Cơ hội "nhảy việc", nâng cao tay nghề cho lao động thất nghiệp vì Covid-19

Trịnh Trang

(Dân trí) - Nhằm hỗ trợ cho người lao động bị mất việc do đại dịch Covid-19, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng miễn 100% học phí đào tạo. Đây là cơ hội để lao động chuyển đổi hay kỹ năng tìm lại việc làm.

Thị trường lao động Việt Nam hiện có hơn 32 triệu lao động trên tổng số 50 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (theo số liệu của tổng cục thống kê, tháng 12 năm 2020). Phần lớn lao động bị mất việc là những lao động phổ thông, tự do chưa qua đào tạo.

Cơ hội nhảy việc, nâng cao tay nghề cho lao động thất nghiệp vì Covid-19 - 1

Trước bối cảnh này, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng triển khai chương trình "Bồi dưỡng kỹ năng nghề miễn phí" vì cộng đồng. Với mục tiêu tạo điều kiện cho những người lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau khi hoàn thành khóa học, lao động có cơ hội chuyển đổi hoặc cập nhật, nâng cao kỹ năng tay nghề. Với mục tiêu tối thiểu đưa 500 người lao động được đào tạo lại ở giai đoạn một, với 24 mô-đun (chuyên đề).

Các học viên sẽ được học miễn phí 100%, thực tập trên thiết bị, máy móc hiện đại và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chuyên đề đào tạo khi thực hiện đầy đủ các qui định về đào tạo của trường.

Đồng thời các học viên sẽ được thực tập trên thiết bị, máy móc hiện đại của trường hoặc của  các đơn vị đối tác tham gia chương trình. Ngoài ra, để hỗ trợ lao động sau khi hoàn thành khóa học, nhà trường sẽ là cầu nối giúp các học viên tìm được việc làm tại 15 công ty đối tác.

Cơ hội nhảy việc, nâng cao tay nghề cho lao động thất nghiệp vì Covid-19 - 2

Trường đào tạo nghề miễn phí cho lao động thất nghiệp vì ảnh hưởng của dịch bệnh 

Chương trình khởi động từ ngày 1/4 đến 30/6, với lịch học linh động các ngày trong tuần hoặc cuối tuần tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, số 65 Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TPHCM.

Đối tượng học là người lao động bị mất việc hoặc bị giảm giờ làm việc do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 (Ưu tiên nữ giới, người khuyết tật và người thuộc các dân tộc ít người).  Mỗi người được đăng ký tối đa 2 mô-đun (chuyên đề).