Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:
Cơ quan chủ quản không nên can thiệp vào hoạt động trường đại học
(Dân trí) - Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị giáo dục trực tuyến toàn quốc tổ chức sáng ngày 31/10 khi nói về vấn đề tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, một trong những kết quả rất nổi bật của đổi mới vừa qua, cả thế giới và nhân dân đều đánh giá, chúng ta đã thực hiện tự chủ giáo dục đại học, dù rằng con đường này còn tiếp tục nhưng bước đầu đã rất tốt, đã chứng minh tính đúng đắn và đã được luật hoá trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Theo Phó Thủ tướng, gần nhất có câu chuyện trường ĐH Tôn Đức Thắng, chúng ta cần phải rất bình tĩnh để nhìn nhận. Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT lập một đoàn công tác do một đồng chí Thứ trưởng trực tiếp vào làm việc, đúng bảo đúng, sai bảo sai nhưng xu thế chung là chúng ta phải ủng hộ tự chủ theo đúng quy định của pháp luật, theo luật; còn là đảng viên phải theo các quy định, điều lệ của Đảng.
“Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học. Giáo dục đại học không chỉ nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra tri thức, muốn vậy họ phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ tự chủ về chuyên môn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nếu như trước đây, tự chủ đại học còn rất mới mẻ tại Việt Nam, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Kết quả thực hiện thí điểm tự chủ đại học đã tạo ra diện mạo mới cho giáo dục đại học, cụ thể:
Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, quy mô đào tạo chính quy đại trà có chiều hướng giảm trong khi quy mô đào tạo chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh; nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động dừng và loại bỏ các ngành đào tạo không phù hợp, đồng thời mở thêm nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động.
Số lượng mở ngành đào tạo tăng từng năm, từ năm 2016 đến giữa năm 2020 đã mở thêm 1.733 ngành. Các trường cũng chủ động đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; tăng cường công tác đảm bảo chất lượng; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế.
Về nghiên cứu khoa học, Các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đặc biệt là chủ động trong việc phối hợp với doanh nghiệp để triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học. Số lượng bằng sáng chế, đề tài các cấp gia tăng đáng kể so với thời điểm trước khi tự chủ; số lượng các công trình khoa học được công bố tăng mạnh, từ 574 công trình năm 2013 lên 60.827 công trình năm 2020.
Về tổ chức, nhân sự, Các cơ sở giáo dục đã chủ động thành lập Hội đồng trường, tiến hành rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng hiệu quả hơn (thành lập, sáp nhập, giải thể, đổi tên đơn vị), thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các cơ sở giáo dục đã có sự điều chỉnh cơ cấu nhân lực theo hướng gia tăng lực lượng giảng viên giảng dạy trực tiếp, giảm đội ngũ lao động gián tiếp. Số lượng cán bộ/giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường đã tự chủ tăng lên đáng kể.
Về tài chính, các trường tự chủ đã đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học, miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách. Các trường đã trích lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng, phúc lợi, ổn định thu nhập. Đồng thời đã tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Từ những thành công này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết, thể chế hóa thông qua việc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2019 và Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn triển khai một số điều của Luật để tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát và bảo đảm các điều kiện thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, thực hiện kiện toàn Hội đồng trường theo thời hạn quy định.
Tăng cường kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học”.