối với người độc thân, hay ngay cả đối với các bạn đã kết hôn, luôn cần sự cảm thông của những người xung quanh”, bà Đường Thu Hương chia sẻ thêm.

Ngoài những kỹ năng về giao tiếp, một chuyên viên PR cũng phải biết cách quản lý rủi ro, không chỉ cho bản thân mà ngay từng cá nhân trong công ty. Bạn đừng nghĩ, PR là đối ngoại, chỉ có nhiệm vụ mang hình ảnh công ty đến cộng đồng, ngược lại, chuyên viên PR cũng chính là đối nội, người mang những suy nghĩ và đánh giá từ bên ngoài về công ty của bạn.

Khi được đề cập đến yếu tố nào sẽ được nhắm đến trong quá trình tìm kiếm chuyên viên PR, theo bà Đường Thu Hương thì “PR cũng là nhân sự nên bản chất con người vẫn là yếu tố nhắm đến đầu tiên. Đó là một con người có cá tính, đôi khi nghề PR không cần người nói nhiều, mà cần người nói đúng. Kế tiếp sẽ xét đến tố chất PR của ứng viên đó ngay từ cách ứng xử giao tiếp trong quá trình phỏng vấn. Điều cuối cùng tối muốn tìm đó là một nhân viên “ngoan” hơn là một nhân viên giỏi. “Ngoan” ở đây chính là lễ phép và tố chất con người tốt”.

Bà Đường Thu Hương chia sẻ kinh nghiệm cùng các bạn tham gia đối thoại

Bà Đường Thu Hương chia sẻ kinh nghiệm cùng các bạn tham gia đối thoại.

Hướng đi nào dành cho bạn?

Thời gian gần đây, mặc dù đa số các công ty đều thành lập một bộ phận riêng để phụ trách hoạt động PR (PR in house), nhưng do “cầu” của thị trường ngày càng đa dạng cũngnhư tính phức tạp và chuyên nghiệp của công việc nên không ít công ty vẫn cần dịch vụ hỗ trợ của các công ty PR bên ngoài (PR out house). Chính vì vậy, các bạn trẻ hiện nay vẫn đang phân vân không biết nên chọn hướng đi nào cho phù hợp.

Đứng trước thắc mắc này, bà Đường Thu Hương đưa ra nhận định: “Điều dễ nhất bạn có thể thấy đó là, PR in house bạn chỉ làm duy nhất cho một công ty. Bạn chỉ cần hiểu tính cách và thông điệp của công ty muốn hướng đến. Tuy nhiên, mặt trái của PR in house, sẽ dễ làm bạn bị đẩy lùi và không có cơ hội tự đổi mới mình. Còn đối với PR out house, tuy bạn phải làm việc với nhiều công ty, bạn sẽ phải tìm hiểu tính cách và thông điệp của nhiều công ty một lúc trong thời gian ngắn. Điều này đòi hỏi bạn phải có một chiều sâu nhất định. Bên cạnh đó, theo tôi, bạn sẽ có cơ hội học hỏi và sáng tạo, vì sẽ không có công ty nào muốn truyền đạt những thông điệp giống nhau”.

Các bạn tham gia buổi đối thoại hào hứng khi được lắng nghe những chia sẻ từ khách mời.

Các bạn tham gia buổi đối thoại hào hứng khi được lắng nghe những chia sẻ từ khách mời.

Trên thị trường nhân lực hiện nay, PR - Đối ngoại đang được nhận định là nghề gây nên cơn sốt và mảnh đất tiến thân đang ngày càng trở nên màu mỡ. Các bạn trẻ muốn theo nghề nhưng không đủ tự tin và chưa có đủ thông tin cần thiết.

Theo bà Đường Thu Hương: “Bạn có thể tìm hiểu cũng như cập nhật các xu hướng việc làm thông qua các kênh thông tin hay các trang mạng việc làm trực tuyến như JobStreet.com để tham khảo các thông tin về công việc. Chính những mô tả chi tiết về công việc sẽ giúp bạn hiểu rõ cũng như hình dung được việc bạn sẽ phải làm. Nếu bạn “yêu nghề” bạn sẽ vượt qua được những thử thách. Bạn nên nhớ, gia tài lớn nhất của bạn là tuổi trẻ, đừng ngại thử và đừng bỏ cuộc, hãy đi đến cùng con đường bạn đã chọn”.